Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 23/CT-TTg yêu cầu thực hiện nghiêm quy định số lượng, cơ cấu và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân các cấp.
Ảnh minh họa
Thực hiện Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/1/2016 của Chính phủ về việc quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân, cùng với các quy định của Đảng về công tác cán bộ, quy định của pháp luật liên quan đã tạo cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện, góp phần xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quy trình giới thiệu nhân sự, thẩm định nhân sự, có địa phương đã bầu Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân vượt quá số lượng quy định, có trường hợp nhân sự được giới thiệu ứng cử chưa bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị chính quyền địa phương các cấp phải bảo đảm thực hiện đúng số lượng, cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân các cấp.
Cụ thể, thực hiện nghiêm quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định số 08/2016/NĐ-CP về số lượng, cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân, nhất là số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Những đơn vị hành chính chưa được phân loại đơn vị hành chính thì khẩn trương trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định phân loại để có căn cứ xác định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo quy định.
Đối với những nơi tăng thêm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp để thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì tiếp tục giữ nguyên trong nhiệm kỳ 2016 - 2021. Khi nhân sự tăng thêm được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu để bầu giữ chức vụ cao hơn hoặc điều chuyển bố trí, phân công công tác khác hoặc thôi việc thì không bổ sung nhân sự mới thay thế để bảo đảm số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tại địa phương đó theo đúng quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Rà soát chặt chẽ tiêu chuẩn, điều kiện nhân sự ứng cử
Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp tiến hành rà soát chặt chẽ tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, phải thẩm tra kỹ và có kết luận bằng văn bản về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay), bằng cấp đào tạo, kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao (trong 03 năm tính đến thời điểm đề xuất) đối với nhân sự được đề nghị ứng cử thành viên Ủy ban nhân dân các cấp. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan cấp trên đối với người được giới thiệu để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu thành viên Ủy ban nhân dân.
Thẩm định chặt chẽ hồ sơ phê chuẩn bầu, miễn nhiệm
Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; đề nghị điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Theo đó, Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ cấp tỉnh, Phòng Nội vụ cấp huyện căn cứ phạm vi, trách nhiệm được giao rà soát, thẩm định chặt chẽ về số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; hồ sơ, quy trình, thủ tục bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Trường hợp đề nghị không đúng về số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục, hồ sơ theo quy định hoặc nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến người được bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân nhưng chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý thì có ý kiến để chính quyền địa phương bổ sung, giải trình hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ (đối với nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện), báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã) xem xét, quyết định.
Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ tướng Chính phủ khi thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, việc tuân thủ quy trình, thủ tục bầu, nội dung hồ sơ thẩm định theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và Nghị định số 08/2016/NĐ-CP.
Xử lý trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm
Chỉ thị nêu rõ: Cơ quan, tổ chức, cá nhân làm trái quy định về số lượng, cơ cấu và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân các cấp phải bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật.
Bộ Nội vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rà soát, tổng hợp ý kiến các địa phương liên quan đến quy định của pháp luật về số lượng, cơ cấu và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là những quy định không còn phù hợp với thực tiễn để sau khi Bộ Chính trị sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp quản lý cán bộ, quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ hàng năm.
Theo Thanh Quang/Chinhphu.vn