Vietnam Airlines có quy mô vốn điều lệ sau CPH là 14.101,84 tỷ đồng, trong đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng, 20% lượng cổ phần sẽ được bán cho nhà đầu tư chiến lược.
Vietnam Airlines sẽ bán khoảng 331 triệu cổ phần ra bên ngoài khi tiến hành IPO
Hôm qua (10/9), Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1611/QĐ - TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Theo đó, hình thức CPH Tổng Công ty Hàng không Việt Nam được chốt là giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Vietnam Airlines sẽ có vốn điều lệ sau CPH là 14.101,8 tỷ đồng, tương đương với hơn 1,41 tỷ cổ phần có mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng/cổ phần, trong đó cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu là: nhà nước năm 75% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược là 20%; bán đấu giá công khai là 3,465%; phần còn lại sẽ bán ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn.
Vietnam Airlines được thực hiện các cơ chế chính sách về vay vốn có bảo lãnh theo Nghị quyết số 83/NQ - CP ngày 8/7/2013 của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 1567/TTg - CN ngày 18/10/2007, số 1567/TTg - KTN ngày 22/9/2008 về kế hoạch dự án phát triển đội tàu bay.
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu; quyết định tiêu chí và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; chỉ đạo, chọn thời điểm thích hợp để giảm tỷ lệ phần vốn nhà nước còn nắm giữ không thấp hơn 65% vốn điều lệ…
Như vậy, phương án CPH Vietnam Airlines được Thủ tướng Chính phủ không có nhiều khác biệt so với những đề xuất của Bộ Giao thông vận tải tại tờ trình gửi Chính phủ vào giữa tháng 6/2014.
Được biết, tại thời điểm 31/12/2013, giá trị thực tế theo sổ sách của Vietnam Airlines (sau khi thực hiện xử lý tài chính theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước) là 57.156,5 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 10.576,3 tỷ đồng.
Liên quan đội tàu bay của hãng bao gồm tàu bay sở hữu và thuê tài chính với các máy bay Boeing 777 - 200ER, Airbus 321- 200, ATR72, Fokker70, Công ty Cổ phần Định giá và dịch vụ tài chính đánh giá, khối tài sản này của Vietnam Airlines có giá trị khoảng 53.000 tỷ đồng (nguyên giá) và 37.600 tỷ đồng (giá trị còn lại) tại thời điểm 31/3/2013.
Ngoài đội tàu bay, Vietnam Airlines còn sở hữu hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ bay, cơ sở dịch vụ mặt đất hoàn chính nằm trên phần diện tích 301.902 m2, trong đó 90% nằm tại Hà Nội và Tp.HCM.
Cần phải nói thêm rằng, bất chấp việc thị trường hàng không thế giới chưa thoát khỏi suy thoái kéo dài, Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất tại Việt Nam báo lãi trong năm tài chính 2013. Cụ thể, doanh thu và thu nhập khác của hãng trong năm 2013 đạt 54.017 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 157 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu đạt 1,7%.
Theo Anh Minh/Baodautu.vn
Theo