Chủ nhật 15/09/2024 01:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Thủ tướng: Tôi xin lỗi nhân dân

22:56 | 28/04/2014

Bây giờ thủ tục người ta nộp thuế mà khó khăn quá. Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin lỗi nhân dân... - Thủ tướng dứt lời, nhận được tràng pháo tay của các doanh nghiệp.

Hơn 300 kiến nghị cụ thể của cộng đồng DN trong và ngoài nước được tổng hợp bằng văn bản gửi trực tiếp đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị Thủ tướng với DN sáng 28/4 vẫn chưa đủ hết những điều họ muốn kiến nghị.

Chân tơ, kẽ tóc mọi khó khăn mà mỗi DN "mách" trực tiếp khiến người đứng đầu Chính phủ phải nói ông thấy "sốt ruột" vì những cải cách cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phân công tôi làm DN là tôi từ chối. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Tôi rất sốt ruột

Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc mào đầu phát biểu: "Các DN hôm nay đến không phải để nghe về ưu điểm, mà về vướng mắc và cách giải quyết". Đại diện hiệp hội này nêu một điều mà lẽ ra phải đương nhiên dễ lại khó, đó là điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.

"Tổng cục Thuế có tuyên ngôn về người nộp thuế rất rõ ràng, song các DN cảm thấy tinh thần này càng xuống dưới nhiệt huyết này mất dần đi. Nếu tháo gỡ chính sách thuế, mà con người không tiếp thu được tinh thần của lãnh đạo ngành thì rất khó khăn. Vì vậy, mong hình ảnh con sâu làm rầu nồi canh trong ngành thuế và hải quan không còn nữa" - bà Cúc phát biểu.
 
Bà Cúc bày tỏ mong muốn công tác thanh tra của các bộ, của Cục thuế không chồng chéo. Cũng như các đoàn thanh tra về cùng một nội dung thì có thể sử dụng kết quả thanh tra khác, ví dụ Tổng cục Thuế đã có kết luận về thuế, thì Kiểm toán nhà nước có thể sử dụng văn bản này.

"DN mà suốt ngày phải tiếp các đoàn thanh tra về cùng một nội dung thì rất mất thời gian. Thanh tra kiểm tra là để phát hiện sai sót, làm đúng thì phải tôn vinh. Nhưng tư tưởng của các đội kiểm tra thanh tra là cứ phải có tiền về nên cứ phải tìm ra khoản này, khoản khác để thu của DN" - bà phản ánh.

Nghe phản ánh từ hiệp hội này, Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục về thuế và hải quan.

"Các đồng chí nói tôi rất sốt ruột. Bây giờ thủ tục người ta nộp thuế mà khó khăn quá. Tôi thực sự xin lỗi. Là người đứng đầu Chính phủ, tôi cũng xin lỗi nhân dân. Nói bây giờ quyết tâm ở trên này nghe hăng hái thế, đi càng xuống càng giảm... Như thế thì DN thế nào mà đây là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế" - Thủ tướng dứt lời, nhận được tràng pháo tay của DN.

Thủ tướng thông tin với cộng đồng DN việc Chính phủ chuẩn bị triển khai dự án vốn vay ODA về thực hiện chính phủ điện tử trong kinh doanh với các dịch vụ hành chính hiện đại, không thua kém các nước trong khu vực, qua đó khắc phục phiền hà.

DN vừa và nhỏ yếu dần

Đại diện Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam, ông Tô Hoài Nam phản ánh thực tiễn quy mô của các DN nhỏ và vừa có xu hướng nhỏ dần đi. Theo VCCI, DN cỡ lớn chỉ chiếm khoảng 2% và 2% DN cỡ vừa. Còn lại 95-96% là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Riêng DN siêu nhỏ (dưới 10 lao động) đã chiếm 66-67%. Nếu tính cả các hộ kinh doanh cá thể thì tỷ lệ DN siêu nhỏ có thể chiếm trên 99,9%...


Thủ tướng gặp gỡ DN bên lề hội nghị. Ảnh: VGP

Điều này khiến Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc lo lắng: "Nói một cách hình ảnh, theo các nhà kinh tế, 'đội thuyền thúng' DN Việt Nam đang đứng trước thách thức phải ra biển lớn khi thời điểm hội nhập lớn đang cận kề".

Bà Phạm Thị Hồng Thái, đại diện Hiệp hội DN tỉnh Nghệ An nêu một nghịch cảnh khó khăn với các DN vừa và nhỏ là phải vay vốn ngân hàng lãi suất cao để nộp thuế DN. Nếu không nộp thì bị phạt.

