Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ chín, sáng 18/6, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với 92,96% đại biểu tán thành.
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ chín, sáng 18/6, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với 92,96% đại biểu tán thành.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 157 điều, được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.
Về sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 12) quy định: Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền.
Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản khác phải xác định rõ tên văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành. Văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo, niêm yết theo quy định.
Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó, nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước trung ương; không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp huyện và cấp xã.
Về việc đăng tải và đưa tin văn bản quy phạm pháp luật (Điều 157) quy định: Văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng tải toàn văn trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành đối với văn bản của cơ quan Nhà nước ở trung ương; chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Văn bản quy phạm pháp luật đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật có giá trị sử dụng chính thức.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với nội dung của dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần cụ thể hóa cơ chế bảo hiến trong Hiến pháp hoặc bổ sung quy định về trách nhiệm của Tòa án Nhân dân Tối cao trong việc xử lý xung đột, mâu thuẫn trong áp dụng nguyên tắc tại Điều 12 và Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Có ý kiến đề nghị tại Điều 156 bổ sung quy định “trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước có quy định ưu tiên áp dụng pháp luật đối với vấn đề đó thì áp dụng quy định của văn bản ban hành trước.”
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy nguyên nhân chủ yếu của tình trạng còn xảy ra một số mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định giữa các luật là do ngay từ giai đoạn tổng kết, đánh giá, xây dựng dự thảo văn bản mới, các cơ quan liên quan chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời các nội dung có quy định khác nhau trong các văn bản luật ban hành trước.
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, nguyên tắc xử lý xung đột đã được thống nhất và áp dụng nhất quán từ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 đến nay là trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề áp dụng quy định của văn bản ban hành sau.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. (Ảnh: TTXVN) |
Nếu nay bổ sung nguyên tắc “ưu tiên áp dụng pháp luật” sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc nêu trên, đồng thời khi có xung đột xảy ra giữa các luật không có cơ sở để xác định luật nào được áp dụng.
Do đó, để hạn chế và khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo ngay từ khâu xây dựng văn bản, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào dự thảo Luật quy định hồ sơ dự án gửi thẩm định, thẩm tra, trình Quốc hội phải có báo cáo về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án, dự thảo; đồng thời bổ sung vào khoản 2 Điều 12 quy định “trường hợp văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành có quy định khác với văn bản mới nhưng cần tiếp tục được áp dụng phải được chỉ rõ trong văn bản mới đó.”
Về đề nghị cụ thể hóa cơ chế bảo hiến và quy định trách nhiệm của Tòa án Nhân dân Tối cao trong việc xử lý xung đột, mâu thuẫn pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lực nhà nước, cần được tiếp tục nghiên cứu thận trọng, thấu đáo cả về cơ sở lý luận và thực tiễn trước khi cụ thể hóa thành luật.
Có ý kiến đề nghị quy định việc đăng tải dự thảo thông tư liên tịch trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan cùng tham gia soạn thảo và ban hành văn bản này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đối với văn bản liên tịch, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm làm đầu mối, chủ trì soạn thảo và thực hiện các thủ tục cần thiết bao gồm cả việc đăng tải dự thảo trên cổng thông tin điện tử của cơ quan để xin ý kiến.
Việc quy định như vậy là để bảo đảm đơn giản về thủ tục, thuận tiện trong tổ chức công việc, tránh một việc do nhiều cơ quan thực hiện, đồng thời rõ ràng về trách nhiệm. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho tiếp tục thực hiện nội dung này như Luật hiện hành.../.
Theo Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)