Thứ sáu 19/04/2024 19:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng và công bố thành phố Sóc Trăng là đô thị loại II

08:39 | 28/04/2022

(Xây dựng) – Tối 27/4, tỉnh Sóc Trăng đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (4/1992 - 4/2022); đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và công bố thành phố Sóc Trăng là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sóc Trăng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại buổi lễ.

thu tuong chinh phu pham minh chinh du le ky niem 30 nam tai lap tinh soc trang va cong bo thanh pho soc trang la do thi loai ii
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Huân chương Hồ Chí Minh cho tỉnh Sóc Trăng.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết: “Nhìn lại chặng đường phát triển sau 03 thập niên tái lập, mới thấy tỉnh Sóc Trăng phát triển vượt bậc từ nhiều khó khăn. Thời điểm mới tái lập, Sóc Trăng là một tỉnh nghèo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thu ngân sách hàng năm chỉ khoảng 45 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 1,3 triệu đồng/năm. Nền kinh tế thuần nông, chủ yếu là sản xuất một vụ lúa với 2/3 diện tích bị nhiễm phèn và xâm nhập mặn, tổng sản lượng lúa chỉ khoảng 800.000 tấn. Các ngành kinh tế khác chiếm tỷ trọng rất thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội rất yếu kém. Toàn tỉnh có trên 2/3 số phòng học là tre lá và học 3 ca/ngày, đặc biệt là thiếu hụt trầm trọng lực lượng giáo viên và đội ngũ y – bác sỹ.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức, khẩn trương xây dựng và triển khai quyết liệt các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, huy động mọi nguồn lực ưu tiên sản xuất nông nghiệp để giải quyết tình trạng thiếu đói lúc giáp hạt, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, trải qua 30 năm, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Kinh tế liên tục tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 13%. Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2021 tăng 38 lần và thu nhập bình quân đầu người tăng 35 lần so với năm 1992. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực I, tăng dần khu vực II, khu vực III.

Các ngành kinh tế chủ yếu có sự phát triển một cách nhanh chóng. Sản lượng lúa năm 2021 đạt trên 2 triệu tấn, là 1 trong 5 tỉnh có sản lượng lúa cao nhất cả nước. Tổng sản lượng thủy sản tăng gần 13 lần so với năm 1992. Đặc biệt là giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt hơn 01 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ hai cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 95 lần so với năm 1992.

thu tuong chinh phu pham minh chinh du le ky niem 30 nam tai lap tinh soc trang va cong bo thanh pho soc trang la do thi loai ii
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Sóc Trăng là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng luôn được triển khai tích cực, đầy đủ, kịp thời. Mạng lưới trường học được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đến nay toàn tỉnh có số trường học tăng gấp 2 lần so với năm 1992, với hơn 76% trường đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế được củng cố, hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế là 100%. Từ đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và phòng chống có hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm như đại dịch Covid-19 vừa qua.

Hệ thống hạ tầng nông thôn được đầu tư, nâng cấp, từng bước đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân nông thôn. Mạng lưới viễn thông được phủ kín 100% xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, Sóc Trăng là 1 trong 17 tỉnh được triển khai mạng 5G. Đến cuối năm 2021, có 72% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 09 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…”

Tại Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho tỉnh Sóc Trăng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Sóc Trăng là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Sóc Trăng đã đạt được trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đầu tháng 4 năm 1992, tỉnh Sóc Trăng chính thức được tái lập. Thời điểm mới tái lập, tỉnh Sóc Trăng có nền kinh tế thuần nông quy mô nhỏ, đất đai hầu hết bị nhiễm phèn, mặn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn nghèo nàn, lạc hậu, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Sau 30 năm phát triển, vượt qua những khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng đã đoàn kết, cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, “vượt lên chính mình, băng qua gian khó”, biến thách thức thành cơ hội, vươn lên và đạt được những thành tựu quan trọng:

Tốc độ tăng GRDP bình quân đạt 10,18%/năm. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2021, quy mô nền kinh tế tăng gấp 38 lần so với năm 1992 (nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 68,30% xuống còn 44,78%; công nghiệp, xây dựng tăng từ 9,68% lên 15,11%; dịch vụ tăng từ 22,02% lên 40,11%).

thu tuong chinh phu pham minh chinh du le ky niem 30 nam tai lap tinh soc trang va cong bo thanh pho soc trang la do thi loai ii
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.

