Thứ sáu 29/03/2024 12:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thông minh và bền vững là hướng đi tất yếu cho các đô thị

14:36 | 25/11/2021

(Xây dựng) - Các thành phố trên toàn cầu đang đứng trước thách thức trở nên bền vững hơn để đối phó với tăng trưởng dân số mạnh. Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững đã quy tụ các chuyên gia hàng đầu đến cùng thảo luận về cách đẩy mạnh mối quan hệ cộng sinh giữa đô thị thông minh và tính bền vững.

Diễn đàn do Đại học RMIT phối hợp tổ chức cùng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh (DXCenter).

thong minh va ben vung la huong di tat yeu cho cac do thi
Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững quy tụ gần 40 nhà lãnh đạo tư duy và nghiên cứu viên hàng đầu trong lĩnh vực hoạt động của họ, cũng như các nhà thực hành và đổi mới đến từ cả khu vực công và tư.

Với hơn 3,5 tỷ người hiện đang sinh sống nơi thị thành và dự kiến 70% nhân loại sẽ sinh sống ở đô thị vào năm 2050 (theo ước tính của Liên Hợp quốc), việc xây dựng các thành phố thông minh và bền vững là ưu tiên hàng đầu đối với sự phát triển xã hội trên toàn cầu.

Theo Giáo sư Peter Coloe - Chủ tịch Đại học RMIT Việt Nam trong quá trình tìm hiểu sự giao thoa giữa phát triển thông minh và bền vững, quan trọng cần phải hiểu rằng đây là vấn đề hiện hữu sát sườn và ảnh hưởng tới mọi quốc gia. “Chúng ta có thể quan sát và cảm nhận được tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan trên toàn cầu, còn công nghệ thì đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Trong lĩnh vực phát triển đô thị, các công nghệ và công cụ mới có khả năng cải thiện cuộc sống của những người đang sinh sống và làm việc nơi thành thị – cũng như người làm công tác quy hoạch đô thị. Chẳng hạn thông qua quản trị thông minh, giao thông thông minh và logistics thông minh, các nhà quy hoạch đô thị, hoạch định chính sách và lãnh đạo có thể quản lý sự phát triển bền vững và công bằng tại các thành phố tốt hơn”, Giáo sư Peter Coloe gợi ý.

Bà Đỗ Thanh Huyền - Chuyên gia phân tích chính sách công của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam chia sẻ rằng: Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể như triển khai đề án đô thị thông minh tại 41 trên 63 tỉnh thành trên cả nước và góp phần hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Bà Huyền nhận định: “Các thành phố lớn tại Việt Nam cần nỗ lực để phát triển không chỉ ở mặt thông minh mà còn ở mặt bền vững để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao do phát triển kinh tế và sức ép gia tăng dân số. Thách thức đối với các thành phố ở Việt Nam là làm thế nào để ứng dụng các giải pháp công nghệ và phi công nghệ phù hợp nhằm đáp ứng được nhu cầu ở mọi mặt kinh tế, xã hội và môi trường của cư dân thành phố với sự đa dạng về thành phần, trong đó có cộng đồng nhập cư, cộng đồng khuyết tật, cộng đồng nghèo, trong hiện tại và tương lai”.

Trên tinh thần đó, Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững đã quy tụ gần 40 nhà lãnh đạo tư duy và nghiên cứu viên hàng đầu trong lĩnh vực hoạt động của họ, cũng như các nhà thực hành và đổi mới đến từ cả khu vực công và tư. Xuyên suốt chương trình sự kiện diễn ra trong một ngày, đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận mối quan hệ mật thiết giữa tính bền vững và thành phố thông minh. Diễn đàn đã giới thiệu các giải pháp hiện đại cho thành phố thông minh và bền vững (như công nghệ tiên tiến blockchain), cùng với thực tiễn tốt nhất trong lĩnh vực du lịch thông minh, logistics thông minh, quản trị thông minh, cũng như hàng loạt chủ đề khác.

thong minh va ben vung la huong di tat yeu cho cac do thi
Việt Nam đang triển khai đề án đô thị thông minh tại 41 trên 63 tỉnh thành trên cả nước.

Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác giữa các bên liên quan trong việc phát triển các thành phố thông minh và bền vững. Ông Cương nhận định: “Một thách thức lớn về chính sách ở Việt Nam là tạo điều kiện khai thác cơ sở hạ tầng một cách hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính bền vững về mặt môi trường và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của các thành phố. Các nhà hoạch định chính sách cần hợp tác ngay từ sớm với các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển đô thị, cung cấp giải pháp số, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu cũng như tất cả các bên liên quan khác; đồng thời liên tục tham khảo ý kiến họ trong quá trình xây dựng và cải thiện các thành phố”.

Diễn đàn lần này tiếp nối thành công của Diễn đàn Đô thị thông minh đầu tiên do Đại học RMIT và UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 1/2021. Hai bên cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tại sự kiện này. Diễn đàn còn khai thác chuyên môn và mạng lưới quan hệ doanh nghiệp của Trung tâm nghiên cứu Thành phố thông minh và bền vững mới được thành lập tại Đại học RMIT Việt Nam, với mục tiêu thúc đẩy nghiêm cứu và hợp tác trong lĩnh vực này.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, Trung tâm Xuất sắc về kỹ thuật số (CODE) và Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT đã công bố báo cáo mới nhất mang tên “Chuyển đổi số ở Việt Nam: Khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp nhà nước” dựa trên nghiên cứu với các nhà quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.

Đặng Ngân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load