Theo bà, có DNNN còn nợ nhà nước 40 tỷ đồng, trong đó đóng thuế 4 tỷ đồng, vay ngân hàng 4 tỉ với lãi suất cao. Quyết định thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng hỗ trợ DN vừa và nhỏ được Thủ tướng ký từ 2001 nhưng các địa phương chưa thực hiện. Ngoài ra, lãi suất cao đang đe dọa sự tồn tại, cạnh tranh của các DN.

Theo bà Thái, NHNN đã điều hành giảm lãi suất nhanh chóng nhưng vẫn là mức cao hơn lãi suất thế giới. "Liệu Chính phủ và ngân hàng có giảm lãi suất hơn nữa cho các DN không, lãi suất thế này thì DN nước ngoài có ưu thế về vốn sẽ chiếm lĩnh thị trường của ta" - bà nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện chính sách để giúp DN tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn. Nhưng bên cạnh điều hành lãi suất hạ, Thủ tướng cũng lưu ý DN phải nỗ lực vươn lên, không thể "tay không bắt giặc" để tiếp cận vốn. 

"DN không có vốn liếng, yêu cầu ngân hàng cho vay hàng tỉ, phương án kinh doanh không thấy triển vọng thì làm sao tiếp cận thuận lợi được. Vấn đề từ cả hai phía. Một mặt sẽ tìm mọi cách cùng các ngân hàng thương mại cơ cấu số vay cũ lãi suất cao. Những DN còn đang hoạt động thì tìm cách xử lý, đưa lãi suất nợ cũ xuống thấp theo mặt bằng hiện nay để vượt qua khó khăn, giảm nợ cho ngân hàng" - Thủ tướng nói.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh rà soát triển khai quỹ phát triển DN vừa và nhỏ ở các địa phương để đảm bảo bảo lãnh cho DN tiếp cận vốn. Ngoài ra chú trọng phát triển thị trường chứng khoán để DN không chỉ qua thị trường tín dụng mà còn có thị trường chứng khoán để huy động cho vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển.

Thông tin thêm với DN, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho hay, điều chỉnh lãi suất xuống 6% là một quyết định đầy khó khăn và rủi ro ở góc độ quản lý kinh tế vĩ mô. Nếu giảm tiếp lãi suất có thể khiến dân chạy vốn đầu tư vào kênh khác không khuyến khích như vào USD, ngoại tệ, vàng...

Do vậy, Chính phủ phải cân đối kỹ lưỡng để điều hành lãi suất cố gắng bền vững để tránh giật cục, nay xuống, mai lên.

Tuy nhiên, ông khẳng định mặt bằng lãi suất sẽ ổn định và có điều kiện sẽ giảm hơn nữa để cả năm có thể giảm từ 1,5-2% mặt bằng lãi suất cho vay.

Làm kinh doanh khó lắm

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách để DN tái cơ cấu hoạt động hiệu quả, năng suất hơn, nâng cao sức cạnh tranh. Theo Thủ tướng, Nhà nước không thể đóng cửa bảo hộ DN mà đòi hỏi phải tái cơ cấu DN để có sức cạnh tranh cao hơn.

Ưu tiên hàng đầu trong tái cơ cấu được Thủ tướng lưu ý, đó là ứng dụng khoa học công nghệ bởi không có thì năng suất lao động, sức cạnh tranh, hiệu quả thấp. Ngoài ra phải chú trọng nâng cao năng lực quản trị.

"Các anh chị ngồi đây, cũng có lần tôi nói rất chân thành, bây giờ có phân công tôi làm Thủ tướng tôi có thể nghiêm túc chấp hành, sẵn sàng làm, chứ phân công làm DN là tôi từ chối. Làm không được đâu, tôi muốn nói như thế là bây giờ các anh chị làm chủ tịch tổng giám đốc khó lắm, muốn thành công không dễ dàng trong điều kiện cạnh tranh như thế, năng lực quản trị phải nâng lên trong điều kiện cạnh tranh hết sức quyết liệt" - Thủ tướng phát biểu.

Gia tăng DN rút lui khỏi thị trường

Theo Bộ KH-ĐT, quý I năm nay, cả nước có hơn 18 nghìn DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký gần 98 nghìn tỷ đồng. Nhưng gần 17 nghìn DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù số lượng DN đăng ký thành lập mới có dấu hiệu tăng trở lại nhưng số vốn đăng ký năm 2013 chỉ đạt 398.681 tỷ đồng, giảm 14,7%, so với 2012 và giảm sâu so với 513.700 tỷ đồng năm 2011. 

Năm 2011, bình quân một DN đăng ký với 6,63 tỷ đồng, nhưng đã giảm xuống 5,13 tỷ đồng năm 2013.

 

Theo Vietnamnet

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load