Thứ hai 09/09/2024 15:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội

09:25 | 07/12/2016

(Xây dựng) - Ngày 7/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thuê. 

Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan và các Bộ, Ban, ngành Trung ương…


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nhu cầu có nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, là một trong những yếu tố góp phần phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là một vấn đề xã hội, một nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng chính sách xã hội, nhất là người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão, lũ…

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ trong giai đoạn 2016-2020 cần phải “thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhân dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất và sinh viên”.

Thủ tướng khẳng định: Có 4 việc quan trọng liên quan đến dân sinh là ăn, mặc, ở và đi lại đều tác động trực tiếp đến đời sống con người. Hiến pháp 2013 quy định người dân có quyền có nhà ở có chính sách phát triển hỗ trợ nhà ở. Hội nghị nhằm đánh giá tổng thể kết quả triển khai mô hình này, xem làm được công việc gì trong chỉ đạo thực hiện, những mô hình nào làm tốt cần nhân rộng ra cả nước, đặc biệt cơ chế chính sách nào để các đơn vị chức năng có thể làm nhà ở xã hội, phục vụ nhu cầu nhà ở của người dân, các gia đình chính sách, công nhân ở KCN tập trung…

Trước đó (ngày 6/12), Thủ tướng đã tới thăm khu đô thị Đặng Xá do Viglacera làm chủ đầu tư. Thủ tướng đánh giá đây là khu điển hình không chỉ trong cách làm. Bên cạnh nhà ở thương mại, nhà cho thuê, khu nhà ở xã hội dành cho người nghèo được Viglacera quy hoạch thiết kế tốt, xây dựng thiết chế văn hóa cho người dân, tạo dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, văn minh.

Những ngày qua, thông tin truyền thông đưa rất nhiều doanh nghiệp tung ra một số dự án nhà ở xã hội giá cả hấp dẫn, thu hút người dân (khoảng 300 nghìn căn). Thủ tướng khẳng định: Chúng ta hoàn toàn làm được nếu như Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, có cơ chế phù hợp xây dựng nhà ở xã hội.

Hội nghị ngày hôm nay sẽ rút ra mô hình, cách làm, cơ chế xây dựng nhà ở xã hội dành cho người nghèo, người TNT…

Đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Hệ thống thể chế, chính sách pháp luật về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện, về cơ bản đã hình thành khung pháp lý tương đối đầy đủ và đồng bộ với nhiều sự đổi mới có tính đột phá để điều chỉnh việc phát triển nhà ở và nhà ở xã hội.

Về tổng thể hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội đã được nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh phù hợp với định hướng của Đảng, điều kiện kinh tế của đất nước, theo từng nhóm đối tượng và khu vực vùng miền.

Với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Đến nay đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và KCN, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500 nghìn người thu nhập thấp, công nhân lao động đô thị và KCN.

Hàng triệu hộ gia đình người có công với nước, hộ nghèo ở nông thôn, khu vực thường xuyên bị thiên tai, bão, lũ có chỗ ở an toàn và ổn định; góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết tốt các vấn đề xã hội cấp thiết. Đồng thời, việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đã góp phần quan trọng vào việc tái cấu trúc thị trường BĐS, khắc phục lệch pha cung-cầu, giúp cho thị trường phát triển ổn định, lành mạnh…

Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân KCN chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Tính đến tháng 11/2016, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và KCN. So với chỉ tiêu, số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và KCN đến 2020 đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250 nghìn căn hộ) thì đến thời điểm hiện tại, mới giải quyết được khoảng 28%. Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành có lúc chưa chặt chẽ, có chính sách chưa được hướng dẫn triển khai kịp thời. Việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn, bố trí vốn không đủ theo tiến độ; nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở chưa đa dạng và còn hạn chế…

Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các chính sách, chương trình phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đề ra; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi trong thực hiện; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm pháp luật, chính sách phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát việc thực thi chính sách và các Chương trình nhà ở xã hội giai đoạn 2016 – 2020 theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan…

Chú trọng phát triển nhà ở công nhân

Hội nghị ghi nhận những ý kiến tham luận của đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Tổng LĐLĐVN; lãnh đạo các điểm cầu Hà Nội, TP HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Quảng Nam và một số doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội liên quan đến tình hình triển khai thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội, trong đó tập trung vào một số nội dung chính liên quan đến quỹ đất, hạ tầng, nguồn vốn hỗ trợ.

