Chiều 14/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã tổ chức Hội nghị tổng kết việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tham dự và đồng chủ trì Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Trương Thị Mai; các đồng chí Phó trưởng ban Chỉ đạo: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Phó trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực ban Chỉ đạo Hà Ngọc Anh cùng đại diện một số cơ quan trung ương.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao công tác dân vận, đặc biệt là công tác dân vận chính quyền trong năm 2018, với sự kế thừa kinh nghiệm qua các năm trước và những bước đi mạnh mẽ, bài bản hơn trong hoạt động thực tiễn.
Theo Phó Thủ tướng, để tăng cường hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới thì cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch. Việc lồng ghép các phong trào, cuộc vận động với thực hiện quy chế cần được thực hiện tốt hơn; tích cực tổ chức đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với doanh nghiệp và người dân.
Để việc lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời giải quyết bức xúc của người dân ở các địa phương trở thành việc làm thường xuyên, hiệu quả, theo Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, cần khơi dậy và phát huy tinh thần làm chủ trong nhân dân; làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, thể hiện tích cực vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát cộng đồng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cần tích cực đi sâu nắm tình hình nhân dân, tạo điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Trương Thị Mai ghi nhận những ý kiến góp ý thực chất, sâu sắc của các đại biểu.
Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh việc tổng kết hoạt động năm 2018 của Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận Trung ương đã cho thấy sự đánh giá tương đối toàn diện về các yếu tố tác động tới việc cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.
Theo bà Trương Thị Mai, trong năm 2019 bên cạnh những tác động tích cực tới tình hình phát triển của đất nước và cuộc sống người dân thì còn nhiều vấn đề cần được quan tâm cải thiện như nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và một phận người nghèo tại các đô thị có cuộc sống khó khăn, khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội có xu hướng gia tăng...
Khẳng định vai trò quan trọng của các chính sách trong việc giải quyết những vấn đề nói trên, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh các cấp chính quyền địa phương cần cải thiện quan hệ với người dân, tạo điều kiện để người dân được lắng nghe, giải đáp các khúc mắc, nhằm hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, phức tạp, đông người...
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần tạo cơ hội để người dân tự nguyện, tự giác tham gia quá trình phát triển như một chủ thể thực sự cũng là động lực lớn nhằm thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng các cấp ủy Đảng, chính quyền phải thực sự quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, có cơ chế bảo đảm để người dân được tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình ban hành và thực thi các chính sách./.
Theo Hiền Hạnh (TTXVN/Vietnam+)