Đó là nội dung chính của Hội thảo “Xúc tiến đầu tư và thương mại giữa Thừa Thiên - Huế và Ấn Độ”, do UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 18-12 tại TP Huế.
Thừa Thiên - Huế đang thu hút nhiều dự án phát triển công nghiệp dệt may tại các khu công nghiệp trong tỉnh.
Những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ đã tăng trưởng nhanh chóng và đạt được những kết quả đáng kể. Hiện nay, Ấn Độ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Theo Bộ Công thương, năm 2013 tổng kim ngạch hai chiều giữa hai nước ước đạt trên 3,9 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt trên 1,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 2,1 tỷ USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường này là điện thoại di động và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, cao su, sắt thép các loại… Mặt hàng nhập khẩu chính là thức ăn gia súc và nguyên liệu, tân dược, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, ngô, bông, chất dẻo nguyên liệu.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ, Huế là trung tâm văn hóa, du lịch của cả nước, có tiềm năng và thế mạnh trong các lĩnh vực đầu tư, song lâu nay chưa thu hút nhiều nhà đầu tư Ấn Độ. Thị trường Ấn Độ có nhiều tiềm năng lớn với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Thừa Thiên - Huế nói riêng. Các lĩnh vực mà tỉnh Thừa Thiên - Huế có thể hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại là điện tử, công nghệ thông tin, dệt may… Vì vậy, thông qua hội thảo này, tỉnh Thừa Thiên - Huế mong muốn Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam sẽ là cầu nối để giới thiệu với các doanh nghiệp Ấn Độ đến đầu tư tại Thừa Thiên - Huế cũng như tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Thừa Thiên - Huế được tiếp xúc, hợp tác đầu tư với thị trường Ấn Độ và các nhà đầu tư Ấn Độ.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, ông Srinivas Gotru cho rằng, hội thảo lần này sẽ mở đầu cho cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh thương mại trong tương lai, giúp tỉnh Thừa Thiên - Huế nắm rõ hơn những thông tin, nhu cầu và khả năng thu hút đầu tư đối với những lĩnh vực mà hai bên quan tâm.
Tại buổi Hội thảo, ông Đỗ Hữu Duy, Phó Vụ trưởng Vụ châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương) đã giới thiệu tổng quan về tiềm năng hợp tác kinh doanh với thị trường Ấn Độ; quan hệ thương mại Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian qua; lợi thế và tác động của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ và các đề xuất để thúc đẩy thương mại song phương trong thời gian sắp tới. Ông Đỗ Hữu Duy nhấn mạnh: muốn đầu tư vào thị trường Ấn Độ, các doanh nghiệp trên địa bàn cần nắm bắt các thông tin quan trọng như chiến lược kinh doanh, các danh mục thuế, các cam kết cắt giảm thuế của Ấn Độ và cam kết cắt giảm thuế của Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Đình Khánh cũng đã giới thiệu những tiềm năng, chính sách thu hút cũng như các hoạt động xúc tiến đầu tư, thiết lập môi trường đầu tư của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Với cơ chế một cửa liên thông thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, giải pháp chính sách đồng bộ như chính sách khuyến khích và ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào dự án, hỗ trợ tư vấn các thủ tục hành chính liên quan tới đầu tư, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, đào tạo nghề...
Trong những năm qua, đã có nhiều dự án được đầu tư vào Thừa Thiên - Huế như: phát triển hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư phát triển du lịch, xây dựng khu đô thị mới, khách sạn cao cấp,… Hội thảo lần này là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tại Thừa Thiên - Huế được tiếp cận những cơ hội đầu tư, thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp Ấn Độ, góp phần đạt mục tiêu nâng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa hai nước lên mức 20 tỷ USD vào năm 2020.
Theo Nhandan
Theo