Thứ bảy 05/10/2024 15:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thừa Thiên - Huế: Loay hoay tìm phương án xử lý vật thải nạo vét

14:01 | 26/11/2018

(Xây dựng) - Dự án bến số 3 - cảng Chân Mây, xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) triển khai nhưng không tìm ra địa điểm để xử lý trên 1,2 triệu khối vật thải nạo vét khiến công trình chậm tiến độ. Mới đây, nhà đầu tư đã tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh xin chấp thuận phương án tận thu vật liệu nạo vét tại KT1 và bơm vào các bến bên cạnh.


Nhiều dự án thi công nạo vét ở khu vực cảng Chân Mây gặp khó khăn về vị trí đổ vật thải nạo vét.

Dự án bến số 3 - cảng Chân Mây có quy mô khoảng 14ha, trong đó diện tích bến bãi là hơn 10ha và hơn 3ha khu mặt nước, với chiều dài 270m, tổng mức đầu tư 846 tỷ đồng.

Dự án do Cty TNHH MTV Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào trong năm 2018. Công trình sẽ đáp ứng các dịch vụ hậu cần, đảm bảo cho tàu và các phương tiện vận tải thủy có trọng tải đến 50.000 DWT ra vào, trao đổi hàng hóa.

Dự án triển khai, dự kiến nạo hút đưa lên bờ hơn 1,2 triệu khối bùn. Ban đầu nhà đầu tư dự kiến hút khoảng 500 nghìn khối bùn để tôn tạo bến cảng làm bãi lưu thông hàng hóa.

Tuy nhiên, qua khảo sát địa chất trong khu vực độ sâu âm 24m mới có cát, những hạng mục thi công ở độ sâu từ 12- 14m lại toàn bùn nhão, lỏng không thể xử lý nên không sử dụng được.

Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã cho phép nhà đầu tư đổ thải vào khu đất ở gần cầu Mỹ Vân (xã Lộc Vĩnh) cách cầu cảng khoảng 2 - 3km, trên diện tích khoảng 27ha. Với diện tích này cũng chỉ đổ được khoảng 450 nghìn khối bùn, còn khoảng 800 nghìn khối bùn không biết đổ ở đâu.

Nhà đầu tư tiếp tục có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh phản ánh việc doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vị trí đổ 1,2 triệu khối bùn nạo vét khi thực hiện dự án.

Qua đó, nhà đầu tư xin nhận chìm hơn 700 nghìn khối bùn xuống biển. Ngay sau đó, phía tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản trả lời không đồng ý với phương án nhận chìm bùn thải xuống biển và yêu cầu Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh nhanh chóng hoàn thành thủ tục bàn giao mặt bằng để doanh nghiệp có địa điểm đổ chất thải nạo vét.

Theo ông Thang Văn Hóa - Giám đốc Cty TNHH MTV Hào Hưng Huế: Đầu tháng 11/2018, nhà đầu tư Dự án bến số 3 - cảng Chân Mây đã tính toán và đưa ra 3 phương án trình UBND tỉnh xem xét.

Theo đó, phương án 1: Nhà đầu tư xin thăm dò các vị trí, khu vực quanh bến số 3 - Cảng Chân Mây (khu vực bến số 4, số 5 và khu vực xung quanh), nơi nào có cát sẽ bơm vào san lấp mặt bằng bến số 3. Nhà đầu tư cam kết sẽ đóng đầy đủ các loại thuế, phí để tận dụng vật liệu nạo vét.

Phương án 2: Khối lượng vật liệu nạo vét còn lại sẽ bơm vào bến số 4, số 5 bằng phương án làm kè xung quanh bến và sử dụng vải địa để chống tràn vật liệu nạo vét ra bên ngoài. Nhà đầu tư đang triển khai hồ sơ thiết kế và phương án này.

Phương án 3: Các phương án trên thiếu khối lượng cát và thiếu nơi chứa vật liệu nạo vét, nhà đầu tư xin tận thu vật liệu tại khu vực có ký hiệu KT1 và bơm vật liệu nạo vét vào lại khu vực này. Nhà đầu tư cam kết làm đúng phương án thiết kế và hồ sơ bảo vệ môi trường. 

Ông Trần Tuấn Hiệp – nhân viên Cty TNHH MTV Hào Hưng Huế thừa nhận: Phía Cty đang gặp khó khăn về xử lý vật thải nạo vét khiến công trình chậm tiến độ.

Dự án cũng mới đạt gần 50% khối lượng công việc. Nhà đầu tư cũng đang trình UBND tỉnh các phương án xử lý vật thải nạo vét, rất mong được UBND tỉnh chấp thuận các phương án trên để nhà đầu tư thực hiện các thủ tục tiếp theo và đẩy nhanh tiến độ dự án.

Khi được tỉnh chấp thuận, đơn vị sẽ tập trung triển khai nạo vét và tổ chức thi công hoàn thành cầu cảng vào tháng 3/2019, tháng 6/2019 sẽ lắp đặt các thiết bị, hạng mục phụ trợ trên bờ để sớm đưa bến số 3 vào khai thác.

Trí Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load