Năm 2013 là thời điểm đánh dấu một trang mới trong quan hệ giữa Việt Nam với cộng đồng nhà tài trợ quốc tế, bởi sẽ có thay đổi về "chất" trong thu hút và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, quan hệ giữa Việt Nam với các bên cung cấp ODA sẽ được áp dụng theo thông lệ mới của thế giới. Cụ thể, từ nay Việt Nam sẽ tổ chức những cuộc gặp trực tiếp và thảo luận để đi đến thống nhất về nhu cầu nhận ODA cũng như khả năng cung cấp của từng nhà tài trợ theo định kỳ hằng năm. Nếu xét từ góc độ chung và tiền lệ từ các nước khác, các khoản vay sẽ kém ưu đãi hơn hoặc lượng vốn cho vay cũng có thể thấp hơn so với thời kỳ mà nước ta còn ở mức thu nhập thấp. Từ đó, vấn đề đặt ra là duy trì mức vay ổn định trong những năm tới, đặc biệt là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA trong tình hình mới.
Trong bối cảnh có sự thay đổi nói trên thì năm 2013, Việt Nam vẫn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía các nhà tài trợ, tổng mức ODA cam kết khoảng 7 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm trước. Đây là mức tài trợ cao nhất từ trước đến nay, đồng thời kết quả giải ngân đạt 4,5 tỷ USD, là mức khả quan so với nhiều năm trước. Thực tế này cho thấy, Việt Nam đang làm tốt việc sử dụng vốn đúng mục tiêu, đạt hiệu quả như thỏa thuận với nhà tài trợ.
Tuy nhiên, thực tế hơn 20 năm tiếp nhận, sử dụng vốn ODA cũng bộc lộ một số hạn chế, thậm chí là có những điểm yếu mang tính chất cố hữu trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xác nhận những hạn chế cần được tập trung giải quyết trong những năm tới. Đó là, vẫn còn trường hợp cơ quan chủ quản chưa làm tốt công tác giám sát chất lượng xây dựng ngay từ thời gian lập báo cáo khả thi, dẫn đến số liệu không chính xác nên khi triển khai, thường phải điều chỉnh lại, có khi dẫn đến việc tăng vốn của dự án. Tiếp theo, thời gian khởi động dự án chậm, tính từ khi điều ước cụ thể về vốn vay có hiệu lực đến khi trao hợp đồng thầu đầu tiên thường mất 14-30 tháng. Việc bắt đầu muộn sẽ dẫn đến kết thúc muộn và buộc các bên liên quan phải "chữa cháy" bằng cách gia hạn thêm 18-36 tháng. Nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ của nhiều dự án là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và tái định cư, với hàng loạt lý do như: Có sự khác biệt về chính sách đền bù giữa Việt Nam và nhà tài trợ; khác nhau về mức giá giữa các địa phương liền kề nhau trong cùng một dự án; sự không ổn định về chính sách, quy định nhà nước…
Bên cạnh đó, vốn đối ứng luôn là vấn đề nan giải, bởi sự eo hẹp về vốn từ phía đối tác Việt Nam thường xảy ra đối với các dự án hạ tầng giao thông và phát triển đô thị. Ngoài ra, còn có những tồn tại khác như năng lực nhà thầu yếu kém, có khi phải thay đổi nhà thầu, gây tổn thất về chi phí và thời gian; một số trường hợp lại phải điều chỉnh quy mô dự án do trượt giá so với kế hoạch ban đầu…
Chính phủ đã khẳng định sẽ sử dụng vốn ODA như nguồn vốn bổ trợ, có tính chất "mồi" để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thông qua nhiều mô hình, phương thức khác nhau, trong đó có hợp tác công - tư (PPP). Các lĩnh vực ưu tiên thu hút ODA gồm: Phát triển đường cao tốc quốc gia để bảo đảm nhu cầu vận tải liên vùng, thúc đẩy giao thương; xây dựng hoặc nâng cấp cảng biển quốc gia, hướng tới hình thành các trung tâm kinh tế biển; xây dựng sân bay quốc tế; nâng cấp và xây mới một số tuyến đường sắt quốc gia và tại đô thị lớn bên cạnh việc phát triển các kết cấu hạ tầng xã hội, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường…
Như vậy, dù đã tiến lên mức phát triển cao hơn nhưng về trung và dài hạn, Việt Nam vẫn mong muốn tiếp tục nhận được các khoản ODA như là một kênh cấp vốn, phục vụ các dự án quan trọng, liên quan đến quốc kế dân sinh. Vấn đề đặt ra là phải có biện pháp phù hợp nhằm khắc phục những tồn tại nói trên, giữ vững nhịp độ phát triển KT-XH cũng như niềm tin của cộng đồng nhà tài trợ, hướng tới mục đích hài hòa giữa thu hút và nâng cao hiệu quả vốn ODA.
Theo Hanoimoi
Theo