Thứ bảy 20/04/2024 10:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thông điệp “bắt” trúng lòng dân

10:31 | 12/11/2019

(Xây dựng) - Đất nước tăng trưởng bứt phá, nhưng khoảng cách “giàu - nghèo” như càng cách xa nhau, chính là trăn trở trong cả chiến lược trước mắt và dài xa của một quốc gia đang đi mạnh vào hội nhập kinh tế toàn cầu. Đất nước hiện đại, mở công nghiệp hiện đại, nhưng sinh kế của người dân, đặc biệt với những vùng quê nghèo khó họ dành đất cho các KCN ấy sẽ thế nào? Không thể để người dân bị “đẩy” ra ngoài cuộc, lùi lại phía sau, hoặc bất chấp cả sinh mạng đánh liều đi ra nước ngoài kiếm sống với cái tâm thế một mất một còn!

thong diep bat trung long dan
Các trường dạy nghề tỉnh nào cũng có, bộ ngành nào cũng có, mà sao tay nghề, lao động kỹ thuật vẫn trong tình trạng của khủng hoảng thiếu.

1 Trên diễn đàn Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ đưa ra một thông điệp rất trúng: Phải làm giàu hợp pháp ngay trên đất quê hương! Mới thấy khát vọng khởi nghiệp, sự tự tôn dân tộc, đó chính là người Việt Nam phải ngẩng cao đầu, phải biết vượt lên với tâm thế đĩnh đạc ngay cả khi cam go khó khăn nhất!

Vụ việc 39 người chết trong container ở Anh đều là người Việt thêm lần cảnh báo: Chúng ta không thể làm giàu bằng mọi giá. Càng không thể đánh đổi môi trường, đánh đổi cả sinh mạng con người là thứ quý báu nhất để đổi lấy “đồng tiền tây”, đổi lấy sự giàu sang xa vời nơi xứ người (?).

Đã đến lúc cần nhìn lại cả tư duy và chiến lược lao động và việc làm, sinh kế của người dân, nhất là lớp trẻ ở các vùng quê đang khát khao việc làm, đang khát vọng vươn tới sự giàu, vươn tới khởi nghiệp!

Hãy nhìn xem: Có quốc gia nào tuyệt vời như mảnh đất hình chữ S này? Nhìn xem: Sông núi, biển trời, đồng ruộng bao la, đất trung du, đất Tây Nguyên bạt ngàn… Nhìn xem: Con người Việt Nam với truyền thống ngàn năm trí tuệ, sáng tạo đâu có thua ai, thì sao có thể cứ để cái nghèo khó buộc chặt? Đất nước đón mời vẫy gọi đầu tư nước ngoài rất trúng, rất hợp với dòng chảy thời cuộc, hợp lòng dân. Nhưng rõ ràng nguồn lực con người ngay trong nước phải được khai thác sử dụng thế nào cho xứng với những gì mà thiên nhiên ban tặng. Không thể DN mở ra, DN FDI đầu tư vào mà người lao động chúng ta lại phải “bật” ra. Càng thấy chiến lược đưa hàng trăm ngàn “trai thanh, gái tú” hàng năm đi xuất khẩu lao động ra các nước với đủ nghề cũng chỉ là giải pháp tình thế. Phải tính đến bài toán căn cơ: Người Việt Nam phải làm giàu, phải sống khỏe ngay trên đất quê hương! Phải nhìn lại việc đào tạo ở các trường đại học hiện nay giáo trình, chương trình đã đổi mới theo kịp thời cuộc chưa? Cần nhìn lại các trường dạy nghề tỉnh nào cũng có, bộ ngành nào cũng có, mà sao tay nghề, lao động kỹ thuật vẫn trong tình trạng của khủng hoảng thiếu. Các tập đoàn công nghiệp lớn quốc tế vào ta họ cứ kêu khó tuyển lao động Việt Nam vì tay nghề không đáp ứng? Vì sao nói phải đi mạnh vào phát triển công nghiệp phụ trợ để trở thành các “DN vệ tinh” cho Samsung… vừa giải quyết lao động, vừa đón nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến cho chúng ta. Nhìn xem nhiều KCN, khu đô thị mở ra khắp trong Nam ngoài Bắc lấy nhiều đất của nông nghiệp, nhưng cô bác sinh kế cách gì khi mất đất, thì các chính sách lại chưa đến tầm, đến độ?

