(Xây dựng) – Chiều ngày 26/6, Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam”. Đây là một hoạt động thuộc Dự án “Chất lượng xây dựng và thực thi chính sách kinh tế tại Việt Nam được cải thiện với sự tham gia hiệu quả của báo chí truyền thông và tổ chức xã hội”, do Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada tài trợ.
Toàn cảnh Hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của bà Lê Thị Mai Liên – Trưởng Ban chính sách Tài chính công; ông Nicolas Drouin – Chuyên gia phát triển, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam; luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cty BASICO, cùng gần 70 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Điều hành Hội thảo là ông Nguyễn Chí Dũng - Cố vấn chính sách RED, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội.
Mục tiêu của Hội thảo là xây dựng chính sách thuế tài sản phù hợp với thực tiễn, trên cơ sở tham vấn ý kiến chuyên gia về chính sách này. Cụ thể, Hội thảo nhằm cung cấp thông tin tới giới truyền thông, tăng cường hợp tác xây dựng giữa giới truyền thông với Bộ Tài chính trong truyền thông có trách nhiệm về chính sách thuế tài sản dự kiến trình Chính phủ với mong đợi giúp cơ quan soạn thảo thu nhận được nhiều ý kiến xây dựng về dự án luật này.
Tại Hội thảo bà Lê Thị Mai Liên – Trưởng Ban chính sách Tài chính công đã trình bày về kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về thuế tài sản.
Bà Lê Thị Mai Liên – Trưởng Ban chính sách Tài chính công đã trình bày về kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về thuế tài sản.
Bà Liên cho biết: Thuế tài sản là khoản thu định kỳ thường xuyên hoặc khoản thu không định kỳ (phát sinh không thường xuyên) liên quan đến việc sử dụng, sở hữu và chuyển nhượng tài sản. Thuế tài sản có nhiều tên gọi khác nhau và được chia thành 3 nhóm. Hiện nay, theo Theo World Bank thì trên thế giới có 174/193 nước áp dụng thuế tài sản/thuế bất động sản/thuế nhà, đất.
“Việc đánh thuế với nhà, đất và tài sản liền kề với đất thì nó là thông lệ phổ biến trên thế giới, đặc biệt các nước phát triển, OECD; đánh thuế nhà không đánh thuế với đất thì ít được áp dụng (Tanzania, Hungary, Brunei…); đánh thuế đất nhưng không đánh thuế đối với nhà áp dụng ở Úc, Israel, Kenya, Nga, Lào… và phương pháp tính thuế, chu kỳ định giá, miễn giảm thuế… ở nhiều nước cũng khác nhau”, bà Liên cho biết thêm.
Bà Liên cũng đã đưa ra một số gợi ý cho Việt Nam khi xây dựng luật thuế tài sản và kiến nghị chỉ áp dụng đối với nhà, đất (thay thế thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung thêm thuế đối với nhà), có miễn, giảm đối với nhà, đất là tài sản công; nhà, đất sử dụng cho mục đích tôn giáo, phúc lợi công cộng… Các khoản thu khác đối với tài sản (lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất…) giữ nguyên theo quy định hiện hành.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cty BASICO.
Cũng tại Hội thảo, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cty BASICO cho rằng: Nếu đánh thuế tài sản thì phải tiếp cận từ góc độ toàn bộ tài sản, sau đó mới loại trừ tài sản nào. Đồng thời, ông cũng kiến nghị thuế tài sản chỉ đánh vào người có khả năng nộp thuế, miễn thuế cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, chỉ đánh vào một số loại tài sản, có giá trị lớn, đánh thuế luỹ tiến với khởi điểm rất thấp và phải cộng dồn nhà + đất khi đánh thuế.
Ngoài ra, Hội thảo còn được nghe ông Nicolas Drouin – Chuyên gia phát triển, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam chia sẻ những thực tiễn về thuế tài sản tại bang Ontario của Canada.
Để chuẩn bị cho Dự án Chính sách thuế tài sản dự kiến trình Chính phủ bổ sung vào Chương trình xây dựng pháp luật 2018, Bộ Tài chính đã tiến hành nghiên cứu chính sách, điều tra khảo sát và lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và công chúng theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là dự án luật có quan hệ tới cá nhân, tổ chức, kể cả kinh doanh và không kinh doanh, vì vậy, việc Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá, lấy ý kiến từ sớm trước khi trình Chính phủ một đề cương chi tiết là một việc làm đáng hoan nghênh, tạo sự đồng thuận xã hội, minh bạch trong quá trình hình thành chính sách và thu hút sự tham gia của công chúng. Việc công bố các ý tưởng chính sách về Luật Thuế tài sản đã thu hút sự quan tâm của công luận, tăng tính dự báo trước của các quy định pháp luật đối với thị trường bất động sản. Ý kiến công chúng xuất hiện trên báo chí và mạng xã hội về các ý tưởng chính sách về thuế tài sản đang được Bộ Tài chính tập hợp và xử lý trong quá trình đề xuất Chính phủ. Chính vì vậy mà Hội thảo lần này là diễn đản mở cho các đại biểu trao đổi và chia sẻ các góc nhìn về chính sách thuế tài sản.
Linh Nguyễn – Diệu Nhi
Theo