Thứ sáu 29/03/2024 14:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo chung dự án SMTC

08:02 | 14/03/2020

(Xây dựng) – Ngày 12/3, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh và Phó trưởng đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam Shu Kitamura, đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo chung lần thứ nhất của “Dự án tăng cường năng lực trong phát triển các công cụ quản lý Nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng” (Dự án SMTC).

thu truong bui pham khanh chu tri cuoc hop ban chi dao chung du an smtc
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh và Phó trưởng đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam Shi Kitamura đồng chủ trì cuộc họp.

Hoàn cảnh ra đời của Dự án SMTC

Từ năm 2010 đến năm 2018, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ Bộ Xây dựng thực hiện 2 dự án lớn để khắc phục tồn tại trong các dự án xây dựng ở Việt Nam.

Từ tháng 4/2010 đến tháng 12/2013, JICA giúp đỡ Bộ Xây dựng thực hiện “Dự án tăng cường năng lực đảm bảo chất lượng xây dựng”, góp phần đảm bảo chất lượng xây dựng và xây dựng các sổ tay an toàn thi công.

Sau đó, JICA tiếp tục hỗ trợ Bộ triển khai “Dự án tăng cường năng lực về dự toán chi phí, quản lý hợp đồng, chất lượng và an toàn trong các dự án đầu tư xây dựng” (Dự án CCQS) từ tháng 4/2015 đến tháng 4/2018.

Kết quả của Dự án CCQS đóng góp không nhỏ cho việc xây dựng Hướng dẫn chung về lập dự toán chi phí gói thầu thi công xây dựng công trình; Kế hoạch chuẩn về quản lý chất lượng, kế hoạch chuẩn về quản lý an toàn, môi trường; Hướng dẫn công tác giám sát, kiểm tra chất lượng, an toàn và môi trường công trình xây dựng dành cho cơ quan quản lý Nhà nước & chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án.

Kết quả của Dự án CCQS cũng hướng đến sự hình thành “Đề án cải thiện hệ thống định mức và giá xây dựng” (Đề án 2038) nhằm tăng cường hệ thống và quy trình dự toán chi phí, hệ thống quản lý xây dựng các dự án sử dụng nguồn vốn của Chính phủ Việt Nam.

thu truong bui pham khanh chu tri cuoc hop ban chi dao chung du an smtc
Nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng Phạm Văn Khánh là Trưởng nhóm chuyên gia của phía Việt Nam.

Yêu cầu trong thời gian tới là điều chỉnh các định mức chi phí trực tiếp và đơn giá phù hợp với chủ trương này và tiến hành công việc điều chỉnh hệ thống dự toán chi phí theo Đề án 2038. Để cải thiện tình hình này, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị JICA tiếp tục hỗ trợ Bộ Xây dựng triển khai “Dự án tăng cường năng lực trong phát triển các công cụ quản lý Nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng” (Dự án SMTC). Biên bản thảo luận để triển khai dự án đã được ký kết giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản vào ngày 12/11/2019.

5 sản phẩm đầu ra của Dự án SMTC

Dự án SMTC được dự kiến triển khai trên toàn lãnh thổ Việt Nam trong vòng 3 năm, từ tháng 2/2020 đến tháng 2/2023. Công việc trong năm đầu tiên là phân tích tình hình hiện tại và đưa ra tài liệu, phương pháp phục vục công tác khảo sát thực tế thí điểm trong năm thứ hai. Trên cơ sở kết quả khảo sát của năm thứ 2, nhóm chuyên gia sẽ điều chỉnh lại quy trình thực hiện khảo sát và chuyển giao cho phía Việt Nam.

Dự án được triển khai bởi 3 đơn vị chính là Cục Kinh tế xây dựng, Viện Kinh tế xây dựng và Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC). Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh giữ vai trò Trưởng Ban chỉ đạo.

Dự án có 5 sản phẩm đầu ra nhằm tăng cuờng năng lực của Bộ xây dựng trong việc cải thiện hệ thống dự toán chi phí các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn công. Trong đó, đầu ra 1, 2, 3 sẽ tăng cường năng lực về dự toán chi phí thi công. Đó là xác định định mức chi phí trực tiếp đối với vật liệu, nhân công và máy móc; xác định đơn giá vật liệu, nhân công, máy móc và cải thiện công tác lập dự toán chi phí gián tiếp.

Đầu ra 4, 5 có mục tiêu tăng cường năng lực về dự toán chi phí tư vấn, bao gồm xác định định mức Khảo sát, Thiết kế, Giám sát thi công và Cải thiện hệ thống, quy trình lập dự toán dự án đầu tư xây dựng.

Trong đề cương thực hiện dự án, JICA cũng nêu ra những điểm cần cải thiện ở từng đầu ra. Đầu ra 1 cần lập phương pháp xác định khối lượng hao phí và tỷ lệ các vật liệu khác, phân loại nghề nhân công theo thực tế và chuyển đổi đơn vị tính “ca máy” sang theo “giờ”, “ngày”. Đối với đầu ra 2 là rà soát và cải thiện phương pháp khảo sát thực tế hiện nay. Đầu ra 3 cần cần sắp xếp lại cơ cấu hạng mục chi phí theo thông tư mới.

