Thứ ba 16/04/2024 20:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thử cùng giải bài toán thu phí báo chí điện tử

19:08 | 20/06/2021

Những tiến bộ về mặt công nghệ khiến công chúng - người dùng có thể trở thành “nhà báo công dân”, người sản xuất tin tức. Đồng thời, cùng với sự tiến bộ về công nghệ đã khiến báo chí truyền thống đứng trước những khó khăn về doanh thu. Bài toán nguồn thu với các cơ quan báo chí, truyền thông, đòi hỏi phải có những lối đi, cách làm mới “cắt giảm chi phí và tăng cường thu phí”.

thu cung giai bai toan thu phi bao chi die n tu
Các bài viết phải trả phí trên Báo điện tử VietnamPlus của TTXVN.

Trao quyền lựa chọn vào tay độc giả

Theo PGS.TS Trương Thị Kiên (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), áp dụng theo mô hình thu phí này, nhiều tờ báo đã tăng được doanh thu từ việc thu phí người dùng khi đọc báo mạng. Tuy nhiên, vấn đề họ phải đối mặt đó chính là việc sụt giảm lượng truy cập. Và như vậy, có thể thấy rằng, pallwall dường như chỉ đạt được hiệu quả tối ưu với những trường hợp công chúng có những ràng buộc phải mua báo hay có lợi ích đặc biệt đối với tờ báo. Việc thu phí này sẽ phù hợp hơn với những cơ quan báo chí xem sản phẩm của mình đơn thuần là phương tiện thu lợi chứ không vì mục đích chính trị. Việc thu phí này có thể được áp dụng với những sản phẩm/nhóm tin tức khác nhau để có thể tiếp cận được các đối tượng khách hàng.

Còn tại Việt Nam, mới đây, Tạp chí điện tử Ngày Nay - ngaynay.vn (Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam) chính thức ra mắt báo thu phí trực tuyến. Đây là lần đầu tiên một tạp chí điện tử tại Việt Nam ứng dụng các công nghệ tài chính số để tương tác và tìm kiếm sự ủng hộ từ độc giả.

Các bài báo được thu phí nằm trong chuyên mục Special Today. Các bài viết đa dạng ở nhiều lĩnh vực. Việc thanh toán có thể theo tuần, tháng, quý, năm trên nền tảng của ViettelPay và thanh toán bằng thẻ ATM của nhiều ngân hàng.

thu cung giai bai toan thu phi bao chi die n tu
Thiếu tướng Phan Khắc Hải - nguyên Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Ảnh: Hoàng Thái

Trước đó, báo điện tử đầu tiên tại Việt Nam thu phí là VietnamPlus của TTXVN, áp dụng từ năm 2018 - người đọc trả phí để đọc một số ít bài chọn lọc hằng ngày. Các bài viết thu phí của VietnamPlus (pay.vietnamplus. vn) có nội dung phân tích chuyên sâu, phỏng vấn độc quyền... do tòa soạn tự sản xuất, hoặc dịch lại theo nhượng quyền của các đơn vị báo chí lớn trên thế giới. Mức phí khoảng 5.000 đồng/tin tức. Hoặc chi phí với các gói xem tin tức độc quyền ở các mức như 10.000 đồng/7 ngày; 30.000 đồng/30 ngày hay 50.000 đồng/60 ngày. Việc thu phí được liên kết với thuê bao di động qua các nhà mạng.

Đây được xem là một trong những cách làm táo bạo trong việc tái cơ cấu lại các nguồn thu từ báo điện tử. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phân tích cho thấy, triển khai thu phí người dân trên báo điện tử không hề dễ dàng và không phải là “con đường trải đầy hoa hồng”.

Phải có những nội dung chuyên biệt, đặc sắc

Trao đổi với Lao Động, Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin nhận định, trong xu thế chung của báo chí thế giới là nguồn tài trợ và quảng cáo ngày càng khó khăn, tiền thu về từ phát hành ngày càng giảm, báo chí Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí phải cân đối nguồn thu trong bài toán kinh tế báo chí.

Theo ông Hải, trên thế giới, xu hướng đọc báo điện tử phải trả phí gia tăng và người ta xem báo chí như một món hàng, muốn dùng thì phải trả tiền. Tuy nhiên, ở Việt Nam nền báo chí của nước ta là báo chí cách mạng, báo chí phục vụ sự nghiệp của Đảng và nhân dân. Do đó, khó có thể coi báo chí là sản phẩm hàng hoá thuần tuý. Và việc triển khai thu tiền từ bạn đọc trên mạng điện tử cũng không hề đơn giản. Việc này cần được các cơ quan tính toán một cách bài bản, kỹ lưỡng.

