(Xây dựng) – Theo AFP, ngày 30/10, Thụy Điển trở thành nước châu Âu đầu tiên công nhận Nhà nước Palestine bất chấp sự phản đối của Israel.
Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom.
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallstrom nói rằng đây là một bước quan trọng khẳng định quyền tự quyết của người Palestine.
“Hôm nay, chính phủ quyết định công nhận nhà nước Palestine. Đó là một bước đi quan trọng công nhận quyền tự quyết của người Palestine”. Theo Bộ trưởng, động thái này của Thụy Điển nhằm ủng hộ người dân Palestine ôn hòa và giúp họ có vị thế ngang hàng với Israel trong tiến trình đàm phán hòa bình, gieo hy vọng cho thế hệ trẻ của 2 nước.
Người Palestine mong muốn trở thành một nước độc lập ở Bờ Tây và Dải Gaza với phía Đông Jerusalem làm thủ đô của họ. Họ đã tìm cách đến với những cuộc đàm phán hòa bình bằng cách vận động các cường quốc nước ngoài công nhận tuyên bố chủ quyền của họ.
Ngoại trưởng Wallstrom cho hay mặc dù rằng chính quyền Palestine không có toàn quyền kiểm soát đất đai và đất nước không có đường biên giới cố định, Palestine vẫn phù hợp với các tiêu chí trong luật pháp quốc tế về việc công nhận một đất nước.
Bà Wallstrom cho biết thêm trước đây Thụy Điển cũng là nước đầu tiên sớm công nhận Croatia năm 1992 và Kosovo năm 2008, dù thực sự lúc đó hai nơi này chưa hoàn toàn kiểm soát được lãnh thổ. Và tương tự, nay Palestine là trường hợp đặc biệt, theo bà Wallstrom.
Trước đó, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven phát biểu trước Quốc hội nước này trong diễn văn nhậm chức của mình vào tháng 10 cho biết, chính phủ của Đảng Dân chủ Xã hội của ông sẽ công nhân nhà nước Palestine. Hành động của Thụy Điển chịu rất nhiều chỉ trích từ Israel và Mỹ.
Ngày 29/10 Thuỵ Điển đã thông báo cho Israel về quyết định này.
Tổng thống Palestine Mahmud Abbas ngày 30/10 đã hoan nghênh việc Thụy Điển công nhận Nhà nước Palesstine, coi đây là một quyết định lịch sử.
Cho đến nay đã có 7 nước thành viên EU và khu vực Địa Trung Hải gồm Bulgaria, Cộng hòa Séc, Cộng hòa Síp, Hungary, Malta, Ba Lan và Romania công nhận Nhà nước Palestine.
Iceland là quốc gia Tây Âu duy nhất không thuộc EU công nhận Nhà nước Palestine độc lập.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Wallstrom còn cam kết phối hợp cùng với các quốc gia châu Âu khác, Mỹ và các tổ chức khu vực và quốc tế để ủng hộ việc nối lại tiến trình đàm phán (giúp Palestine và Israel) nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng.
“Cùng với những nước châu Âu khác, cũng như Mỹ và các tổ chức trong các khu vực và quốc tế, chính phủ Thụy Điển sẽ làm việc để hỗ trợ việc đàm phán mới để đạt được thỏa thuận cuối cùng,” bà Wallstrom cho hay.
Hiện quan hệ Israel - Palestine đang hết sức căng thẳng vì việc Tel Aviv lên kế hoạch xây các khu định cư Do Thái ở Đông Jerusalem, nơi người Palestine muốn lập thủ đô. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ họp khẩn về vấn đề này.
Trước đó các quan chức Mỹ đã chỉ trích dữ dội chính phủ Israel vì kế hoạch xây khu định cư Do Thái ở Đông Jerusalem.
Hồng Nhung (Theo AFP, Reuters)
Theo