Rõ ràng không thể đổ lỗi cho cô bác, cho lớp trẻ, mà lỗi từ chính tư duy của các bộ ngành chưa “thoát” ra được những nghẽn tắc từ ngay các văn bản và thiết kế chính sách. Vì sao người quê ùn ùn kéo về các đô thị lớn sinh kế với đủ nghề? Vì sao hơn 200 nghìn sinh viên ra trường “ôm” bằng cử nhân cứ loay hoay việc làm, lúng túng trên con đường đi tới tương lai, không biết làm gì, mưu sinh kiểu gì giữa cơ chế thị trường, khi chạm vào đâu, làm cái gì cũng cạnh tranh đầy rát bỏng? Đó chính là lỗ hổng trong cách nhìn, và cả những nghẽn tắc, nút thắt trong chiến lược nguồn lực của một quốc gia đang nắm trong tay gần 100 triệu dân. Phải nhận ra suốt một thời gian quá dài chúng ta trải thảm đỏ, quá đỏ để vẫy gọi đầu tư, cứ “khoe ra” môi trường thoáng đạt, đất nước yên bình, ổn định, đất đai sẵn, lao động rẻ, hạ tầng điện nước đến “tận chân” các DN… “Khoe” môi trường thoáng đạt, đất nước bình an, chính trị ổn định thì quá đúng rồi. Nhưng “khoe” lao động rẻ, đất đai bao la, giá điện rẻ, thì rõ ràng là cái “sự khoe” không chuẩn. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các DN FDI đã khai thác triệt để lao động giá rẻ, đặt ra với chính quyền các tỉnh thành những yêu sách phải thế này, phải thế kia, mà chúng ta đã không có những yêu cầu cam kết ngược lại. Ví như mỗi héc-ta đất mở nhà xưởng, mỗi ki-lô-oát điện cung ứng cho DN, thì các DN FDI đóng góp trở lại cho đất nước và nơi chính các DN “đứng chân” thế nào? Rồi cả những cam kết đào tạo, sử dụng lao động người địa phương ra sao vào các nhà máy công xưởng của họ? Chính những hớ hênh đó đã tạo ra bất cập người quê mất đất dành cho mở mang công nghiệp, nhưng người quê trở thành nông nhàn, thành thất nghiệp giữa những KCN lớn mở ra ngay trên mảnh đất, cánh đồng của bao đời họ gắn bó mưu sinh!

2 Cuộc sống như dòng chảy là không thể khác! Người quê kéo về phố xá, người quê sinh kế bằng đủ đường, đủ cách để mưu sinh. Xuất khẩu lao động ra các nước mà chỉ đi giúp việc, chăm sóc người già, nói thẳng ra là “đi ở nơi xứ người”, thì có nên vui mừng, có nên coi đó thành tích, thành tựu không? Rõ ràng phải nhìn lại. Lớp trẻ phải học nghề tinh thông rồi mới tính làm gì thì làm. Ra nước ngoài ngoài mang thu nhập về, nhưng còn phải học kinh nghiệm, tay nghề, phong cách hiện đại của các nước. Nói phải hướng đến là những công dân toàn cầu, thì ngành Giáo dục không thể cứ cách dạy, cách học, cách thi tuyển vào đại học như hiện nay, mà dư luận quá nhiều bàn cãi! Tung ra ý tưởng học thạc sĩ không cần bằng đại học liệu có đúng không? Tuyển chọn thi nâng ngạch công chức mà “nhiêu khê” đòi “trưng ra” tới 7 văn bằng chứng chỉ như các đại biểu Quốc hội nêu ra trên ngay giữa nghị trường Quốc hội đang họp kiểu quá hình thức như để “hành nhau” liệu có nên?

Người Việt phải sống khỏe, phải làm giàu ngay trên đất quê hương! Đó chính là tự tôn dân tộc, là kinh tế tự chủ và đón nhận hội nhập chọn lọc để tăng tốc cho nền kinh tế quốc gia.

Thế nên, với cái đích để người Việt làm giàu ngay trên đất quê hương, thì phải nâng niu từng mét vuông đất, từng ki-lô-oát điện, phải quy hoạch tổng thể từng tỉnh, từng vùng trong một tầm nhìn trước mắt thế nào, xa dài ra sao. Đất đai trồng cây gì phải chỉ rõ ra. Sản phẩm làm ra từ cây con ấy phải tính xem sẽ xuất khẩu vào thị trường nào, thị trường ấy họ yêu cầu thế nào trong công nghiệp chế biến sâu. Còn cứ hô hào chung chung, thì cô bác nhà nông biết đâu mà lần. Ví như “tư lệnh” ngành Nông nghiệp vừa “tung ra” ý tưởng: Không lo gì xuất gạo đi mà sẽ dành gạo làm dược phẩm, thì là dược phẩm gì, quy trình quy chế để chiết xuất từ gạo làm ra những dược phẩm ấy thế nào lại như còn xa lắc xa lơ. Nên nhớ nghiên cứu chiết xuất để chế ra những dược phẩm trị bệnh là cả núi tiền tỷ “đô” nọ, tỷ “đô” kia, và phải là những nhà khoa học tên tuổi nghiên cứu sáng tạo bao năm, chứ đâu cứ nói hạt gạo có chất này chất kia mà thành ngay tân dược quý được(?). Tư duy cứ “tưng tửng” như “đếm cua trong lỗ” thế này ngay từ một chính khách, một tư lệnh ngành thì nguy quá!

