Thứ sáu 13/12/2024 05:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Thừa Thiên-Huế: Ông chủ tịch huyện lắm đất, nhiều rừng?

08:46 | 24/08/2007

 “Biệt phủ” tiền tỷ mới xây của gia đình ông Hoạch nổi bật giữa vùng nông thôn Phong Điền đang còn nhiều khốn khó.

 “Biệt phủ” tiền tỷ mới xây của gia đình ông Hoạch nổi bật giữa vùng nông thôn Phong Điền đang còn nhiều khốn khó.

“Xẻ” đất rừng cấp cho người nhà
Đến nay, vợ và em gái ông Hoạch được xác định có phần trong dự án trồng cao su tiểu điền tại Phong Điền. Cụ thể, vợ ông Hoạch được cấp 5ha, em gái Nguyễn Thị Nguyệt 2,6ha… Đây chỉ là số ít diện tích được ông Hoạch dùng ảnh hưởng của mình, hợp thức từ đất trồng mía do người dân cực nhọc khẩn hoang hoặc đất đồi núi, để chuyển sang cho người nhà (đa số có hộ khẩu thường trú tại TP Huế) trồng cao su tiểu điền, lập trang trại, trồng rừng kinh tế...

Lợi dụng mức vay “hộ nghèo” (lãi suất 0,5%) từ dự án trồng rừng tại miền Trung (WB3), thuộc nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới thông qua Bộ NN&PTNT triển khai tại 5 xã của Phong Điền, đã có 31/153 trường hợp là người nhà ông Hoạch, cán bộ huyện Phong Điền, chủ doanh nghiệp trên địa bàn được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Phong Điền - đơn vị quản lý, thẩm định và giải ngân vốn vay WB3- cấp vốn “ưu đãi”, với trị giá hàng trăm triệu đồng. Có bố đẻ làm chủ tịch huyện, con trai ông Hoạch là Nguyễn Viết Hoàng (thường trú tại TP Huế), được vay 230 triệu đồng để trồng rừng, trên diện tích 26,36ha tại huyện Phong Điền; vợ Hoàng là Trương Thị Thu Hà (hộ khẩu thường trú TP Huế) cũng được ngân hàng huyện “ưu ái” cho vay vốn trồng rừng trên diện tích 10,25ha. Ông Nguyễn Viết Hoàng còn “xin” thêm 10,63ha đất trồng rừng tại xã Phong Sơn. Con trai thứ của ông Hoạch là Nguyễn Viết Hà, đang công tác tại Huế, cũng được cấp 9,6ha đất từng trồng mía đường để lập trang trại. Mới đây, ông Hà đã làm thủ tục đăng ký với BQL DA trồng rừng WB3 chuyển 9,6ha đất mía kể trên sang trồng rừng kinh tế, nhằm mục đích vay vốn có lãi suất “hộ nghèo”.

Không chỉ tích cực “giúp đỡ” người nhà, khi mới làm Phó chủ tịch huyện, ông Hoạch đã dùng ảnh hưởng của mình “tạo điều kiện” cấp nhiều diện tích đất rừng cho ông Hoàng Bằng - Giám đốc Cty CP 1/5, người nhà ông Bằng (gồm vợ và mẹ già 70 tuổi), với tổng diện tích qua nhiều đợt hơn 100ha. Mặc dù là chủ doanh nghiệp, nhưng ông Bằng vẫn được vay tiền dự án WB3, vốn chủ yếu dành cho người nghèo.

Mênh mông đất ở
Theo xác minh của cơ quan chức năng, cả gia đình ông Hoạch (gồm vợ chồng, con cái) hiện đang sở hữu tới 8 lô đất tại Phong Điền và TP Huế. Việc gia đình ông Hoạch xây dựng ngôi “biệt phủ” rất bề thế, theo lối nhà rường cổ trên diện tích 2.889m2, tại thôn Vĩnh Nguyên (Phong Điền), khiến không ít người dân xì xầm về sự giàu có của gia đình chủ tịch huyện, giữa một vùng đất còn nhiều khốn khó. Ông Hoạch còn có một lô đất ở đang thuộc diện bị tranh chấp với gia đình ông Cao Xuân Thỉ (ở trước ông Hoạch 3 năm), tại thôn Thượng Trạch (thị trấn Phong Điền). Con trai, con dâu ông Hoạch là Nguyễn Viết Hà - Hoàng Thị Thuỷ, mặc dù sở hữu một lô đất 94m2 đã có sổ đỏ tại đường Đặng Tất (Huế), xây nhà ở từ năm 2004, nhưng vẫn được cấp lô đất 240m2 tại thôn Tân Lập (thị trấn Phong Điền). Trong đợt bán đất ở đấu giá ngày 28/7/2004 tại khu quy hoạch Bàu Có cạnh QL1A, do UBND huyện Phong Điền tổ chức, ông Nguyễn Viết Hà đứng tên mua 2 lô đất có tổng diện tích 542m2. Ông Nguyễn Viết Hoàng cũng mua 2 lô tại Tân Lập (thị trấn Phong Điền) và phường Kim Long (TP Huế). Dư luận nhân dân Phong Điền đang đặt nhiều nghi vấn, các con trai ông Hoạch lấy đâu ra lắm tiền để mua nhiều lô đất “để dành”, trong khi họ chỉ là những công chức bình thường (?)

Chìm xuồng?
Nhiều sai phạm liên quan đến Chủ tịch huyện Phong Điền do các lão thành cách mạng và người dân sở tại dũng cảm đứng đơn tố cáo, đã được ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy TT-Huế kết luận là có cơ sở từ nhiều tháng nay. Tuy nhiên, bản thân ông Hoạch vẫn chưa bị xử lý nghiêm. Chúng tôi đã không ít lần liên hệ với lãnh đạo tỉnh TT- Huế và huyện Phong Điền, nhưng câu trả lời mà phóng viên nhận được là phải chờ xử lý theo đúng trình tự, vì đây là cán bộ thuộc diện quản lý của Thường vụ Tỉnh ủy, tránh để xảy ra “oan sai” (!) Theo một nguồn tin, vụ việc “động trời” về ông chủ tịch huyện Phong Điền, từ chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sẽ được xử lý nội bộ theo kiểu “đóng cửa dạy nhau”, do đó, việc tiết lộ thông tin sai phạm của ông Hoạch ra bên ngoài phải được hạn chế tối đa (?). Được biết, hiện có nhiều đồng hương huyện Phong Điền của ông Hoạch đang là quan chức đứng đầu tỉnh TT-Huế.

Đông Quân

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load