Thứ năm 10/10/2024 09:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Thủ tướng nêu 4 thành tố để Bến Tre thu hút nhà đầu tư 'đẳng cấp'

15:43 | 20/07/2017

Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre sáng nay (20/7), Thủ tướng cho rằng, “Bến Tre của chúng ta muốn đón được đại bàng thì Bến Tre cần phải có tổ đại bàng”. Và tổ đại bàng có 4 thành tố mà “các đồng chí cần kiến tạo phát triển”.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại  Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre. Ảnh: VGP/Quan Hiếu

Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre vì sự có mặt đông đảo của các nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn, “những đại bàng lớn”.

4 thành tố của “tổ đại bàng”

Giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của Bến Tre, “viên ngọc quý vùng Tây Nam Bộ, nằm giữa vùng sông nước mênh mông, với 3 cù lao lớn xanh biếc”, Thủ tướng đã dẫn lại những câu thơ, câu ca giàu hình ảnh. Đó là câu ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong bài “Dáng đứng Bến Tre” như vùng đất xanh tươi, vườn trái cây sum suê, biển khơi tôm cá đầy ghe. Hay câu ca dao: “Bến Tre nước ngọt lắm dừa/ Ruộng vườn màu mỡ, biển thừa cá tôm”. Hoặc những câu ca mà người dân Bến Tre hay cả nước đều biết, tự hào về Bến Tre: “Quê ta giàu mía Mỏ Cày/Giàu nghêu Thuận Phú, giàu xoài Cái Mơn. Bình Đại biển cá sông tôm/Ba Tri ruộng muối, Giồng Trôm lúa vàng”.

Thủ tướng cho rằng, Bến Tre còn là vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi, đặc biệt là sông Tiền đã mang theo phù sa từ thượng nguồn về bồi đắp; một vị trí đắc địa gần trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, TPHCM. Bến Tre còn được biết đến với những anh Hai, chị Hai Nam Bộ gan dạ, khí phách, cũng là nơi những con người khí phách, tài hoa của dân tộc từ những địa phương khác đã sống, gắn bó và gây dựng sự nghiệp lừng danh. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, một vị thế đắc địa ngó ra Biển Đông, sở hữu hệ thống sông ngòi, sinh thái phong phú, có khả năng kết nối nhanh, hiệu quả, trước hết là với TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Với điều kiện trên, theo Thủ tướng, Bến Tre phải là tỉnh giàu có và năng động của cả nước. Mục tiêu chiến lược hàng đầu của tỉnh là phải thu hút các nhà đầu tư đẳng cấp, có công nghệ, tư bản tài chính, trình độ quản lý và nhìn thấy trước cơ hội của mình gắn với các điều kiện độc đáo của Bến Tre.

Với tinh thần đó, Thủ tướng cho rằng: “Bến Tre của chúng ta muốn đón được đại bàng thì Bến Tre cần phải có tổ đại bàng”. Theo người đứng đầu Chính phủ, tổ đại bàng có 4 thành tố mà “các đồng chí cần kiến tạo phát triển”.


Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Một là, quỹ đất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là cho các nhà đầu tư nuôi trồng thủy sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đất ưu tiên cho công nghiệp chế biến, cơ khí phục vụ nông nghiệp, xây dựng thành phố trung tâm. Quy hoạch xây dựng phát triển khu công nghiệp, trước hết là khu công nghiệp Phú Thuận, cụm công nghiệp… để phục vụ chuyển dịch cơ cấu tỉnh nhà.

Hai là hạ tầng điện, giao thông phù hợp với quy hoạch và có chất lượng cao.

Ba là, các cấp chính quyền phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới và chấp nhận cái mới. Chính quyền Bến Tre phải là chính quyền đối thoại, đồng hành “3 cùng”: Cùng lo, cùng làm, cùng chia sẻ với doanh nghiệp.

Bốn là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho sự phát triển.

Cần một Đồng khởi mới trong phát triển và ‘biến nguy thành cơ’

“Một quyết tâm chính trị lớn là Bến Tre, quê hương Đồng khởi thời chiến, cần làm một Đồng khởi của thời bình trong phát triển, thời toàn cầu hóa, thời của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Vì vậy, tại hội nghị này, tôi cho rằng đòn bẩy cho Đồng khởi lần này cần tập trung vào một số giải pháp chiến lược”.

Trước hết, theo Thủ tướng, đó là “biến nguy thành cơ” trong thích ứng biến đổi khí hậu bởi Bến Tre là một trong những địa phương chịu tổn thương nhất của biến đổi khí hậu. Cần có những cơ chế, chính sách mới, công nghệ và mô thức liên kết mới để Bến Tre không còn là vùng trũng của biến đổi khí hậu mà là thung lũng của sự sáng tạo, của sự hội tụ kiến thức, kinh nghiệm và giải pháp, sáng kiến trong khắc phục tác động tiêu cực của thiên tai. Bến Tre cần có giải pháp sử dụng nước ngọt hiệu quả, tránh khai thác, hạ thấp mực nước ngầm. Dùng nước ngọt chống xâm nhập mặn, đặc biệt về mùa khô khi nước sông hạ thấp, gió chướng đẩy nước mặn xâm lấn vào các vùng ven biển. Bến Tre cũng là vùng nóng ẩm nên cần áp dụng khoa học công nghệ trong việc diệt trừ nấm mốc, sâu bệnh và bảo quản sản phẩm.