Công nghiệp đang dần trở thành ngành phát triển chủ đạo của tỉnh với việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo với nhiều dự án điện gió được triển khai. Công nghiệp chế biến nông, thuỷ sản xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tỷ USD, gấp 51 lần so với năm 1992, trong đó xuất khẩu thủy sản đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD.

Đặc biệt, nông nghiệp chuyển dần sang sản xuất lúa theo hướng đặc sản hàng hóa, chất lượng cao, lai tạo, phát triển thành công các giống lúa ST, đạt thứ hạng cao, nổi tiếng trong nước và quốc tế (so với năm 1992, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 20,4 lần; tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản tăng gần 13 lần; sản lượng nuôi tôm tăng hơn 138 lần). Hiện nay, tỉnh vẫn đang tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển các giống lúa mới. Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ đáng kể. Các chính sách người có công, giảm nghèo, an sinh xã hội được chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo năm 2021 chỉ còn 6,64% so với 36,7% của năm 1992. Lĩnh vực y tế, giáo dục đạt nhiều kết quả tích cực. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, bên cạnh những thành tích nổi bật trong 3 thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, các chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vẫn ở mức thấp (PCI xếp 54, PAPI xếp 61). Đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

“Tự hào về thành quả đạt được sau 30 năm xây dựng và phát triển, Sóc Trăng cần phải xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để bứt phá, phát triển nhanh, bền vững với tinh thần dựa vào nội lực là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá (Sóc Trăng có hệ thống đê sông - đê biển gần 500km, được ví như “rồng biển Sóc Trăng”, có đường bờ biển dài 72km, sức gió bình quân hơn 6m/giây, là một trong những địa phương có tiềm năng gió lý tưởng để phát triển điện gió... Sóc Trăng còn sở hữu ba vùng sinh thái nước ngọt - mặn - lợ là điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi. Dân số gần 1,2 triệu người, lực lượng lao động dồi dào với trên 640 nghìn người là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư). Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi lưu ý một số nội dung trọng tâm sau:

Sóc Trăng cần tiếp tục giữ gìn, củng cố và vun đắp sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết giữa các dân tộc. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững. Coi trọng hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.

Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân, biết lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xây dựng xác đáng của nhân dân. Đồng thời, tập trung phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Quán triệt nghiêm túc, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết 120 của Chính phủ về thích ứng với biến đổi khí hậu; Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Tập trung triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thành sớm việc tiêm vắc xin mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022.

Xác định sự phát triển của Sóc Trăng phải đặt trong yêu cầu phát triển chung của đất nước, của vùng theo Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị. Đồng thời, bám sát các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cần khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng; quyết vượt lên chính mình..., phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác”.

thu tuong chinh phu pham minh chinh du le ky niem 30 nam tai lap tinh soc trang va cong bo thanh pho soc trang la do thi loai ii
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu báo cáo quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Sóc Trăng 30 năm qua.

“Lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, tăng năng suất lao động; khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển để bứt phá phát triển. Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, kết nối vùng, hạ tầng giao thông, y tế, văn hóa, giáo dục, nhất là hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng chuyển đổi số, nghiên cứu triển khai các công trình, dự án trọng điểm, trong đó có cảng biển Trần Đề; đường cao tốc kết nối vùng với Cần Thơ. Rà soát, cương quyết cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, dàn trải, chậm tiến độ, dồn nguồn vốn tập trung cho các dự án lớn, có tác động lan tỏa, tạo ra động lực và không gian phát triển mới.

Cần chuyển đổi tư duy từ “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”, nông nghiệp sản xuất lớn, xây dựng thương hiệu, chế biến sâu, đồng đều, vươn ra thị trường quốc tế, nhất là đối với các sản phẩm riêng có của Sóc Trăng..., khai thác tối đa thế mạnh về nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, sản xuất lúa chất lượng cao. Đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội, tăng cường hợp tác công tư để phát triển các khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, đầu tư năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, cảng biển, logistic... Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; ưu tiên thu hút đầu tư những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng. Tăng cường công tác bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, đặc biệt là sự sâm nhập mặn, nước biển dâng.

Đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học-công nghệ; chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng từng bước yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; tạo chuyển biến trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt là không làm tăng thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp…” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load