Phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí sáng 11/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc quan tâm rà soát, xây dựng chiến lược quy hoạch của ngành; xác định lĩnh vực, sản phẩm cơ khí ưu tiên, nhất là sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp, khai thác, chế biến thủy sản, vận tải.
Thủ tướng lắng nghe ý kiến của các đại biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có vị trí quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển ngành Cơ khí, đặc biệt là cơ khí chế tạo. Nhìn lại 10 năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả trong phát triển ngành cơ khí. Giá trị của cơ khí chế tạo, xuất khẩu liên tục tăng; sức cạnh tranh của các sản phẩm cơ khí ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu không ngừng được nâng lên.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, so với yêu cầu, tiềm năng, lợi thế, những kết quả đạt được của ngành Cơ khí còn chưa được như mong muốn, chưa đạt được mục tiêu đề ra. “Là một quốc gia nông nghiệp, song các sản phẩm cơ khí máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp còn ít”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ví dụ cụ thể.
Đề cập tới nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm việc rà soát, xây dựng chiến lược quy hoạch của ngành Cơ khí; xác định lĩnh vực, sản phẩm cơ khí ưu tiên, nhất là sản xuất máy phục vụ phát triển nông nghiệp, khai thác đánh bắt thủy hải sản, chế biến thủy sản, các thiết bị cho vận tải... Lưu ý việc rà soát, xây dựng chiến lược quy hoạch phải đặt trong điều kiện thực tế cụ thể của kinh tế thị trường và trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, phù hợp với thực tiễn trên tinh thần khuyến khích và hỗ trợ, nhất là các cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, thuế thu nhập, thuế VAT cho doanh nghiệp và thuế bảo hộ sản phẩm trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Đi đôi với đó là xây dựng các chính sách tín dụng phù hợp nhằm phát triển thị trường cho ngành Cơ khí; thúc đẩy phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ.
Các doanh nghiệp cần hết sức quan tâm nâng cao hiệu quả, năng lực quản trị, năng lực thiết kế, chế tạo, đẩy mạnh cổ phần hóa, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý việc kiện toàn bộ máy, tổ chức của Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm; phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Ban Chỉ đạo đối với sự phát triển của ngành Cơ khí; yêu cầu Ban chỉ đạo tập trung vào nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách; phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp cơ khí và cơ quan quản lý Nhà nước của Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam trong quá trình xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và ngành Cơ khí phát triển nhanh trong điều kiện mới.
Thủ tướng phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về thuế, nhà xưởng, khuyến khích phát triển cơ khí chế tạo, sản xuất máy móc, công cụ hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp... bởi nhu cầu đối với các sản phẩm này trên thị trường hiện đang rất lớn. Cùng với đó là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững của ngành Cơ khí.
Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cơ khí thuộc các thành phần kinh tế tham gia chương trình cơ khí trọng điểm; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp cơ khí, qua đó hình thành chuỗi giá trị; quan tâm mở rộng thị trường xuất khẩu với những sản phẩm cơ khí chủ lực; tăng cường công tác đào tạo lực lượng nghiên cứu, thiết kế, công nhân kỹ thuật để bổ sung nguồn lực cho ngành Cơ khí...
Ngoài ra, một số ý kiến của doanh nghiệp cơ khí kiến nghị Chính phủ bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu tiên, đón đầu sự phát triển của ngành, nhất là các vấn đề liên quan đến đấu thầu, ưu đãi thuế, tiếp cận nguồn vốn vay, phát triển trung tâm cơ khí đa dụng...
Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam kiến nghị tập trung phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm liên quan đến đóng tàu biển, giàn khoan, ô tô khách và xe tải nhẹ, chế tạo chi tiết máy động lực và công nghiệp, chế tạo thiết bị đồng bộ và thiết bị điện…
Theo Chinhphu.vn
Theo