Thứ ba 19/03/2024 09:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thủ tướng cho phép 5 địa phương dùng nguồn cải cách tiền lương đầu tư dự án

10:19 | 24/07/2021

Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng hơn 17.000 tỷ đồng từ nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư năm 2020 để đầu tư các dự án.

Thông tin trên được nêu trong báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm của Chính phủ trình Quốc hội.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, từ cuối tháng 4 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát và nhanh chóng lan rộng ra nhiều địa phương; trong đó có cả các địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung đông dân cư và hoạt động công nghiệp, dịch vụ, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, nhất là người lao động tại các khu công nghiệp, bước đầu tác động đến tình hình thu - chi ngân sách Nhà nước (NSNN).

Theo đó, mặc dù tổng thể tiến độ thu NSNN đạt khá, song một số khoản thu đạt thấp, trong đó thu từ hoạt động sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước hiện rất khó khăn. Đến nay, ngân sách địa phương (NSĐP) mới thu 135 tỷ đồng, ngân sách Trung ương chưa thu được trong tổng số 40.000 tỷ đồng dự toán.

Về chi NSNN, công tác triển khai phân bổ ngân sách, kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước (6 tháng mới đạt 7,4% kế hoạch), chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

thu tuong cho phep 5 dia phuong dung nguon cai cach tien luong dau tu du an
Thủ tướng cho phép 5 địa phương dùng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư dự án (Ảnh minh họa).

Theo dự báo của Chính phủ, trong thời gian tới nền kinh tế còn gặp nhiều yếu tố rủi ro, thách thức, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lan rộng và có khả năng kéo dài; năng lực nội tại của nền kinh tế thấp; áp lực lạm phát trong nước tăng do chịu ảnh hưởng của việc nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ ở mức cao ở nhiều nền kinh tế lớn. Nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19, dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và thu, chi NSNN trong thời gian tới.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các địa phương chủ động đảm bảo nguồn NSĐP và các nguồn lực khác, bao gồm cả nguồn cải cách tiền lương còn dư theo quy định để đảm bảo các nhiệm vụ theo phân cấp; đặc biệt là thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, gồm cả chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ; không để phát sinh tình trạng chậm, muộn.

Đáng chú ý, báo cáo này nêu rõ Thủ tướng Chính phủ đã cho phép 5 địa phương là Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư năm 2020 để đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật.

Với tổng số tiền dư là hơn 17.000 tỷ đồng, Hà Nội có 5.000 tỷ đồng, Quảng Ninh 2.950 tỷ đồng, Bắc Ninh 2.000 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu 3.180 tỷ đồng, Bình Dương 4.000 tỷ đồng.

Thông tin kết quả thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước, thu NSNN 6 tháng đầu năm, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nêu lên một số vấn đề, trong đó lưu ý tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát ở nhiều địa phương, nhất là tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế của các tỉnh và tác động giảm thu NSNN.

Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường công tác dự báo, bám sát thực tế để dự ước thực hiện của cả năm và có cảnh báo về các yếu tố tăng, giảm số thu NSNN, mức trần nợ công, từ đó có biện pháp điều hành thu - chi NSNN kịp thời, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đảm bảo mức bội chi và trần nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội.

Ủy ban Tài chính Ngân sách tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động đảm bảo nguồn NSĐP và các nguồn lực khác, bao gồm cả nguồn cải cách tiền lương còn dư theo quy định để đảm bảo các nhiệm vụ theo phân cấp, đặc biệt là thực hiện các chính sách an sinh - xã hội đã ban hành, không để phát sinh tình trạng chậm, muộn.

Trường hợp hụt thu và phải chi những khoản chi cần thiết nhưng thiếu nguồn thì sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác theo quy định pháp luật.

Cơ quan tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá cụ thể việc sử dụng kinh phí còn dư cải cách tiền lương ở các địa phương dành cho mục tiêu đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 86/2019/QH14, để có hướng xử lý phù hợp với tình hình mới.

"Các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ thì được phép trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật" - Ủy ban Tài chính Ngân sách dẫn quy định tại Nghị quyết 86/2019/QH14 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2020.

Theo  Châu Như Quỳnh/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load