Khách ngao ngán
Hôm chúng tôi đến công trường thủy điện Đăkđrinh (trên địa bàn xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, công suất 125MW do TCty LICOGI làm tổng thầu xây lắp), trời mưa sập sùi. Huyện đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi thì đã bước sang ngày thứ 8 bị cô lập giữa biển. Truyền hình Trung ương đưa tin, trên đảo, lương thực và xăng được bán theo kiểu phân phối từng cân, từng lít. Mực nước các sông chảy qua địa phận Quảng Ngãi đều dâng cao, hoặc xấp xỉ hoặc vượt mức báo động cấp 2. Theo dự báo thời tiết, một cơn bão mới mang theo mưa lớn lại chuẩn bị đổ vào miền Trung…
Dây chuyền bê tông đầm lăn hiện đại, công suất 250 m3/h do LICOGI 9 đầu tư đã tập kết đầy đủ và đang được gấp rút tổ hợp lại. |
Cơn mưa và tin bão gần bờ làm chúng tôi nao núng. Để đủ can đảm đến Đăkđrinh, chúng tôi đã phải “lên dây cót” tinh thần rất cao. Nhưng khi vào công trường, trầy trật vượt qua đoạn đường từ trụ sở Ban Điều hành Tổng thầu LICOGI đến hạng mục cống dẫn dòng và đập (chừng 7km), nhão nhoét bùn lầy, trơn trượt thì nhuệ khí của chúng tôi giảm xuống “kịch sàn”. Lại thêm anh Mai Văn Hướng - Phó tổng giám đốc Cty LICOGI 9, Chỉ huy trưởng LICOGI 9 tại thủy điện Đăkđrinh - thủng thẳng kể chuyện: “Địa bàn ở đây dốc lớn, chỉ cần ở thượng nguồn mưa một trận to thì sau 30 phút, nước sông dâng cao 5m… ngập cầu tạm” hay “Đường ra - vào công trường quá nhỏ. Chiều tối, từ công trường quay trở ra TP Quảng Ngãi, không may gặp đoàn xe cây (xe chở gỗ) cồng kềnh, chẳng thể nào vượt được, xe của chúng tôi chỉ còn nước lẽo đẽo nhích theo sau, thậm chí phải nằm lại giữa đường”… Thế là các thành viên trong đoàn chúng tôi trở nên hoảng hốt, chụp ảnh, ghi hình một cách cuống cuồng rồi mau mau chóng chóng… xin phép ra về. Nói thế cho lịch sự, chứ thực ra chúng tôi đúng nghĩa tháo chạy khỏi thủy điện Đăkđrinh trước sự ngơ ngác, ngỡ ngàng của người công trường.
Chúng tôi rời công trường lúc khoảng 16h30, đi chẳng được bao xa, chưa qua đoạn đường nhỏ và xấu, khi lầy lội, khi xóc long óc, đã thấy bóng tối bủa vây. Ai nấy đều gai gai, rờn rợn... Vậy mà, tối muộn cùng ngày, sau một cuộc họp kéo dài, lãnh đạo Ban điều hành tổng thầu LICOGI và Cty LICOGI 9 mới rời rừng trong mưa gió ra TP để dự cuộc họp với chủ đầu tư vào sáng hôm sau. Gặp anh Hướng trong khoảng thời gian ngắn ngủi trước cuộc họp, chúng tôi ngượng ngùng lý giải việc vội vã ra đi. Anh không giấu nụ cười thú vị và cả một chút áy náy vì chẳng ngờ câu chuyện anh kể vô tình trở thành lời hù dọa cánh phóng viên non gan.
Đường hầm do LICOGI 10 thi công.
Chủ nhà điềm tĩnh
Quả thực, với người làm thủy điện, chuyện trải qua mưa bão giữa rừng từ lâu đã trở thành… lẽ thường tình. Anh Hướng bảo: “Chúng tôi quen nghề, quen với rừng rậm rồi. Với thủy điện Đăkđrinh, LICOGI 9 đã trải qua mùa mưa bão đầu tiên đầy gian khó, nên bây giờ, đối diện với mùa mưa bão thứ hai, chúng tôi vững vàng hơn nhiều”.