Về các vấn đề trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Xây dựng, Bộ LĐTB&XH,... đã làm rất tốt chương trình phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên cần tập trung vào vấn đề bất cập hiện nay là nhà ở dành cho công nhân, người lao động ở các KCN. Nhà ở công nhân trong KCN phải là các dự án gắn với các khu đô thị, nếu chỉ là khu nhà ở cho công nhân mà không gắn thiết chế văn hóa đô thị thì rất dễ tạo ra những khu nhà ổ chuột trong nhiều năm tới. Bên cạnh việc xây nhà cho bán, cho thuê, nên quan tâm đến đối tượng nhà dân xây nhà ở quy mô nhỏ cho thuê. Ngoài ra cũng cần phải có ngân sách để giải phóng mặt bằng; chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, người dân…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, đòi hỏi lớn nhất và hạn chế lớn nhất cần khắc phục là sự thiếu hụt nhà ở cho công nhân, cho người thu nhập thấp tại đô thị, nhà cho cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang. Dù kết quả đã đạt được đáng ghi nhận nhưng vẫn còn rất thấp so với nhu cầu. “Nhu cầu nhà ở rất lớn, tới 80% người dân có nhu cầu thì đều là cần sự hỗ trợ thì mới lo được nhà ở cho gia đình, chỉ 20% số người dân có khả năng tự lo, tự chi trả cho lựa chọn chỗ ở của mình” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện triển khai phát triển nhà ở theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như Bình Dương, TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai. Nhiều mô hình nhà ở xã hội điển hình có chất lượng tốt cần được nhân rộng ra cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ các dự án nhà ở còn quá ít so với yêu cầu, chưa huy động nhiều nguồn lực cùng nhà nước để phát triển loại nhà ở này. Chưa kể, vẫn còn nhiều địa phương chưa triển khai hoặc triển khai chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu bức xúc về nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp. Vì chưa có chương trình kế hoạch để triển khai nên chưa để dành đất đai, lựa chọn doanh nghiệp đầu tư mặc dù chính sách pháp luật cơ bản đã có.

Mặc dù chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho các nhóm đối tượng chính sách, nhà cho người nghèo, nhà cho người dân vùng lũ… đã được quan tâm và đạt được kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên nhà ở dành cho công nhân, người lao động tại các KCN, khu chế xuất còn nhiều vấn đề bất cập, tỷ lệ nhà ở công nhân còn thấp nên loại hình nhà ở này rất cần các Bộ, ngành, địa phương chú trọng hơn…

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, tín dụng, thuế liên quan đến nhà ở xã hội theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định về thuế tài sản nhà, đất nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội; hình thành một số định chế tài chính để tạo thêm kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn, dành để phát triển nhà ở xã hội, trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tăng tín dụng cho vay ưu đãi, giảm cấp phát vốn từ ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, bổ sung các Chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội vào danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020  tại Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH khóa 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 40/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, bố trí đủ vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 cho nhu cầu phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và các chương trình hỗ trợ nhà ở theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm pháp luật, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở dành cho công nhân. Theo Thủ tướng, đây là nhiệm vụ trọng tâm bởi yếu tố lãnh đạo của địa phương sẽ quyết định thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội nói chung và phát triển nhà ở công nhân, người lao động nói riêng.

Các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở xã hội, xây dựng một số thiết kế điển hình phù hợp với từng đối tượng và vùng miền. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và vật liệu mới để giảm giá thành xây dựng; nâng cao chất lượng nhà ở xã hội theo hướng đồng bộ về quy hoạch, bảo đảm hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu như giao thông, y tế, trường học, thiết chế văn hóa cộng đồng…

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tín dụng, bù lãi suất để tăng nguồn lực xã hội; Uỷ ban các vấn đề của Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đoàn thể… tiếp tục tăng cường, giám sát thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt chú trọng việc vận động nguồn lực và trợ giúp hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Linh Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load