Thứ hai 07/10/2024 06:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Thủ tướng: Quảng Ngãi có thể thành trung tâm công nghiệp miền Trung

08:49 | 03/07/2019

Thủ tướng cho rằng với lợi thế của mình, Quảng Ngãi hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm công nghiệp của miền Trung và cả nước mà ở đó sức mạnh kinh tế được dựa trên năng suất...


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất lên cờ truyền thống của tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 2/7, phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và chúc mừng Quảng Ngãi vì sự chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế-xã hội.

Thủ tướng cho rằng có thể dễ dàng nhận thấy một vùng đất nghèo khó năm xưa chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, nay trở thành địa phương phát triển năng động, đạt được nhiều thành quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là sau khi Khu kinh tế Dung Quất đi vào hoạt động.

Thủ tướng cho rằng với lợi thế của mình, Quảng Ngãi hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm công nghiệp của miền Trung và cả nước mà ở đó sức mạnh kinh tế được dựa trên năng suất, chất lượng và năng lực quản trị của các cấp chính quyền cũng như của cộng đồng doanh nghiệp. Tầm nhìn trên phải gắn liền sứ mệnh đặt ra cho toàn Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.

Cùng với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thị trường định hình lại và tập trung thúc đẩy các hệ sinh thái công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ và công nghiệp phụ trợ trong Khu kinh tế tổng hợp Dung Quất.

Gần nhất là thu hút và ưu tiên các doanh nghiệp đầu tàu trong các ngành lọc hóa dầu, luyện kim, ngành điện, điện tử, vật liệu công nghệ cao và chế biến hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Phát triển nền công nghiệp tiên tiến dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, công nghệ mới và sự kết hợp hai hòa giữa doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong việc hình thành định vị chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.

Đưa các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực cao, kỷ luật và trách nhiệm để phục vụ cho phát triển. Đặc biệt lưu ý việc đổi mới giáo dục, đào tạo cho thế hệ trẻ, đặc biệt là đào tạo cho các lao động, đào tạo nghề trong bối cảnh phát triển mạnh doanh nghiệp số, xã hội số và nền kinh tế số, coi đây là vấn đề cấp bách hiện nay.

Để thực hiện được yêu cầu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá kinh tế-xã hội của tỉnh, gắn với cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp và dịch vụ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến, du lịch, nông nghiệp từ các nước công nghiệp phát triển để phát triển bền vững, bảo vệ mội trường.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, có tác động đến phát triển kinh tế-xã hội như: Dự án mở rộng Khu kinh tế Dung Quất (giai đoạn II), Đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh, đường cao tốc; các dự án về du lịch ven biển, cảng biển, hạ tầng khu kinh tế Dung Quất.

Tập trung phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ phát triển các ngành công nghiệp thực phẩm, chế biến; ứng dụng khoa học, công nghệ và cơ giới hóa trong sản xuất; khuyến khích nông dân thành lập doanh nghiệp, Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Huy động các nguồn lực từ nhân dân để xây dựng nông thôn, tạo ra bộ mặt phát triển mới cho vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo. Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho nhân dân; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

Tỉnh cần tập trung làm tốt công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng.

Sau 30 năm tái lập, kinh tế-xã hội của tỉnh đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Quy mô và cơ cấu kinh tế có sự thay đổi lớn. Tăng trưởng kinh tế liên tục giữ mức cao, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn năm 2019 ước đạt 54.906 tỷ đồng, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 8.905 tỷ đồng, khu vực công nghiệp-xây dựng đạt 29.339 tỷ đồng, khu vực dịch vụ đạt 16.661 tỷ đồng.

So với năm 1989, GRDP tăng gấp 19,5 lần, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản gấp 5,02 lần, công nghiệp - xây dựng gấp 132,85 lần, dịch vụ tăng gấp hơn 21,97 lần. Tăng trưởng GRDP bình quân 10,49%/năm, trong đó công nghiệp-xây dựng tăng 17,7%/năm; dịch vụ tăng 10,85%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,53%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1989 ước đạt 601 tỷ đồng, đến năm 2019, ước đạt 124.870 tỷ đồng, gấp gần 207 lần so với năm đầu tái lập tỉnh; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,5%/năm.

Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các thời kỳ, đạt nhiều kết quả vượt bậc, nhất là từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động. Năm 1989, thu ngân sách chỉ đạt 16,3 tỷ đồng, chủ yếu từ các doanh nghiệp quốc doanh và thuế sử dụng đất nông nghiệp, đến năm 2019, thu ngân sách ước đạt 20.000 tỷ đồng, gấp 1.227 lần so với năm 1989.

Thu nhập bình quân đầu người tăng rõ rệt qua các năm, từ mức 909 ngàn đồng/tháng/người năm 2010, tăng lên 2,8 triệu đồng/tháng/người năm 2018.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo Sỹ Thắng (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load