Theo lời anh Hướng, hồi tháng 8/2009, LICOGI 9 bắt đầu vào Đăkđrinh đảm nhiệm thi công các hạng mục phụ trợ. Khi đó, tất cả các ngả đường trên công trường đều xấu tệ xấu hại giống hệt đoạn từ trụ sở ban điều hành tổng thầu đến cống dẫn dòng mà cánh phóng viên vừa nếm trải. Hơn nữa, công trường chưa có điện lưới, chưa sóng điện thoại. Ban đầu, LICOGI 9 phải thuê nhà dân ở thị trấn Sơn Tân (cách công trường gần 30 km) làm trụ sở ban chỉ huy. Sau đấy, LICOGI 9 nâng cấp đường đến đâu thì di chuyển lán trại tới đó và rồi ngày ngày vẫn quay lộn lại thị trấn mua lương thực, thực phẩm, gọi điện, gửi fax... Mãi đến tháng 5 năm nay, công trường mới có điện và đến tháng 9 thì có sóng điện thoại di động Viettel. Đường phục vụ thi công cơ bản hoàn thành công tác mở rộng, rải cấp phối đá răm bề mặt. Lán trại cũng được xây dựng cố định và tươm tất. Môi trường sống và làm việc ở Đăkđrinh đã bớt thiếu thốn, khó khăn. Dẫu vậy, với kinh nghiệm ở rừng lâu năm, người LICOGI 9 vẫn thận trọng phòng thủ bằng cách tận dụng trồng rau ở những rìa đất hiếm hoi xung quanh văn phòng làm việc và khu ở, nuôi nhốt đàn gia cầm gồm gà, vịt, ngan lên đến vài chục con…
Bước vào mùa mưa bão thứ hai, người công trường có thái độ điềm tĩnh, vững vàng và chủ động hơn. Tổng giám đốc LICOGI 9 Nguyễn Văn Cửu tỏ ra từng trải: “Kinh nghiệm thi công thủy điện cho thấy, thời tiết quyết định 70 - 80% thắng lợi. Thi công vào mùa mưa, giải pháp kỹ thuật phức tạp, chi phí lại tăng gấp 2, gấp 3 lần. Vì vậy, vào mùa mưa năm nay, chúng tôi tập trung chuẩn bị tốt công tác hậu cần, tập kết vật liệu, tổ hợp thiết bị để ngay khi bước vào mùa khô sẽ đẩy cao tiến độ thi công lên 24/24h”.
Sẵn sàng ngăn sông.
Sẵn sàng ngăn sông
Đến công trường thủy điện Đăkđinh vào mùa mưa, chúng tôi không được chứng kiến một không khí làm việc hối hả. Chỉ thấy qua làn mưa, trên vai đập, một vài nhóm thợ LICOGI 9 lặng lẽ vận hành máy khoan hở, chuẩn bị cho đợt nổ mìn tiếp theo. Còn ở một gương hầm áp lực, cách cống dẫn dòng cả chục cây số, nhóm thợ LICOGI 10 không thèm để mắt tới cái nắng cái mưa của thời tiết, cần mẫn thi công… Dẫu vậy, chúng tôi vẫn cảm nhận rõ ràng sức nóng của công trường. Ấy là bởi dưới lòng sông, cống dẫn dòng dài 78m, rộng 16m đã được LICOGI 9 hoàn thành thi công sau 3 tháng triển khai. Cống được nghiệm thu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, đã sẵn sàng đảm nhiệm vai trò của nó sau thời khắc ngăn sông chặn dòng lần thứ nhất (dự kiến tổ chức vào đầu tháng 1/2011). Ấy là bởi, ở một hiện trường rất rộng, cách móng đập và cống dẫn dòng không xa, hệ thống dây chuyền thi công bê tông đầm lăn (RCC) công suất 250 m3/h mới tinh do LICOGI 9 đầu tư đã tập kết đầy đủ và đang được gấp rút tổ hợp lại. Dây chuyền được hoàn tất công tác lắp đặt vào giữa tháng 12/2010 để kịp nghiệm thu và đưa vào sản xuất chính thức sau lễ ngăn sông…
