Thứ sáu 04/10/2024 05:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Thủ tướng: Vướng mắc là sửa ngay, không chờ đợi

09:37 | 23/08/2017

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật hôm nay, 22/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Yêu cầu mà Chính phủ đặt ra là kịp thời tháo gỡ mọi rào cản, mọi khó khăn, để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Các bộ cần cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp để có vướng mắc là sửa ngay, không chờ đợi.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Yêu cầu mà Chính phủ đặt ra là kịp thời tháo gỡ mọi rào cản, mọi khó khăn, để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường; dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; tờ trình về đề nghị xây dựng dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)…

Không đưa quy định về tổ chức bộ máy để ‘đẻ’ thêm bộ máy

Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) gồm 126 điều, được bố cục thành 10 chương. So với Luật Cạnh tranh 2004, dự thảo Luật giữ nguyên 6 điều, sửa đổi 75 điều, bổ sung 45 điều, bãi bỏ 33 điều.

Xuất phát từ vị trí, vai trò của cạnh tranh trong phát triển kinh tế đất nước, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh 2004 để phục vụ cho mục tiêu quan trọng nhất là:“Tạo lập, duy trì và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường, từ đó tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Góp ý cho dự thảo Luật, đa số ý kiến nhất trí cho rằng Luật Cạnh tranh là luật chung về quan hệ cạnh tranh, phản ánh cạnh tranh trên thị trường, nên cần quy định tổng quát về hành vi, kể cả cạnh tranh không lành mạnh, làm cơ sở pháp lý chung cho các luật chuyên ngành như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo vệ người tiêu dùng… bởi các luật chuyên ngành này chưa bao quát hết các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Thủ tướng cho rằng, Bộ Công Thương cần rà soát kỹ thêm về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để không chồng chéo với các luật khác.

Về mô hình và địa vị pháp lý của cơ quan cạnh tranh, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần về tinh giản bộ máy theo Nghị quyết 39 của Trung ương và nêu rõ việc không thành lập tổ chức bộ máy mới.

Thủ tướng quán triệt tinh thần tất cả bộ, ngành liên quan không đưa quy định về tổ chức bộ máy vào luật để “đẻ” thêm bộ máy.

Về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, có kết cấu gồm 6 chương với 76 điều và 5 phụ lục nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của 3 đặc khu là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Tạo ra một cực tăng trưởng mới, với tốc độ cao và duy trì trong một thời gian ổn định; tạo ra được giá trị mới và gia tăng cao trong một thời gian ngắn để bắt kịp với các nước khu vực và trên thế giới.


Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Về dự thảo Luật này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chính sách phải thông thoáng hơn, ưu đãi hơn, vượt trội hơn. Nếu không thông thoáng, vượt trội, khác biệt, ưu thế hơn thì không có tác dụng.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của việc sửa đổi, bổ sung Luật này trong bối cảnh tình trạng vi phạm quy định về môi trường còn phức tạp.

Theo Bộ Tài chính, cơ quan soạn thảo, thì chính sách thuế bảo vệ môi trường hiện nay đã bộc lộ một số vướng mắc cần được hoàn thiện nhằm đảm bảo đây là một công cụ kinh tế quan trọng, góp phần hạn chế việc sản xuất và sử dụng các hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Các thành viên Chính phủ nhất trí việc cần sửa đổi Luật Chứng khoán để tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh và bền vững của thị trường vốn. Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp để lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với đề nghị xây dựng Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội do Bộ VHTT&DL trình, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về công tác lễ hội và việc tổ chức dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, còn tồn tại bất cập, hạn chế như còn hành vi bạo lực, hủ tục, lạc hậu, phản cảm, lãng phí, hình thức, bị thương mại hóa, mất an ninh trật tự… Mặc dù ngành văn hóa có nhiều cố gắng nhưng công tác quản lý Nhà nước về lễ hội chưa theo kịp sự phát triển, thậm chí còn lúng túng. Các ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí giao Bộ VHTT&DL chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Thủ tướng nhấn mạnh chủ thể lễ hội phải là cộng đồng, cơ quan Nhà nước giữ vai trò quản lý, định hướng nội dung, hoạt động, làm rõ trách nhiệm các cấp chính quyền trong quản lý lễ hội. Tinh thần là lễ hội phải bảo đảm phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, xây dựng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ngăn chặn các hiện tượng bạo lực, phản cảm.

