Vừa về đến nhà sau một chuyến xe dài mệt nhoài, mẹ đã giục: “Chạy ra đồng nhanh đi con! Ba đang tát cái ao rau muống kìa. Nghe tụi nhỏ nói có cá lóc nhiều lắm!”. Không kịp uống nước, tôi chỉ vội thay cái quần cụt nhuốm phèn của ba, chạy liền một mạch ra sau nhà.
Đã thu hoạch lúa xong nên bà con nông dân nhàn nhã. Được rảnh rang, mọi người ra đồng tìm trũng, tìm mương, ao, hồ... để tát cá cho bữa cơm thêm đậm đà. Nếu giỏ đầy ắp những chú cá béo núc thì chiều hôm đó các chú, các bác gọi nhau í ới để đối ẩm. Nếu dư dả thì đem làm khô, làm mắm hoặc ủ mắm.
Nhìn thấy tôi về, ba mừng lắm, nở một nụ cười hồn hậu theo kiểu những ông già Nam bộ. Tôi định nhảy xuống tát nước phụ nhưng ba không cho: “Công tử Sài Gòn” ai làm việc nặng nhọc thế này! Cứ ngồi đấy đi, khi nào cạn ao, con hãy xuống bắt cá”. Ba nói như ra lệnh nên tôi không dám cãi. Với lại cái ao cũng gần cạn, nước đã sền sệt nên tôi xuống cũng chỉ vướng tay vướng chân.
Cá dưới ao bắt đầu quẫy đuôi nhảy loạn xạ. Khi ao đã thật cạn, ba kêu tôi nhảy xuống bắt cá. Cá thật nhiều, con nào con nấy rất to, dường như đã lâu rồi ba không tát cái ao này nên cá ở đây “sinh con đàn cháu đống”. Lúc nhỏ tôi cũng theo ba bắt cá và cũng chuyên nghiệp lắm, nhưng bây giờ cầm bút quen tay rồi, tự dưng bắt một con cá sao khó khăn quá. Nó cứ trượt khỏi tay tôi hoài, nhất là những con cá to. Ba chỉ tôi ấn chặt tay khi chạm vào mình cá, và nhớ là nắm đầu chứ đừng nắm đuôi. Sau một hồi loay hoay tôi cũng bắt được vài con. Trong giỏ đã có khoảng chục con cá lóc bằng bàn tay. Nhìn qua giỏ của ba, tôi “choáng” khi thấy cá nêm như gài mắm, đặc biệt là có chú cá lóc nặng khoảng 1kg.
Sau một hồi bắt gần hết cá dưới ao, ba và tôi ra về, để lại cho lũ trẻ bắt hôi. Ba cười nói: “Dạo này “đô” mày ra sao? Tối nay hai cha con mình lai rai nghen! Trên đường về nhà, sẵn tiện tôi nhảy ùm xuống đìa hái một mớ bông súng để nấu canh chua.
Tôi lặt mớ bông súng vừa hái, đi lòng vòng quanh nhà tìm mớ rau quế, rau thơm để nêm canh. Ba tôi thì “xử lý” con cá lóc 1kg. Ba vác một bó rơm chất đống sau nhà. Khi chú cá lóc đã “nhắm mắt xuôi tay” bởi chiếc chày đâm tiêu bằng gỗ, ba dùng một thanh tre tươi đã vót sẵn thọc từ đầu cá cho đến đuôi cá. Sau đó ba đổ một ít nước vào miệng cá cho chảy xuống ruột. Dưới tác động của nhiệt nước trong bụng cá, nó sẽ sôi lên làm cho thịt cá được chín hoàn toàn vì con cá này có trọng lượng khá nặng nên khó chín. Cá lóc nướng trui bằng rơm thơm ngon nhất không gì bằng. Phần thanh tre xiên cá dư ra, ba ghim xuống đất cho thật chặt. Sau đó ông lấy rơm phủ kín chú cá lóc và bắt đầu mồi lửa nướng. Khi rơm đã gần tàn, ông bỏ thêm rơm vào và chờ cho đến lúc nghe mùi thơm xông lên mũi, vảy cá cháy đen thì cá đã chín. Khi cá chín hẳn, ba dùng chiếc muỗng cạo lớp vảy đen cháy khét bên ngoài cho sạch và đặt lên chiếc đĩa hột xoài to. Ba kêu tôi dọn những thứ cần dùng lên bàn, đi hái rau, rồi sang nhà chú Hai kế bên mua một lít rượu, còn ba thì đi tắm.
Bữa cơm thật ngon miệng với canh chua bông súng, cá rô kho tộ, lòng tong chiên bột... đặc biệt là món cá lóc nướng trui. Cá lóc nướng trui của ba làm thật ngon. Mẹ tôi không nhậu nhưng cũng tham gia “phá mồi”, cuốn bánh tráng với cá lóc và rau sống liên tục. Mẹ nói: “Cá lóc nướng trui ngon, nhưng nếu không có chén nước mắm do mẹ pha chế thì cũng thành dở thôi!”. Mẹ ăn chốc lát rồi rời bàn, trong khi cha con chúng tôi ngồi uống rượu, tâm sự đến tận khuya. Hơi men cứ bay theo gió, lẫn vào bóng đêm nên uống mãi, uống mãi mà lại thấy càng tỉnh ra.
Trung Thành
Theo baoxaydung.com.vn