Thứ sáu 29/03/2024 14:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thúc đẩy đầu tư công 'tiến độ rùa': Cần đồng tâm hiệp lực

09:11 | 24/03/2020

Đại diện Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước cho rằng, tiến độ giải ngân 2 tháng đầu năm 2020 dù chậm so với kế hoạch song đã có tín hiệu khả quan hơn năm 2019. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để “ứng cứu” giải ngân đầu tư công lúc này, cần sự “đồng tâm hợp lực” vào cuộc nhiều hơn của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Giải ngân có tiến bộ nhưng vẫn thấp

Liên quan tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch, ngày 23/3, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, bộ đang tổng hợp kết quả giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm 2020, bao gồm kế hoạch vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020. Tổng hợp này nhằm chuẩn bị cho hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4 tới đây.

Theo ông Tuấn Anh, 2 tháng đầu năm, dù tiến độ giải ngân vốn có tiến bộ lớn so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn còn thấp so với kế hoạch, do thời gian này hầu hết các bộ, ngành địa phương đang tập trung giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 còn lại và triển khai phân bổ kế hoạch, nhập dự toán chi cho các dự án được bố trí kế hoạch. Ngoài ra, dịch bệnh cũng dẫn đến việc thiếu hụt lao động tại các công trường xây dựng, vì vậy việc triển khai thi công dự án gặp nhiều khó khăn.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, ông Tuấn cho hay, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, tổng hợp để căn cứ cho các bộ, ngành và địa phương làm giao kế hoạch vốn năm 2020.

Vào cuộc đồng bộ

Đại diện bộ Tài chính cho hay, bộ, ngành và địa phương; các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, dự kiến sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. Bộ này cũng cho rằng, bộ ngành, địa phương, các đơn vị liên quan nên tập trung chỉ đạo điều hành đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, chi tiết từng tháng cho các dự án để làm cơ sở để điều hành.

Đối với những dự án không triển khai được hoặc chậm triển khai, Bộ Tài chính cũng đề nghị bộ, ngành, địa phương phải sớm điều chỉnh kịp thời kế hoạch vốn sang những dự án có khả năng giải ngân cao. Đồng thời, khẩn trương làm việc với Kho bạc Nhà nước về thủ tục kéo dài các dự án chưa giải ngân. Các bộ, ngành, địa phương phải thu hồi vốn ứng trước ngay khi được giao kế hoạch vốn năm, cũng như có biện pháp xử lý số dư tạm ứng hợp đồng quá hạn chưa thu hồi...

Riêng đối với dự án ODA và vay ưu đãi, Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ quản: Chủ động cùng các cơ quan có liên quan giải quyết vướng mắc về đấu thầu mua sắm, thuế, giải phóng mặt bằng; Đôn đốc chủ dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để ký kết hợp đồng cho vay lại. Khi có khối lượng hoàn thành, làm ngay thủ tục kiểm soát chi, gửi đơn rút vốn để Bộ Tài chính kịp thời gửi nhà tài trợ.

thuc day dau tu cong tien do rua can dong tam hiep luc
Thi công cầu dây văng Bình Khánh thuộc Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Dự án này có nguy cơ tạm dừng do chưa được bố trí vốn. Ảnh: VEC

Đánh giá về tiến độ giải ngân, ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) cho biết, năm 2020 kế hoạch giải ngân được giao sớm hơn, tỉ lệ giải ngân cũng cao hơn. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vẫn chậm, bởi thông lệ đầu năm thường giải ngân thấp, các đơn vị tập trung vào giao kế hoạch. “Năm nay, Thủ tướng giao chỉ số, chỉ tiêu về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó các bộ, ngành, địa phương triển khai chi tiết. Tuy nhiên, các địa phương phải tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng thanh toán đối với các dự án khởi công mới nên mất thời gian hơn”, ông Hà chia sẻ.

Liên quan ý kiến cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao vốn nhưng Kho bạc chậm duyệt chi nên ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân, ông Trần Mạnh Hà cho hay: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao vốn, bộ ngành, địa phương phải phân khai chi tiết kế hoạch vốn năm 2020, nhập dự toán cho các dự án trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc. Trên cơ sở đó, Kho bạc Nhà nước mới có tiền để duyệt chi”.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp ở trong nước và cả trên thế giới, Chính phủ xác định đầu tư công là điểm tựa cho tăng trưởng lúc này. Đánh giá về việc sắp tới tiến độ giải ngân có đạt như kỳ vọng hay không, ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi cho rằng, tiến độ sẽ được đẩy nhanh hơn năm 2019. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 chưa thể lường trước được hết mọi tình hình. Để vượt qua khó khăn, hoàn thành tiến độ giải ngân, theo ông Hà cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả Chính phủ, bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo TUẤN NGUYỄN/Tienphong.vn

Cùng chuyên mục
  • Bắc Ninh đứng thứ 2 cả nước về hút FDI trong quý I/2024

    (Xây dựng) – Với nhiều chính sách phù hợp trong thu hút đầu tư, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, cùng quan điểm chỉ đạo nhất quán trong điều hành, điều chỉnh chính sách thu hút FDI của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thời gian qua đã giúp tỉnh này đứng thứ 2 cả nước, về hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong quý I/2024.

  • Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục hợp tác với 5 tỉnh Tây Nguyên để phát triển kinh tế - xã hội

    (Xây dựng) – Trong 2 ngày 3 - 4/4, tại khách sạn Rex, Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông) sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đồng thời triển khai kế hoạch hợp tác năm 2024 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên.

  • Hà Tĩnh: Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp quý I/2024 ước tăng 4,27%

    (Xây dựng) - Quý I/2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực ổn định hoạt động sản xuất; tích cực đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ… Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh quý I tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2023

  • Tây Ninh: Nhiều điểm sáng trong quý I/2024

    (Xây dựng) - Kết thúc quý I/2024, tỉnh Tây Ninh đạt được kết quả nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm 2023, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục được phục hồi, GRDP tăng 8%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ. Tây Ninh đặt kế hoạch đạt 50% giải ngân vốn đầu tư công của năm trong quý II/2024.

  • Đề nghị sử dụng chi thường xuyên để nâng cấp công trình dự án đã xây dựng

    (Xây dựng) - Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.

  • Bình Định – Canada trao đổi, hợp tác, liên kết cùng phát triển

    (Xây dựng) – Sáng 28/3, UBND tỉnh Bình Định và Hội doanh nhân Việt Nam – Canada đã phối hợp, tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại với chủ đề “Canada – Cửa ngõ cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Bắc Mỹ”.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load