Thời đổi mới hội nhập thêm hay: Mọi suy nghĩ tư duy phải cụ thể ra. Đất nước mở công nghiệp đến đâu, nông nghiệp sản phẩm gì là chủ lực, những loại trái quả nào có giá trị kinh tế để chỉ đạo cô bác nhà nông đi vào thực hiện. Còn tư duy từ chính Bộ NN&PTNT vẫn như rải mành mành kiểu “ô thuốc bắc” cả, nghĩa là cái gì cũng có, thì sao ngành nông nghiệp có thể “nhấn” vào đâu là “trọng tâm trọng điểm”?

Một đất nước với sông núi, biển trời hùng vĩ bao la, chính là thế mạnh của kinh tế du lịch cất cánh.

Mũi nhọn kinh tế du lịch phải làm mạnh để khai thác tiềm năng bắt rất trúng, Đảng đã chỉ ra rồi, nhưng vì sao các bộ ngành chưa “ban ra” được các chính sách, kế sách để đẩy mạnh du lịch lên. Mới hay còn tư duy mượn cớ làm du lịch để lấy đất cho các dự án mục tiêu khác, thì sao có được những khu du lịch tầm vóc? Hướng đi, cách làm, tư duy cũng phải khác đi. Làm gì cũng phải có nghề, học nghề, giỏi nghề. Phải làm ăn trung thực, chứ không thể theo kiểu chụp giật.

3 Các chính sách từ vĩ mô đã đến lúc phải hướng về đất nước cả trăm triệu dân để thiết kế chính sách, để mở mang các ngành công nghiệp phù hợp với sở trường người Việt, trong vẫy gọi đầu tư phải chọn lọc để thu hút về những nhà đầu tư khi nhận đất phải có trách nhiệm cam kết để đón người lao động vào làm ở chính các DN này với thu nhập tốt và tuân thủ tuyệt đối luật pháp Việt Nam!

Trong học hỏi các nước xin đừng xa vời, mà học ngay phong cách người Nhật, chí khí vươn lên làm giàu của người Nhật, học cách làm công nghệ hiện đại của người Nhật từ chính những sản phẩm của công nghệ Nhật mà người Việt đang dùng ắt sẽ “bật ra” những sáng tạo mang cốt cách, hồn cốt cho những sản phẩm công nghệ từ trí tuệ Việt Nam. Hãy nhìn nước Nhật đâu có tài nguyên, nhiều đất đai cánh đồng bao la thẳng cánh cò bay như ta, họ vẫn giàu lên từ nông nghiệp, và công nghiệp sáng chế. Hãy nhìn sang Hà Lan mặt đất thấp hơn mặt biển hàng mét họ vẫn có cách chế ngự phát triển rất mạnh. Nói học thế giới, học các nước, thì bản lĩnh chí khí của người Việt Nam ra sao?

Rõ ràng chúng ta không sợ tụt hậu, càng không sợ rơi vào bẫy trung bình thấp. Cái lo chính là sợ nhụt chí, sợ những tư duy lờ nhờ, nhợt nhạt, vô cảm. Không thể có chỗ cho những ai đó nói rất hay, rất giỏi nhưng sợ trách nhiệm nên không dám lăn xả rồi né, lảng như việc của ai. Trong thời điểm “nhạy cảm” khi nhiệm kỳ cũ sắp hết, nhiệm kỳ mới đã cận kề, ai đó còn đang nôn nóng lo chạy “các cửa” xem mình có còn trong quy hoạch nhiệm kỳ tới nữa không nên tâm thế trước việc chung càng lộ rõ sự lờ vờ, chờ đợi? Cần chỉ thẳng, nói thẳng ra như thế để “chẩn” đúng căn bệnh cơ hội, bệnh vô cảm trong một bộ phân không nhỏ quan chức đang nắm quyền hiện nay.

Lo cho dân, cho nước với tất cả tư duy và trách nhiệm mới xứng là “công bộc” của dân. Tư duy mới, cách nghĩ mới và hành động thật sự quyết liệt mới có tạo cơ hội cho người Việt Nam làm giàu hợp pháp ngay trên chính quê hương, như thông điệp “bắt” rất trúng lòng dân của người đứng đầu Chính phủ!

Đỗ Quang Đán

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load