Theo ông Vịnh, đây là dự án đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt, tuy nhiên cho đến thời điểm này, thấy việc duy trì sân golf gây ra phản cảm, tạo hình ảnh xấu cho quân đội nói riêng, nhà nước nói chung và gây những bức xúc cho người dân nên quân đội đã báo cáo với Chính phủ là sẵn sàng thu hồi để đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là giải tỏa bớt ách tắc giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Vịnh cho biết, dự án sân golf ở sân bay Tân Sơn Nhất cách đây hơn 10 năm đã được Chính phủ cho phép sử dụng trong thời gian nhàn rỗi, với điều kiện là khi có nhiệm vụ, nhu cầu về quốc phòng hoặc khi có chỉ thị của cấp trên thì thu hồi vô điều kiện.

“Thời gian vừa qua, khi thông tin này rộ lên, đặc biệt là được đưa ra diễn đàn Quốc hội thì BQP, tập thể Quân ủy T.Ư thống nhất cao là nếu Chính phủ thấy rằng có nhu cầu để phát triển sân bay Tân Sơn Nhất thì quân đội sẵn sàng đàm phán với chủ đầu tư thu hồi đất sân golf và giao lại cho Chính phủ”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nói.

Cùng với dự án xây dựng sân golf này, dự án sân golf ở sân bay Gia Lâm (Hà Nội) là thỏa thuận có tính nguyên tắc giữa BQP và chủ đầu tư, trên cơ sở thỏa thuận ấy, thì chủ đầu tư đã đầu tư vào hai sân golf ở Tân Sơn Nhất và Gia Lâm và từng bước đi vào kinh doanh. Việc xây dựng, hoạt động của 2 sân golf này được các bộ có chức năng quản lý nhà nước đồng tình ủng hộ và Chính phủ đã cho phép làm việc đó.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, Quân ủy T.Ư, BQP nhận thấy rằng việc để tồn tại hai sân golf này đã tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều không có lợi cho quân đội thì Quân ủy T.Ư đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra và cũng mời nhiều cơ quan cùng với BQP kiểm tra, kể cả mời đại biểu quốc hội tham gia. Quá trình kiểm tra, thấy rằng đây là hoạt động đúng với luật pháp, đúng quy định, nhưng tạo ra dư luận xấu trong xã hội. Cho nên ngay từ đầu năm nay, Bộ trưởng BQP đã có một chỉ thị dừng toàn bộ việc xây dựng các khu dịch vụ ở 2 sân golf này, gồm nhà hàng, khách sạn, biệt thự, căn hộ cho thuê…