Ông Hải cũng cho rằng, mỗi thời kỳ lịch sử của báo chí đều có tính bước ngoặt. Trong đó, việc bỏ tiền ra để mua tin tức là một xu hướng đang được nhiều tờ báo trên thế giới nghiên cứu và áp dụng. Tại Việt Nam cũng đã có một số cơ quan áp dụng việc này đối với một số sản phẩm. Tuy nhiên, việc này cũng đòi hỏi toà soạn, phóng viên phải thấy rõ được tầm quan trọng của vấn đề; họ phải nhận thức được rằng, để được người ta mua tin của mình thì phải làm sao có tin tức chất lượng cao, bài vở tốt đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của bạn đọc. Đây thực sự là một động lực nhưng cũng là một thách thức không hề nhỏ để những người làm báo phải ngày càng cải thiện, nâng cao chất lượng hơn nữa, phản ánh một cách đa dạng, có chiều sâu, có phân tích, đánh giá, luận giải vấn đề và kiến tạo trong sản phẩm báo chí.

thu cung giai bai toan thu phi bao chi die n tu
Chuyên mục Special Today trên Tạp chí điện tử Ngày Nay yêu cầu bạn đọc phải trả phí để có thể truy cập. Ảnh: PV

“Theo tôi để việc thu phí đọc báo online ở Việt Nam phát triển, theo tôi, trước tiên các cơ quan báo chí cần tạo ra được những sản phẩm chuyên biệt, phản ánh những đặc thù riêng của tờ báo mình, đủ để khiến cho người dùng phải trả tiền. Tuy nhiên, có 2 vấn đề quan trọng của việc thu phí người đọc online là xây dựng nội dung và cách thu phí. Nội dung càng “độc”, càng có chất lượng cao mới có thể thu hút và giữ chân người đọc. Mặt khác, để nó phổ thông thì cách thu phí phải bảo đảm tiêu chí là giá hợp lý và có nhiều tùy chọn linh hoạt, dễ dàng sử dụng” - Thiếu tướng Phan Khắc Hải cho hay.

Tại Diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề “Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức giữa năm 2020, nhiều nhà lãnh đạo báo chí cho rằng, việc thu tiền từ bạn đọc online ở Việt Nam rất khó nhưng báo chí vẫn sẽ phải bắt tay vào làm nếu muốn thay đổi cơ cấu doanh thu của mình để tồn tại.

Theo nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập báo điện tử Vietnamplus (TTXVN), không ít tờ báo trên thế giới như Wall Street Journal, New York Times, Washington Post (Mỹ), Financial Times, The Economist (Anh)... sớm thành công với mô hình thu phí trên các nền tảng kỹ thuật số, trước khi mức tăng trưởng doanh thu quảng cáo trực tuyến chậm lại, thậm chí có xu hướng đi xuống trong những năm gần đây.

Ông Duẩn cũng cho biết, việc thu tiền từ bạn đọc trực tuyến tại Việt Nam hiện nay rất khó, muốn thay đổi cơ cấu doanh thu thì các cơ quan báo chí phải bắt tay vào làm. Quan trọng nhất là bảo vệ được bản quyền, không để xảy ra tình trạng một bài báo hay bị hàng chục trang khác cắt về, dán lên trang của mình một cách thoải mái. Việc khóa bài, mời mua báo trực tuyến cần phải được tiến hành đồng thời ở nhiều báo mới tạo được hiệu ứng tích cực.

Báo chí cần phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng

Tại Diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề “Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu”, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - cho rằng, việc phát triển kinh tế báo chí, bảo đảm nguồn thu từ lâu đã là bài toán nan giải của các tòa soạn, đặc biệt với những cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Đại dịch COVID-19 khiến các cơ quan báo chí giảm nguồn thu trầm trọng. Phần lớn các tòa soạn sụt giảm doanh thu từ 30-50%, thậm chí có nơi giảm tới 60%.

Liên quan đến vấn đề chia sẻ phí, ông Hồ Quang Lợi đồng tình cho rằng, các cơ quan báo chí sản xuất ra tác phẩm báo chí thì có quyền có nguồn thu từ các nhà mạng, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Goolge... Tới đây, cần có chính sách cụ thể hơn nữa để các nhà mạng phải có chính sách chia sẻ nguồn thu với các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, theo ông Lợi, các cơ quan báo chí cũng phải chuyển động, đổi mới, thậm chí phải lột xác thì mới tồn tại được. Dù có làm biện pháp gì đi nữa mà không cải tiến, không nâng cao chất lượng thì khó có thể tồn tại. Chúng ta phải nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí, đặc biệt là phải có bản sắc riêng thì mới có nguồn thu.

Theo VƯƠNG TRẦN - PHẠM ĐÔNG/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load