Thứ hai, phát triển kinh tế-xã hội Bến Tre dựa trên hệ thống sông và hướng biển. Vì vậy, đô thị sông ven biển là hướng đi mà nhiều thành phố trên thế giới có điều kiện tương đồng như Bến Tre đã thành công. Tỉnh cần định hướng phát triển mô hình này trong quy hoạch không gian phát triển, quy hoạch đô thị, quy hoạch cơ sở hạ tầng gắn với các mô hình kinh tế tiềm năng như dịch vụ du lịch, năng lượng sạch, dịch vụ hậu cần, phát triển thị trường bất động sản.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến một số lễ ký kết và trao giấy hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp với tỉnh Bến Tre. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thứ ba, kết nối thành một điểm tụ của liên kết trục TPHCM hướng tâm và của 4 tỉnh duyên hải, chia sẻ nguồn tài nguyên sông Tiền, sông Hậu. Thủ tướng hoan nghênh việc gần đây, 4 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long đã ngồi lại cùng nhau thảo luận về liên kết tiểu vùng duyên hải cửa sông Cửu Long. Chính phủ rất ủng hộ những hợp tác như vậy để không chỉ sử dụng hiệu quả tài nguyên chung, nguồn lực tài chính, nhân sự và kỹ thuật phục vụ cho các chuỗi sản xuất, chuỗi liên kết của vùng mà còn cùng nhau đối phó với những thách thức chung.

Thứ tư, xây dựng Bến Tre thành thủ phủ dừa của Việt Nam với công nghiệp chế biến dừa tầm cỡ khu vực, đem lại giá trị gia tăng cao. Cây dừa không chỉ là thế mạnh mà còn là lá chắn bảo vệ vùng đất Bến Tre trong điều kiện xâm nhập mặn nặng nề như hiện nay. Dẫn lại câu ca dao “Thấy dừa là nhớ Bến Tre/Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười”, Thủ tướng cho rằng Bến Tre hiện nay là vùng trồng dừa nhiều nhất cả nước, thế nhưng làm thế nào để cây dừa nuôi được người nông dân, làm giàu cho người nông dân. Hiện nay, trồng dừa của người nông dân chỉ thu lợi bằng 1/10 loại cây ăn trái khác như bưởi da xanh. Công nghệ chính là chìa khóa thay đổi tương lai. Cần đặt cây dừa ở một tầm nhìn mới về các ngành công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, khoa học đời sống, khoa học sức khỏe, khoa học môi trường như một đích đến cho khu vực kinh tế phát triển xung quanh dừa và sản phẩm từ dừa. Phải có giống dừa phù hợp, phải thâm canh, tái canh dừa. Không để dừa thoái hóa, năng suất thấp.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nuôi trồng chế biến thủy sản như tôm nước mặn, nước lợ, tôm thẻ chân trắng, tôm sú theo hướng công nghệ cao. Đối với con tôm thì vùng biển Bến Tre phát hiện nhiều tôm he Nhật Bản, loại tôm có giá trị kinh tế cao gấp 6-8 lần tôm sú và tôm thẻ chân trắng và có nhu cầu lớn trên thị trường thế giới, đặc biệt ở Nhật Bản. “Tại sao Bến Tre không trở thành vùng nuôi tôm nổi tiếng?”, Thủ tướng đặt vấn đề. Với nguồn nước dồi dào, điều kiện nhiệt độ và khí hậu phù hợp, nguồn nguyên liệu cá tạp phong phú, trữ lượng lớn, Bến Tre rất phù hợp để nuôi trồng một số chủng loại thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Thứ sáu, phát triển du lịch dịch vụ. Với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt là gần TPHCM, Bến Tre nên tổ chức sắp xếp lại công tác du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn để khai thác được tiềm năng và lợi thế.


Ảnh: VGP/ Quang Hiếu

“Cùng với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự chia sẻ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước và thực hiện chính sách cởi mở thông thoáng, Bến Tre, theo tôi nghĩ, đã hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực đầu tư”, Thủ tướng nói. “Và tôi tin các nhà đầu tư sẽ có tầm nhìn xa hơn để quyết định đầu tư ở Bến Tre. Và tôi tin các bạn sẽ thành công ở tỉnh Bến Tre, quê hương cách mạng Đồng khởi”.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm môi trường hòa bình nhằm tạo điều kiện thuận lợi “đất lành chim đậu” cho các nhà đầu tư phát triển lâu dài tại Việt Nam.

Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, tỉnh Bến Tre đã ký bản ghi nhớ, cam kết đầu tư, trao các giấy chứng nhận chủ trương đầu tư với tổng trị giá khoảng 45.000 tỷ đồng.

Theo Đức Tuân/BaoChinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load