Nói về tiến độ thi công chung trên công trường, ông Đặng Đắc Bằng - Phó tổng giám đốc TCty LICOGI - cho biết: Thủy điện Đăkđrinh do Liên danh tổ hợp nhà thầu gồm Tập đoàn Sông Đà, TCty LICOGI và Cty CP CAVICO Giao thông thi công, trong đó TCty LICOGI làm tổng thầu. Để đảm nhiệm tốt vai trò tổng thầu, cùng với việc điều hành sản xuất hợp lý giữa các nhà thầu trong tổ hợp, ngay từ những ngày đầu khởi động công trường (tháng 2/2009), TCty trực tiếp giao các đơn vị thành viên là LICOGI 15, LICOGI 10, LICOGI 9, Lắp máy điện nước đảm trách toàn bộ công tác chuẩn bị như làm đường thi công, xây dựng hệ thống điện, cấp nước, tạo mặt bằng và xây dựng khu văn phòng làm việc, khu ở, lắp đặt các trạm nghiền sàng cát, đá, trạm trộn bê tông… Đồng thời, các nhà thầu LICOGI cũng tham gia nhiều hạng mục chính. Cụ thể, LICOGI 9 thi công cống dẫn dòng, cửa nhận nước, đập RCC, LICOGI 10 đào vai phải đập và hơn 3km trong tổng số trên 10km hầm áp lực, LICOGI 6 thi công bê tông nhà máy…
Cũng theo ông Bằng, ngay sau lễ ngăn sông, công trường sẽ bước vào cao điểm thi công chống lũ năm 2011. Có 2 mốc mục tiêu tiến độ quan trọng mà các nhà thầu phải thực hiện trong năm 2011 là hoàn thành đào và thi công bê tông hố móng đập đạt cao độ thiết kế trước khi lũ tràn về với khối lượng khoảng 200 nghìn m3 và đào khoảng 7km hầm áp lực…
Đối diện với thách thức
Thời khắc ngăn sông thủy điện Đăkđrinh đã đến rất gần, chỉ còn tính bằng ngày, chỉ còn chờ mưa tạnh và mùa khô gõ cửa. Các nhà thầu đang háo hức chờ giờ G dẫu rằng ai cũng biết khối lượng, áp lực công việc lớn, những thách thức không nhỏ vẫn đang chờ họ ở phía trước. Đó là những thách thức dễ dàng điểm mặt, chỉ tên. Chẳng hạn, từ TP Quảng Ngãi vào công trường chỉ có duy nhất một đường điện 35KW nhưng lại đang quá tải bởi phải cung cấp điện đồng thời cho 2 huyện Sơn Hà, Sơn Tây, công trường thủy điện - thủy lợi Nước Trong và thủy điện Đăkđrinh. Riêng Đăkđrinh, nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất khoảng 8MW song hiện nay mới chỉ được cung cấp 2,5MW. Dự kiến, đến tháng 6/2011, khi dự án thủy điện - thủy lợi Nước Trong phát điện thương mại thì tình trạng thiếu điện sản xuất ở Đăkđrinh mới có cơ hội được cải thiện. Trong thời gian từ nay đến đó, công trường Đăkđrinh sẽ tiếp tục tranh thủ đẩy cao sản xuất vào giờ thấp điểm. Ngành Điện lực Quảng Ngãi cam kết cắt giảm điện sinh hoạt trên địa bàn 2 huyện vào ban đêm để ưu tiên tập trung công suất cho công trường.
Một khó khăn khác là tỉnh lộ 623, nhất là đoạn từ trung tâm huyện Sơn Hà vào công trường dài 80km vừa xấu (chi chít ổ voi, ổ gà), vừa nhỏ (mặt cắt chỉ có 5m). Để đưa được thiết bị, vật liệu vào công trường an toàn, trước đây, nhà thầu chỉ dám cho xe vận chuyển bằng 1/2 tải trọng trong phép. Nhưng sắp tới, công trường chính thức thi công đập RCC, mỗi ngày cần được cung cấp trên 300 tấn vật liệu gồm sắt thép, xi măng, phụ gia puzơlan… thì nhà thầu thực sự e ngại, hệ thống giao thông nói trên không đáp ứng được yêu cầu. Rất may, trong cuộc họp mới đây, chủ đầu tư - Cty CP Thủy điện Đăkđrinh (do TCty Điện lực Dầu khí Việt Nam nắm cổ phần chi phối) đã thống nhất về mặt chủ trương là đồng ý cải tạo, nâng cấp và mở rộng mặt cắt đường lên 7m. Cho đến khi tỉnh lộ 623 chính thức được cải tạo thì trước mắt, các nhà thầu vẫn phải cùng nhau khắc phục khó khăn bằng cách… tự đổ đá, san gạt ổ voi, ổ gà…
Hòa Bình
Theo baoxaydung.com.vn