Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Phát biểu tại hội nghị đại diện các TCTD đều cho rằng điều hành CSTT của NHNN không chỉ giữ vững ổn định thị trường, ổn định hệ thống mà còn tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của các DN, TCTD. Tuy nhiên ngành NH đang phải đối mặt với không ít khó khăn: Tăng trưởng tín dụng thấp; Xử lý nợ xấu đã có những bước tiến rõ rệt nhưng còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách; tiến trình tái cơ cấu đang chậm lại… Bên cạnh đó, việc kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là trọng trách đặt nặng lên vai ngành NH.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nêu rõ: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiệm vụ đặt ra trong những tháng cuối năm còn hết sức nặng nề. Đó là tình hình hoạt động của các DN còn nhiều bất cập, khó khăn; tổng cầu nền kinh tế có cải thiện nhưng rất chậm, chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế của đất nước.
Qua phân tích cho thấy, sức tiêu dùng đã có cải thiện trong 6 tháng đầu năm. Khi hoạt động đầu tư cải thiện thì tín dụng NH mới tăng. Đến hết 30/6/2014, TTTD ở mức 3,52%, so với chỉ tiêu định hướng đặt ra từ đầu năm là từ 12 - 14%, thì con số trên hết sức khiêm tốn. Tín dụng 6 tháng đầu năm tăng thấp nhưng không có nghĩa là quá bi quan. Bởi qua phân tích thì 6 tháng cuối năm TTTD thường gấp đôi nửa đầu năm. Giả sử đến nay, TTTD đã đạt 3,52% thì 6 tháng cuối năm có thể tăng thêm 7%. Như vậy, TTTD cả năm có thể đạt 11% so với mức 12-14% thì cơ bản đã hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, đó là phân tích để thấy khả năng đạt được là có, nhưng cả hệ thống cũng phải cố gắng phấn đấu. Những gì thuộc về cơ chế chính sách, NHNN tiếp tục tháo gỡ, còn chủ động thì thuộc về các TCTD.
Quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu dường như hơi chững lại trong 6 tháng đầu năm. Nhưng, đó là do NHNN chủ động để chuẩn bị các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp trong giai đoạn tới. Các NHTM cũng phải chuẩn bị tinh thần chung là tiếp tục xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng, tiếp tục bán nợ cho VAMC. Những vướng mắc cần tháo gỡ về mặt cơ chế chính sách, các Vụ, Cục của NHNN và VAMC tiếp tục tích cực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để cho xử lý nợ xấu, mua bán nợ xấu thông thoáng hơn, phù hợp hơn. Khả năng phân tích các khoản nợ của các đơn vị của NHNN cũng phải được nâng lên; cơ chế về tái cấp vốn thông qua mua bán nợ cũng phải thông thoáng hơn để giúp cho mua bán nợ trong 6 tháng cuối năm đạt chỉ tiêu đặt ra.
Bên cạnh xử lý nợ xấu, đến nay Chính phủ đã đồng ý phương án các DNNN, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khi thoái vốn tại các TCTD thì toàn bộ phần thoái vốn đó được quản lý dưới sự chỉ đạo trực tiếp của NHNN. Có nghĩa là khoản vốn nào cần thì NHNN sẽ mua lại để NHNN cử người trực tiếp tham gia cổ phần vào các TCTD, nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, lành mạnh hóa các TCTD, đặc biệt là giúp các NHTMCP được mạnh mẽ hơn. Nói thì gọn như vậy, nhưng triển khai là rất lớn. Hiện nay, ngành NH đang xây dựng đề án trình Chính phủ, dự kiến trong tháng này Chính phủ sẽ thông qua để đi vào triển khai.
Tới nay, mới tái cơ cấu các NH nhỏ, nhưng trong 6 tháng cuối năm sẽ triển khai tái cấu trúc cả các NHTMCP lớn. Để hoàn thành giai đoạn 1 của chương trình tái cấu trúc kết thúc năm 2015 thì trong 6 tháng cuối năm và năm 2015 phải nỗ lực hơn nữa.
Về môi trường kinh tế vĩ mô, đứng trước những diễn biến về tình hình Biển Đông đòi hỏi ngành NH phải hết sức đề phòng, chủ động, không được chủ quan. Trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ là tiếp tục kiên quyết giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, nhiệm vụ đặt ra với ngành NH là tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay, tiếp tục ổn định thị trường ngoại hối, thị trường vàng, góp phần vào kiểm soát lạm phát… Tinh thần là không được chủ quan, mà trước mọi diễn biến phải có công cụ, giải pháp xử lý kịp thời.
Ông Nghiêm Xuân Thành – Tổng giám đốc Vietcombank - Không còn dư địa để giảm lãi suất
Ông Nghiêm Xuân Thành |
Với các giải pháp trong điều hành của NHNN thời gian vừa qua, kỷ cương trong ngành NH được thiết lập thực chất hơn. Nổi bật là lãi suất được điều hành chủ động, dẫn dắt thị trường, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại hối dao động trong khung định hướng của NHNN… Với tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay, theo tôi dư địa để giảm lãi suất thời gian tới gần như không có. Lạm phát đang được kiểm soát tốt, trong khi mục tiêu TTTD cả năm còn khá xa, nên đây là giai đoạn cần phát huy vai trò chính sách tài khóa trong việc kích thích tổng cầu, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, Chính phủ cần có các giải pháp trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước tạo đà TTTD; đẩy nhanh tái cơ cấu đầu tư công, nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh DN.
Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ DNNVV không có tài sản đảm bảo được tiếp cận vốn NH thông qua quỹ bảo lãnh. Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn về xử lý tài sản đảm bảo tiền vay theo hướng dành cho các TCTD được toàn quyền chủ động trong việc xử lý tài sản khi bên vay vốn vi phạm nghĩa vụ trả nợ…
Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT VietinBank - DN không phàn nàn về mức lãi suất cho vay
|
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN còn đối mặt nhiều khó khăn, hàng hóa tiêu thụ chậm, cầu nền kinh tế thấp… vừa qua NHNN đã có những giải pháp hết sức tích cực, tháo gỡ vướng mắc trong quan hệ tín dụng NH - khách hàng. Đặc biệt, NHNN đưa ra nhiều chương trình tín dụng đột phá như cho vay theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao… Đặc biệt, cơ cấu tín dụng có sự dịch chuyển tích cực theo đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ hướng dòng vốn vào khu vực sản xuất kinh doanh thực. Tại VietinBank, dư nợ tín dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên chiếm tới 50%/tổng dư nợ tín dụng của NH. Riêng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm 20%.
Để thực hiện các mục tiêu của toàn Ngành trong năm 2014, VietinBank đề xuất NHNN tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá. Lãi suất huy động và cho vay đang ở mức hợp lý. Người gửi tiền thấy hài lòng với mức lãi suất huy động tiết kiệm, phía DN không phàn nàn về mức lãi suất cho vay như trước đây. Thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo quyết liệt triển khai các mô hình tín dụng mới; cho vay theo chuỗi liên kết nhằm đảm bảo chu trình luân chuyển dòng vốn, đảm bảo an toàn tín dụng liên kết; đẩy mạnh kết nối NH – DN, trong đó nhấn mạnh vai trò của NHNN chi nhánh các tỉnh trong quá trình phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, xử lý nợ xấu vẫn là vấn đề thời sự ở tất cả các NHTM. Đặc biệt, việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của NH còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, NHNN cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho NH đẩy nhanh xử lý triệt để nợ xấu.
Ông Phạm Hồng Hải – Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam - Cần kích sức cầu hơn là ép lãi suất giảm
Ông Phạm Hồng Hải |
Tôi thấy trong thời gian vừa qua, đặc biệt là 6 tháng đầu năm đã có những điểm sáng tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô, trong đó có đóng góp từ điều hành CSTT của NHNN. Đơn cử khi NHNN điều chỉnh tỷ giá thì tỷ giá ngoài thị trường không chạy kịch trần mà đang ở giữa biên độ trần và sàn. Đây là điểm sáng lớn, cho thấy niềm tin của thị trường vào chính sách của NHNN.
Lãi suất tiền đồng đã giảm mạnh trong thời gian gần đây, hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn giá rẻ trên thị trường. Theo tôi, NHNN đã hết sức nỗ lực trong việc điều hành để giảm mặt bằng lãi suất và đã hết dư địa cho lãi suất giảm tiếp. Vì vậy, chúng ta nên tập trung vào các chính sách kích cầu nền kinh tế hơn là ép lãi suất giảm tiếp.
Về công tác chỉ đạo, điều hành của NHNN trong vài năm gần đây có tính định hướng rất lớn cho thị trường, ít sử dụng nguồn lực tài chính trong điều hành. Nhìn vào thực tại của hệ thống NH thì còn một số khó khăn, tồn tại như nợ xấu có giảm nhưng vẫn ở mức cao; vẫn còn TCTD yếu kém cần tiếp tục tái cơ cấu; cầu tín dụng còn yếu. Vì vậy, chúng ta cần phải cải cách nền kinh tế nói chung và tiếp tục cải cách hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.
HSBC Việt Nam luôn tin tưởng vào tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam. Minh chứng là hiện nay HSBC tại Việt Nam đã tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng vay vốn tại Việt Nam. Với chính sách điều hành của NHNN sẽ giúp tiếp tục ổn định thị trường thời gian tới.
Ông Phan Huy Khang - Tổng giám đốc Sacombank - Bước đột phá trong điều hành chính sách
|
NHNN đã chủ động dẫn dắt thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đảm bảo quyền lợi của các thành viên tham gia thị trường. Các chương trình tín dụng đối với lĩnh vực đặc thù, lĩnh vực ưu tiên được NHNN chỉ đạo quyết liệt. Cùng với sự chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất cho vay nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho khách hàng. Đến nay, khá nhiều khách hàng sau khi cơ cấu lại nợ đã phục hồi sức khỏe.
Tiến trình triển khai tái cơ cấu hệ thống TCTD thời gian qua đạt hiệu quả cao, qua đó giúp TCTD cơ cấu lại hoạt động ổn định an toàn, cải thiện năng lực tài chính, quản trị điều hành. Theo quan điểm của tôi, sau khi tái cơ cấu chỉ cần 20 – 25 NH là hợp lý. Để tạo điều kiện cho các NH hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn trong thời gian tới, NHNN sớm sửa đổi bổ sung một số điều trong Thông tư 40/2011/TT-NHNN quy định về cấp phép và tổ chức hoạt động của các TCTD vì vẫn còn nhiều NHTM hoạt động theo giấy phép được cấp từ đầu năm 1990. Trong khi đó, Điều 90, Luật Các TCTD năm 2010 quy định các TCTD không được tiến hành bất cứ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động NH, hoạt động kinh doanh khác ghi trong giấy phép hoạt động của NHNN cấp cho các TCTD. Do đó, việc sớm ban hành thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 40 để các NHTM này được hoạt động theo quy định mới của Luật Các TCTD năm 2010.
Nguồn: Thời báo Ngân hàng
Theo