Sau một thời gian ngắn ổn định, giá các mặt hàng lương thực thực phẩm lại bắt đầu tăng từ cuối tháng 6. Trong khi đó, chu kỳ tăng giá cuối năm và mùa bão lụt đang đến gần. Giá lương thực thực phẩm (vốn chiếm tới 40% trong số các mặt hàng tính CPI) tăng đang làm dấy lên nỗi lo kéo lạm phát từ nay đến cuối năm tăng cao hơn nữa. Điều này không chỉ tác động đến nền kinh tế, mà trước mắt đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của người dân.
Ảnh minh họa
Trả tiền nhiều – mua được ít
Ai cũng biết tầm quan trọng của nhóm hàng lương thực thực phẩm cũng như những ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống của người dân, nhất là khi lạm phát tăng. Chính vì thế, người tiêu dùng không dễ gì ứng phó với các đợt tăng giá của nhóm hàng này, khi mà hàng ngày số tiền họ bỏ ra mua ngày càng cao, nhưng hàng hóa mua về thì ít đi đáng kể. Khảo sát tại một số chợ tại Hà Nội cho thấy, không chỉ các loại thực phẩm chủ chốt mà cả các loại rau xanh cũng tăng giá lên mức rất cao, thậm chí có những mặt hàng tăng gấp đôi so với ngày thường. Tại chợ Hồng Mai (Q. Hai Bà Trưng) giá rau muống đã tăng từ 5.000đ lên 10.000đ/mớ, cải ngọt từ 7.000 đồng đã tăng lên 14.000 đồng/kg, cà chua tăng từ 8.000 đồng lên 14.000 đồng/kg, đậu đỗ 22.000đ/kg... Các loại rau thơm cũng tăng ở mức đáng kể. Tăng chóng mặt nhất có lẽ là giá thịt lợn. Mặt hàng này vốn đã duy trì ở mức rất cao suốt thời gian dài vừa qua, nay lại tiếp tục tăng thêm 10.000 – 20.000đ/kg. Giá thịt nạc vai hiện ở mức “ngất ngưởng” 130.000đ/kg, thịt bò 200.000đ/kg, thịt gà công nghiệp 80.000đ/kg…
Trong khi đó, khảo sát tại các chợ đầu mối thì các loại thủy hải sản cũng trên đà tăng giá thêm 5.000 - 10.000 đồng/kg, nhất là các loại hải sản đắt hàng như mực, tôm sú, cá biển có mức tăng thêm 10.000 - 20.000 đồng/kg. Cá trôi tăng vọt từ 65.000 đồng lên 70.000 đồng/kg, cá trắm đen từ 100.000 đồng/kg tăng lên 120.000 đồng/kg; cá chép là 120.000 đồng tăng lên 140.000 đồng/kg... Các tiểu thương cho biết, tăng giá là do mưa bão làm ngập úng, gây thiệt hại rau màu và cá nước ngọt. Sắp tới, khi vào cao điểm mùa lụt bão thì giá cả có thể sẽ còn đắt hơn.
Cuối năm, giá khó giảm
Giá lương thực thực phẩm tăng đương nhiên có tác động lớn đến chất lượng sống của một bộ phận không ít dân cư khi họ dùng phần lớn thu nhập của mình để lo cho chuyện ăn uống. Và thực tế người dân trả tiền ngày càng cao nhưng mua được ít, thu nhập có tăng nhưng chất lượng cuộc sống không mấy được cải thiện. Thậm chí, Bộ Công thương còn cho rằng, trái với quy luật hàng năm, thời điểm sau Tết và mùa hè nắng nóng là lúc nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tươi sống sẽ giảm nên giá thực phẩm cũng giảm theo, thì nay giá thực phẩm tăng liên tiếp trong 6 tháng đầu năm và những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đứng ở mức cao. Chị Bùi Thu Trang (Q. Hà Đông – Hà Nội) chia sẻ: “ Gia đình mình tích cóp gần chục năm nay mới được vài trăm triệu để dành xây nhà nhưng cứ hết đợt tăng giá này đến đợt tăng giá khác, giờ vẫn chưa xây được. Bây giờ lại càng không dám xây, chỉ quanh lo cho sinh hoạt hàng ngày cũng đã đủ mệt rồi”.
Từ nay đến cuối năm, các yếu tố đầu vào trực tiếp như: giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, điện... được dự báo tiếp tục tăng. Mùa tiêu dùng cuối năm bao giờ cũng rộn ràng hơn đầu năm là nguy cơ khiến giá lương thực thực phẩm khó có thể giảm. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá thực phẩm 6 tháng đầu năm so với tháng 12/2010 đã tăng tới 22,21% và là nhóm có mức tăng cao nhất trong cơ cấu tính CPI. Và thực tế 27 tháng qua, chỉ số CPI chỉ có tăng không có giảm. Lạm phát từ này đến cuối năm vẫn tiếp tục dâng lên ở mức 17 - 18%. Trong đó, nhân tố lương thực thực phẩm tiếp tục thể hiện sự bất ổn mạnh mẽ hơn. Điều đó đã một lần nữa thử thách niềm tin của người tiêu dùng vào các chính sách kiềm chế lạm phát.
Vân Anh
Theo baoxaydung.com.vn