Làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Hà Nội, Thủ tướng đề nghị thành phố cần chú trọng hơn nữa việc phát triển các thành phố vệ tinh; mở rộng không gian thành phố về cả phía Bắc và phía Tây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung với các lãnh đạo chủ chốt thành phố Hà Nội tham dự buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Chiều 28/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Hà Nội.
Dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.
Đây là lần thứ 9 trong nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với thành phố Hà Nội.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết 3 tháng đầu năm 2021, thành phố Hà Nội thực hiện khá hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc," vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Từ ngày 27/1 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 37 ca mắc, không có ca tử vong. Cộng dồn từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố có 242 ca nhiễm, không có ca tử vong. Đến nay, đã qua 40 ngày Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.
Sản xuất kinh doanh 3 tháng đầu năm 2021 có tín hiệu khởi sắc rõ nét. GRDP ước tăng 5,17% - gấp 1,25 lần mức tăng cùng kỳ (quý 1/2020 tăng 4,13%). Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đều cao hơn so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 101,5 triệu USD. Thu hút 20 dự án đầu tư vốn trong nước, tổng số vốn 3.241 tỷ đồng.
Thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 2.622 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 23.610 tỷ đồng (giảm 2% về số lượng doanh nghiệp nhưng tăng 7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ); có 765 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 212% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 72.753 tỷ đồng, đạt 30,9% dự toán Trung ương giao (28,9% dự toán thành phố giao), trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 5.082 tỷ đồng, đạt 27,3% dự toán, bằng 109% so với cùng kỳ.
Song bên cạnh kết quả tích cực nêu trên, ngành du lịch vẫn khó khăn, khách du lịch giảm mạnh do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội là 280.000 lượt, giảm 87,7%; trong đó khách quốc tế 50.000 lượt, giảm 92,5%; khách nội địa 230.000 lượt, giảm 85,7%.
Tại buổi làm việc, thành phố Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành hỗ trợ thành phố Hà Nội thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; xem xét, cân đối nguồn lực, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 quốc gia 4 dự án lĩnh vực giao thông với nhu cầu vốn 21.351 tỷ đồng giúp tăng cường khả năng kết nối, lan tỏa vùng gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La-Xuân Mai, Km14+380 đến Km38+00; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 32, đoạn từ Sơn Tây đến cầu Trung Hà; xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội-Hòa Bình; xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng và đường nối ra Quốc lộ 32.
Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép thành phố Hà Nội rà soát quỹ nhà đất công dôi dư sau khi sắp xếp trụ sở, di dời cơ sở sản xuất, giáo dục, y tế... các cơ quan đơn vị của Trung ương và thành phố, quỹ nhà đất chuyên dùng của thành phố và rà soát quỹ đất trước đây đã quy hoạch làm quỹ đất đối ứng thực hiện các dự án BT, nay dừng triển khai.
Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương điều chỉnh tăng tỷ lệ đất đô thị và nông thôn toàn thành phố lên 40-60%; cho phép thành phố chủ động tổ chức tổng kiểm định kỹ thuật chung cư cũ, tổ chức lập toàn bộ quy hoạch cải tạo, tái thiết chung cư cũ...
Phát biểu tại buổi làm việc, nhấn mạnh đến nét đẹp văn hóa đặc biệt của người Tràng An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành đóng góp cho Hà Nội đồng thời ghi nhận kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội năm 2020, nhất là thu ngân sách vượt dự toán ở mức cao. Bộ mặt Thủ đô có sự chuyển biến nhanh. Chương trình xây dựng nông thôn mới vượt thời gian trước 2 năm.
Hà Nội đã xuất hiện các khu đô thị mới; trồng mới hàng loạt cây xanh. Chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; môi trường đầu tư được cải thiện; việc rút ngắn các thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Hà Nội là một trong các địa phương dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh của cả nước. Thành phố cũng đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng cũng ghi nhận Hà Nội đã chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII; hoàn thiện bộ máy lãnh đạo mới của Đảng bộ thành phố.
Về tình hình 3 tháng vừa qua, Thủ tướng nhận xét có nhiều tín hiệu đáng mừng trong kinh tế-xã hội của thành phố Hà Nội trên mọi lĩnh vực thể hiện qua sự tăng trưởng mạnh ở nhiều chỉ số, nhất là tổng thu ngân sách Nhà nước tăng 5,15%, cao hơn mức bình quân của cả nước.
Thủ tướng cũng cho rằng Hà Nội đã thực hiện khá hiệu quả mục tiêu kép, các chỉ tiêu đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước.
Tuy nhiên, đề cập đến những hạn chế, tồn tại của thành phố, Thủ tướng nêu rõ quy hoạch đô thị vệ tinh, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ đề ra. Công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, đô thị có lúc, có nơi chưa làm tốt; công tác giải phóng mặt bằng còn một số vấn đề cần khắc phục; thành phố vẫn chưa trình Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Về quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới với vai trò là trung tâm văn hóa, chính trị, tài chính, giao lưu quốc tế của cả nước, Thủ tướng thống nhất về tầm nhìn, những quan điểm phát triển của Hà Nội: thành phố giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, thông minh, hội nhập; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Hà Nội cần là Thủ đô hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam, một thành phố đáng sống của người dân và đối với bạn bè quốc tế.
Thủ tướng đề nghị thành phố cần có kế hoạch đầu tư, tôn tạo, giữ gìn những nét văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn; phải phát huy vai trò một điểm thu hút khách du lịch thế giới về di sản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Thủ tướng cũng đề nghị thành phố cần chú trọng hơn nữa việc phát triển các thành phố vệ tinh; mở rộng không gian thành phố về cả phía Bắc và phía Tây. Đi liền với đó là tiếp tục chú trọng triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới do tỷ lệ dân số cao; tiếp tục phát triển thành phố theo hướng xanh, sạch, dân trí cao. Do đó, việc quản lý quy hoạch, xây dựng thành phố năng động, hiện đại, hướng đến tiêu chuẩn OECD về môi trường sống.
“Hà Nội nhiều thời cơ nhưng cũng rất nhiều thách thức," Thủ tướng nói và đề nghị cấp ủy, chính quyền Hà Nội cần không ngừng nỗ lực, phấn đấu huy động cả hệ thống chính trị thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII.
Thủ tướng đề nghị Hà Nội cần đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội; thực hiện thành công bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đặc biệt, Hà Nội cần tiếp tục triển khai tốt nhiệm vụ thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội; đổi mới mạnh mẽ nguồn lực tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược.
Đáng chú ý, Thủ tướng đề nghị thành phố cần nghiên cứu những mô hình tăng trưởng mới, đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Thủ tướng ví dụ mô hình Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các trường đại học tại khu vực này hoặc Khu văn hóa tâm đô thị thông minh, đô thị thông minh Bắc sông Hồng…. đồng thời nhấn mạnh đến yêu cầu phát triển kinh tế đô thị - xu hướng lớn thành phố cần chú trọng trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh, toàn diện; phát triển nguồn nhân lực, quản trị đô thị loại đặc biệt. Đi liền với đó là nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành tương xứng với vai trò, vị thế của Thủ đô; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tăng cường thực thi pháp luật, tăng cường quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số…
Tại buổi làm việc, tán thành với các kiến nghị của thành phố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ, ngành liên quan xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định theo hướng hỗ trợ, đảm bảo các nguồn lực phát triển cho thành phố.
Theo PV (TTXVN/Vietnam+)