Người dân mong Chính phủ phản ứng chính sách kịp thời hơn

Thảo luận về báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, đề xuất của các bộ, cơ quan về xây dựng các dự án luật để sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh và quy hoạch, Thủ tướng cho biết, một số bộ còn chậm báo cáo về công tác này. Yêu cầu mà Chính phủ đặt ra là kịp thời tháo gỡ mọi rào cản, mọi khó khăn, để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Việc sửa đổi các luật liên quan đến các lĩnh vực là rất cấp bách. Các bộ trưởng cần nhận thức rõ tinh thần đó để tập trung chỉ đạo. Các bộ cần cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp để có vướng mắc là sửa ngay, không chờ đợi.

“Toàn dân hiện nay rất mong Chính phủ chúng ta có phản ứng chính sách kịp thời hơn thì mới đáp ứng đòi hỏi cho sự phát triển đất nước”, Thủ tướng nói.


Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận về báo cáo việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư công được giao tại Nghị quyết 61/NQ-CP của Chính phủ; báo cáo tóm tắt về kết quả rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh của VCCI và Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương.

Theo Bộ KH&ĐT, có 4.284 yêu cầu, điều kiện đầu tư kinh doanh trong 243 ngành nghề thuộc phạm vi quản lý của 15 bộ, được quy định ở 237 văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, các điều kiện đầu tư kinh doanh đang quy định ở nhiều văn bản khác nhau rất đa dạng, phức tạp, chồng chéo về phạm vi quản lý, rất nhiều thủ tục quy định ở các nghị định, thông tư, quyết định.

Bộ KH&ĐT kiến nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các điều kiện đầu tư kinh doanh về tài chính, địa điểm, năng lực sản xuất, nhân lực, phương thức kinh doanh, quy hoạch,… Đồng thời, thay đổi cách thức quản lý kinh doanh theo tiêu chuẩn, thông lệ tốt của OECD theo hướng thay các điều kiện có tính chất tiền kiểm bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn với các tài liệu hướng dẫn tuân thủ chi tiết, rõ ràng để giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước; chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cho phép doanh nghiệp tự kiểm tra sản phẩm và công bố hợp chuẩn, hợp quy, Nhà nước kiểm tra ngẫu nhiên để bảo đảm tuân thủ pháp luật; triệt để áp dụng công nghệ quản lý theo hướng quản lý rủi ro để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí...

VCCI đã rà soát bước đầu và lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về điều kiện đầu tư kinh doanh trong 3 lĩnh vực là công thương, giao thông vận tải và khoa học và công nghệ. Theo đó, VCCI kiến nghị bỏ 56 điều kiện và sửa đổi 4 điều kiện của 5/28 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực của Bộ Công Thương; bỏ 27 điều kiện và sửa đổi 4 điều kiện của 4/29 ngành nghề thuộc lĩnh vực của Bộ GTVT; bỏ 13 điều kiện và sửa đổi 5 điều kiện của 5/8 ngành nghề thuộc lĩnh vực của Bộ KH&CN.


Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu các bộ nghiên cứu kết quả rà soát của VCCI và Viện Quản lý kinh tế Trung ương, chủ động tự rà soát để sửa đổi hoặc đề nghị sửa đổi, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý, không cần thiết. Các bộ, ngành phải chủ động phối hợp với Bộ KH&ĐT, VCCI, lấy ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư để tạo sự đồng thuận về các kiến nghị sửa đổi. Việc rà soát kiến nghị sửa đổi nói trên cần đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh. Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để đối thoại thường xuyên hơn nữa về các điều kiện đầu tư kinh doanh để đưa ra phương án bãi bỏ. Xây dựng một nghị định hoặc chỉ thị của Thủ tướng về kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh.

Theo Đức Tuân/Chinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load