Đầu ra 4 cần cải thiện định mức công tác khảo sát. Cuối cùng, đầu ra 5 cần cải thiện 3 điểm là chỉ rõ quy trình công việc, các công việc thuộc định mức đang sử dụng, đưa ra hệ thống (cây thư mục) để có thể dễ dàng lựa chọn định mức áp dụng theo điều kiện thi công và đề xuất một đơn vị thực hiện công việc một cách bền vững.

thu truong bui pham khanh chu tri cuoc hop ban chi dao chung du an smtc
Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng Đàm Đức Biên đóng góp ý kiến cho đề cương thực hiện dự án SMTC.

JICA cũng đưa ra 3 chỉ số nhằm đánh giá khách quan thành công của dự án. Chỉ số đầu tiên là tất cả cán bộ cấp quản lý các phòng chuyên môn của Cục Kinh tế xây dựng có thể giảng dạy về các chủ đề trong 5 đầu ra theo phương pháp mà dự án đã cải thiện. Chỉ số thứ 2 là tổ chức các khóa đào tạo về hệ thống dự toán chi phí theo quy trình thực hiện khảo sát do dự án xây dựng ít nhất 1 lần/năm tại Học viện AMC, hoặc các cơ sở đào tạo khác.

Chỉ số cuối cùng để đánh giá thành công của dự án là % học viên hoàn thành tốt các bài kiểm tra về hệ thống dự toán chi phí đề cập trong chỉ số 2 (số lượng % sẽ do hai bên thảo luận).

JICA sẽ bố trí các chuyên gia dài hạn, ngắn hạn và chi trả toàn bộ chi phí cho các chuyên gia này ở Việt Nam, cũng như chi phí đào tạo ở Nhật Bản cho các chuyên gia Việt Nam. Trong khi đó, Bộ Xây dựng có trách nhiệm bố trí nhân sự cho Ban Quản lý dự án, chi phí hoạt động của các chuyên gia trong nước, chi phí khảo sát thực tế và chi phí đào tạo ở Việt Nam.

thu truong bui pham khanh chu tri cuoc hop ban chi dao chung du an smtc
Trưởng đoàn dự án Masafumi Yamauchi trình bày đề cương thực hiện dự án SMTC.

Trưởng đoàn dự án Masafumi Yamauchi nhấn mạnh, dự án chỉ thành công khi các chuyên gia đối tác của Bộ Xây dựng đảm bảo tính tự chủ, phối hợp chủ động với chuyên gia của JICA để giải quyết các vấn đề gặp phải. JICA cũng đề nghị Bộ Xây dựng cung cấp tiến độ thực hiện của Dự án 2038 để phối hợp chặt chẽ với Dự án SMTC.

Chỉ đạo của Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh

Sau khi nghe Trưởng đoàn Yamauchi trình bày đề cương thực hiện Dự án SMTC, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh, đại diện các Cục, Vụ, Học viện và các chuyên gia lần lượt đóng góp ý kiến về phân loại danh mục định mức, hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và đơn giá, làm rõ trách nhiệm của phía Việt Nam, văn kiện Dự án...

Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh xác nhận, Bộ Xây dựng cơ bản thống nhất với các đầu ra do phía JICA đề xuất, nhưng đề nghị hai bên nghiên cứu kỹ hơn về đầu ra số 5, lưu ý về hệ thống cơ sở dữ liệu.

Trên cơ sở cuộc họp Ban chỉ đạo chung lần thứ nhất, Thứ trưởng đề nghị Cục Kinh tế xây dựng phối hợp với Đoàn chuyên gia và phía JICA để có văn kiện chính thức của dự án trong tuần này, chỉ rõ dự toán của hai bên. Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Kinh tế xây dựng nhanh chóng sắp xếp danh sách nhân sự Ban quản lý, nhóm công tác, kế hoạch khảo sát thực tế...

Thứ trưởng cũng đề nghị điều chỉnh lịch đào tạo ở Nhật Bản trong năm 2020 sang tháng 1/2021 để tránh trùng với lịch diễn ra Olympic mùa hè Tokyo 2020.

thu truong bui pham khanh chu tri cuoc hop ban chi dao chung du an smtc
Cuộc họp Ban chỉ đạo chung lần thứ nhất của Dự án SMTC có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh, đại diện JICA, đại diện các Cục, Vụ, Học viện và các đơn vị liên quan.

Trưởng đoàn dự án Yamauchi đã tán thành với các kết luận của Thứ trưởng, nhưng có lưu ý về vấn đề xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu. Các chuyên gia của JICA sẵn sàng cung cấp thông tin, hay trả lời các câu hỏi của phía Việt Nam như trao đổi công việc hàng ngày. Nhưng nếu các thông tin này không đủ đáp ứng việc xây dựng cơ sở dữ liệu và đề xuất thêm thì sẽ vượt quá khối lượng công việc của nhóm chuyên gia tại Việt Nam. Khi đó, hai bên sẽ phải làm việc thêm.

Hữu Mạnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load