Thứ tư 15/01/2025 06:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Thang máy nội:

Thua “trên sân nhà”

09:57 | 15/12/2011

Tại Việt Nam, thương hiệu thang máy ngoại nhập chiếm 70% thị phần. Mặc dù là thương hiệu lớn trên thế giới  nhưng thang máy ngoại thường sản xuất từ các nước thứ ba, khi nhập vào Việt Nam giá thành của dòng nhập khẩu thường đắt gấp đôi so với sản phẩm sản xuất trong nước.


Thang máy vẫn là sân chơi của hàng ngoại.

Hạn chế trong cơ chế đấu thầu

Cty Thang máy Thái Bình - DN nội có 16 năm kinh nghiệm đảm nhiệm tất cả các khâu từ thiết kế, sản xuất, lắp đặt, bảo trì thang máy thang cuốn. Năng suất sản xuất 800 thang/năm và cung cấp ra thị trường trên 4 nghìn sản phẩm hiệu Pacific và hơn 1 nghìn thang ngoại nhập Techno. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Luân - Trưởng phòng Marketing và Truyền thông cho biết: “Đơn vị đã gặp phải khó khăn và hạn chế với mong muốn cung cấp sản phẩm trong nước. Mặc dù Điều 12 về các hành vi bị cấm trong đấu thầu có mục số 5 quy định không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu xuất xứ hàng hoá cụ thể trong hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu mua sắm hàng hoá hoặc gói thầu EPC. Nhưng hầu hết các hồ sơ mời thầu đều chỉ định xuất xứ hàng hoá từ các nước G7 hoặc các nước châu Á khác và có chấm điểm cho mục này. Điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng trúng thầu nếu chúng tôi chào giá bằng sản phẩm sản xuất tại Việt Nam nhất là đối với công trình trụ sở làm việc phổ thông thấp tầng không yêu cầu cao về tốc độ và trọng lượng vận chuyển, việc sử dụng thang máy ngoại nhập đắt tiền gây lãng phí không cần thiết”.

Bà cũng cho rằng xuất xứ hàng hoá không phải là yếu tố quyết định chất lượng mà nó chỉ thể hiện tiêu chuẩn chất lượng và quản lý của nước sản xuất mà thôi. Hơn nữa cũng không thể khẳng định nhiều thang máy nhập từ Trung Quốc về có chất lượng tốt hơn của Việt Nam sản xuất. Một số quan chức lãnh đạo nhà nước không biết được rằng DN nội đã sản xuất được thang máy từ rất lâu nên không được ưu tiên lựa chọn, vì vậy dù cuộc vận động Người Việt dùng hàng Việt cứ tuyên truyền rầm rộ nhưng thực tế thang máy nội vẫn không thể thắng trên sân nhà.

Cần quy chuẩn phù hợp

Liên quan đến tâm lý lo ngại chất lượng thang máy nội, ông Nguyễn Văn Quang - Phó giám đốc Cty Thang máy Thiên Nam cho rằng: “Thang máy nội hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu an toàn nếu được quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp. Nguyên nhân chính của các tai nạn thang máy gần đây một phần là do công tác kiểm định chất lượng thang máy đang bị bỏ ngỏ, đồng thời việc sử dụng và vận hành thang máy an toàn đang bị xem nhẹ”. Theo ông, cơ sở tiến hành kiểm định hiện nay dựa trên tiêu chuẩn TCVN 6395:2008 - Thang máy điện - yêu cầu an toàn về cấu tạo lắp đặt. Tuy nhiên có một số bất cập như: Hồ sơ kỹ thuật chưa được chi tiết: Chưa ghi vào khối lượng cabin, khối lượng đối trọng, các chứng chỉ thử nghiệm mẫu của các bộ phận an toàn… Đang có sự bỏ qua, xem nhẹ về diện tích sàn cabin cho thang máy tải khách nhất là với thang máy tải hàng có kèm người. Việc cung cấp các chứng chỉ kiểm tra, thử nghiệm mẫu điển hình với một số cơ cấu an toàn chưa thực hiện. Mẫu biên bản kiểm định còn sơ sài, nhiều cột sử dụng đánh dấu đạt, không đạt mà không có con số cụ thể. Một số đơn vị kiểm định thiếu chuyên nghiệp, nguồn lực hạn chế, kiểm định viên chỉ có vài ba người không có phương tiện, dụng cụ vẫn được quyền chứng nhận kiểm định.

Trong TCVN 6395:2008  chỉ quy định hồ sơ cần có hướng dẫn để đảm bảo an toàn, không quy định cần có đơn vị hoặc con người chuyên trách đã được đào tạo để bảo dưỡng thang máy. Thực tế đòi hỏi cần quy định có đơn vị chuyên trách bảo dưỡng thang máy ít nhất là thang máy công cộng chung cư, trường học, bệnh viện… Trước nhu cầu quản lý thang máy cả nhập khẩu và sản xuất trong nước đã lên đến vài ngàn chiếc/năm, vào tháng 4/2011 Bộ LĐTB&XH đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy điện QCVN 02/2011/BLĐTBXH. Cùng với TCVN 6395:2008, quy chuẩn yêu cầu bắt buộc đăng ký và đánh giá sự phù hợp cho thang máy sản xuất trong nước và thang máy nhập khẩu”.

Với sự góp mặt của hơn 100 Cty trong và ngoài nước, với cách tổ chức sản xuất khác nhau, nhập khẩu các linh kiện và thang máy với nhiều nguồn và thương hiệu lạ, đòi hỏi việc triển khai cấp bách thực hiện quy chuẩn vừa ban hành. Các chính sách, cơ chế và văn bản tiêu chuẩn phải khắc phục được các hạn chế trong công tác quản lý và sử dụng thang máy, đồng thời phải khuyến khích DN trong nước sản xuất các thang máy có độ an toàn cao, giảm giá thành, nâng cao nhận thức sử dụng thang máy nội trong công trình.

Ninh Toàn

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load