Thứ năm 03/10/2024 17:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Thủ tướng: Năm 2016 phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 7%

20:16 | 29/02/2016

Sáng 29/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng Hai; xem xét toàn diện tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng Hai và hai tháng đầu năm nay.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Cũng tại Phiên họp này, các thành viên Chính phủ cũng nghe báo cáo và thống nhất các giải pháp ứng phó với tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. 

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng được Bộ Chính trị tín nhiệm phân công giữ cương vị Bí thư Thành ủy các thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; chúc mừng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên được Bộ Chính trị tín nhiệm phân công giữ chức vụ Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, phần việc của các đồng chí chuyển công tác đã được chuyển giao sang các thành viên Chính phủ khác phụ trách, xử lý để đảm bảo tính thường xuyên, liên tục trong hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ. 

Kinh tế 2015 tăng trưởng 6,68%, cao nhất tám năm qua 

Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 tại phiên họp cho thấy, đến hết năm 2015, tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 6,68% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, cao hơn con số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2%; trong đó, dẫn đầu tỷ lệ tăng trưởng năm 2015 là khu vực kinh tế liên quan đến công nghiệp và xây dựng với mức tăng hơn 9%, cao hơn nhiều so với mức tăng của năm 2014 (hơn 7%). 

Về kết quả thu chi Ngân sách Nhà nước năm 2015, sự giảm sâu, liên tục của giá dầu thô đã không ảnh hướng lớn đến nguồn thu ngân sách. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, mặc dù năm 2015 giá dầu thô giảm sâu từ 100 USD/thùng xuống khoảng 56 USD/thùng, song cả năm thu Ngân sách Nhà nước vẫn đạt mức 996.870 tỷ đồng, tăng 85.770 tỷ đồng (9,4%) so với dự toán, cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội. 

Phân tích cụ thể hơn, mặc dù thu từ Ngân sách Trung ương giảm 2.260 tỷ đồng nhưng thu Ngân sách địa phương tăng mạnh ở mức 76.400 tỷ đồng. Nguồn thu lớn nhất của ngân sách năm vừa qua vẫn là thu nội địa với tổng thu 740.000 tỷ đồng; thu từ dầu thô chỉ đạt 67.500 tỷ đồng, giảm 35.490 tỷ đồng so với dự toán. Năm địa phương hụt thu cân đối ngân sách địa phương. Bội chi Ngân sách Nhà nước năm 2015 khoảng 6,1% GDP. Nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia được cơ cấu lại một bước và trong giới hạn theo quy định của pháp luật. 

Số liệu thống kê cuối cùng đã cho thấy có 12/14 chỉ tiêu Quốc hội giao đã đạt và vượt kế hoạch. Hai chỉ tiêu chưa đạt là tỷ lệ che phủ rừng và chỉ tiêu tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu. So với ước thực hiện đã báo cáo Chính phủ, có năm chỉ tiêu đạt cao hơn, hai chỉ tiêu đạt thấp hơn. 

Hai tháng đầu năm, kinh tế dịch vụ tăng trưởng mạnh 

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp cho thấy những kết quả tốt trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua với nhiều chỉ số tăng khả quan, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ như lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, sự cải thiện về sức mua và tổng cầu hàng hóa, tăng trưởng tín dụng, thu nội địa… 

Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được thực hiện, đời sống của người dân, đặc biệt là người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần; an ninh chính trị được giữ vững… bảo đảm mọi người dân được đón Tết vui Xuân đầm ấm, vui tươi. Cũng do đặc thù tháng Hai diễn ra Tết Nguyên đán, chỉ số CPI tăng 0,42% so với tháng trước, tăng 1,27% so với cùng kỳ năm trước. 

Đáng chú ý, các đợt rét đậm, rét hại xảy ra đã gây thiệt hại đáng kể về cây trồng và gia súc ở các tình miền núi phía Bắc; tình trạng xâm nhập mặn tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; khô hạn, thiếu nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Tình hình tai nạn giao thông, số người chết vẫn còn cao. 

Nội dung nhận được nhiều quan ngại của các thành viên Chính phủ tại phiên họp là tình hình xâm nhập mặn tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino, nền nhiệt tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, riêng năm 2015, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có gần 40.000ha lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước, 122.000ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước và hàng chục ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn diễn biến rất đáng lo ngại, vào sâu trong đất liền từ 50-90km, dự kiến có thể ảnh hưởng đến 340.000ha lúa trong khu vực. 

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, đánh giá tổng quan tình hình kinh tế-xã hội năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, thành tích quan trọng nhất là mức tăng trưởng GDP đạt 6,68%, cao hơn mức báo cáo trước Quốc hội trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là sự sụt giảm mạnh của giá dầu. Trên tinh thần dó, định hướng phấn đấu của Chính phủ trong năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi ý các thành viên Chính phủ nỗ lực phấn đấu nâng chỉ tiêu từ 6,7% lên mức khoảng 7% trong năm 2016 trên cơ sở đà phục hồi kinh tế đất nước năm 2015 và những năm vừa qua. 

Về tình hình hai tháng đầu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá mặc dù là thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán Bính Thân, có thời gian nghỉ dài tới chín ngày nhưng tình hình kinh tế-xã hội đất nước tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan trên mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế dịch vụ. 

Song, nhìn nhận kết quả công tác cải thiện môi trường đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mặc dù đã có kết quả bước đầu nhưng còn chưa nhất quán, thủ tục hành chính còn rất phiền hà, khó khăn. Từ thực trạng này, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục duy trì, chú trọng hơn nữa nhiệm vụ cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi, tận dụng tốt các hiệp định thương mại vừa được ký kết để tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội. 

Đáng chú ý, nhấn mạnh đến nguồn vốn ODA 22 tỷ USD đã được các nhà tài trợ cam kết tài trợ cho Việt Nam, Thủ tướng chỉ rõ, đây là nguồn lực, lợi thế hết sức quan trọng và cũng là ưu thế của Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. 

“Cần nỗ lực hơn nữa, quyết liệt đôn đốc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ODA, tận dụng tối đa nguồn vốn vay ưu đãi, dài hạn này để dồn lực thúc đẩy kinh tế-xã hội trong nước," Thủ tướng chỉ đạo. 

Phân tích sâu những khó khăn của nền kinh tế, với những dự báo bất lợi của tình hình thế giới thời gian tới như sự giảm sút tăng trưởng GDP, thương mại toàn cầu và nhất là sự xuống dốc của giá dầu thô, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu tổng hợp, các chuyên gia cần hết sức lưu ý, bám sát, tham mưu, đề xuất Chính phủ để có những chủ trương, giải pháp ứng phó kịp thời.

“Hạn chế thấp nhất khó khăn thách thức, thậm chí biến thách thức thành cơ hội phát triển, cố gắng dành thế chủ động trong mọi tình huống, đặc biệt là việc tận dụng các hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng việc đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài," Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh. 

Chỉ đạo tập trung khắc phục thiên tai, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Trước hết, tập trung đảm bảo nước sinh hoạt, nước sản xuất cho nhân dân. Bộ Y tế cần khẩn trương triển khai công tác phòng ngừa dịch bệnh mùa khô hạn; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các địa phương quan tâm hàng đầu nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trên tinh thần huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân. 

Thủ tướng giao Bộ Tài chính sử dụng kinh phí ngân sách dự phòng, cấp cho địa phương để đảm bảo tốt công tác hỗ trợ người dân chịu thiệt hại về diện tích sản xuất, giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân đi đôi với triển khai những giải pháp căn cơ ứng phó tốt với tình huống thời tiết xấu mà theo dự báo có thể kéo dài đến tận tháng 6/2016. 

Về những nhiệm vụ chung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ quan tâm hàng đầu đến việc triển khai các công trình trọng điểm quốc gia, bởi đây là những công trình có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhất là các công trình đường cao tốc, cảng hàng không. Bên cạnh đó, chủ động và tích cực nâng cao chất lượng công tác an sinh xã hội như chăm sóc sức khỏe nhân dân, khám chữa bệnh ban đầu, y tế dự phòng, giảm quá tải bệnh viện; tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân trong tuyển sinh, đào tạo đại học… 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu chuẩn bị tốt báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm vừa qua, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ để trình Trung ương và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp cuối tháng Ba tới theo tinh thần chính xác, công khai, minh bạch; xác định rõ nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch 2016 và năm năm tới với định hướng cơ bản của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế, linh hoạt, kịp thời đề xuất Trung ương, Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp. 

Tiếp đó, cũng trong sáng nay, Chính phủ đã nghe Thượng tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục áp dụng Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho đến khi có Luật. 

Kể từ khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực thi hành thì các quy định trong Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã không còn phù hợp với quy định của Hiến pháp về đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, để đảm bảo việc trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho phù hợp với quy định của Hiến pháp, Bộ Công an đề nghị Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục áp dụng Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho đến khi có luật. 

Nội dung này cũng nhận được các ý kiến đồng thuận của các thành viên Chính phủ, dự kiến sẽ được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII sẽ khai mạc vào ngày 21/3 tới.

Theo Quang Vũ/Vietnamplus.vn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load