Thứ sáu 29/03/2024 16:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến giá trị bất động sản tại các thành phố lớn trên thế giới

22:01 | 25/06/2021

(Xây dựng) – Tác động vật lý của biến đổi khí hậu lên các thành phố đang ngày càng gia tăng và ngày càng trở nên quan trọng đối với các nhà đầu tư bất động sản.

thoi tiet khac nghiet anh huong den gia tri bat dong san tai cac thanh pho lon tren the gioi
Bão Sandy phá hủy hệ thống giao thông tàu điện ngầm nước Mỹ (Ảnh: WordPress.com).

Trong những năm gần đây, những rủi ro thực tế, rõ ràng đã trở thành tác động lớn nhất của việc biến đổi khí hậu khi ngày càng có nhiều sự kiện thời tiết khắc nghiệt và khó lường xuất hiện trên các trang báo, quy mô ảnh hưởng ở các quốc gia và các thành phố lớn đang ngày một leo thang.

Các thành phố gặp rủi ro do thời tiết khắc nghiệt

Có 3 loại thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu như: ảnh hưởng từ khí hậu, nhiệt độ tăng cao dẫn đến hạn hán và cháy rừng. Thủy văn, gây lũ lụt, tuyết lở và sạt lở đất. Các sự kiện khí tượng, dẫn đến bão. Trong khi các thành phố khác trải qua những thảm họa thiên nhiên như núi lửa và động đất, nhưng những điều này đều không liên quan trực tiếp đến việc biến đổi khí hậu.

Theo dữ liệu từ Công ty bảo hiểm Munich Re cho thấy tần suất và cường độ của những hiện tượng thời tiết này đang ngày một tăng lên. Năm 1980, theo thang đánh giá của Munich Re, tổng số sự kiện khí tượng thủy văn, và khí hậu đo được là 222. Đến năm 2000, tăng lên 474 và đến năm 2019, được ghi nhận là 760. Trong đó, chỉ tính riêng các sự kiện thủy văn cũng đã đạt mức 360. Điều đó đồng nghĩa là thành phố trên toàn cầu đang gặp rủi ro, đặc biệt là các thành phố ven biển khi phải đối mặt với mực nước biển dâng cao, lũ lụt và những cơn bão đi kèm.

Với các rủi ro được xem là vấn đề liên quan đến sự tồn tại của nhiều thành phố, họ nhận ra sự cần thiết phải đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng các chính sách giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các chính sách này cũng chiếm được nhiều sự ưu tiên hơn trong việc ra quyết định của các nhà đầu tư bất động sản, giảm thiểu rủi ro cho vật chất. Phân tích rủi ro khí hậu tăng mạnh hiện đã trở thành một phần trong quá trình thẩm định và ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư.

Ông Abigail Dean - Trưởng phòng Chiến lược toàn cầu cho Bất động sản Nuveen, cho biết: Đối với những rủi ro tự nhiên, những điều chúng tôi đang cố gắng làm là có thể xác định rõ rủi ro tự nhiên đó có thể ảnh hưởng như thế nào đến tính thanh khoản, tăng trưởng cho thuê, khả năng bảo hiểm và chi phí bảo hiểm. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt liên quan đến khí hậu thường dẫn đến chi phí bảo trì và chi phí bảo hiểm, chi phí vận hành tăng. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của các thành phố đối với nhà đầu tư.

thoi tiet khac nghiet anh huong den gia tri bat dong san tai cac thanh pho lon tren the gioi
Một trận động đất ở Rikuzentakata, Iwate, Nhật Bản (Ảnh: AFP).

Phân tích các chi tiết từ chỉ số rủi ro của thành phố Lloyd, rủi ro cao nhất được tính dựa trên thiệt hại tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến từ 22 mối đe dọa, bao gồm một số lĩnh vực liên quan đến khí hậu. Kết quả cho thấy nhiều thành phố đang thực sự đối mặt với rủi ro.

Tokyo xuất hiện trong top 10, với GDP lớn góp phần đáng kể trong bảng xếp hạng GDP toàn cầu, tuy nhiên thành phố lại dường như dễ xảy ra các thảm họa liên quan đến thời tiết, khi hứng chịu cả 4 thiên tai như: hạn hán, nắng nóng kéo dài, mưa lũ và bão. Ngoài ra còn có các mối đe dọa không liên quan đến thời tiết như động đất dữ dội và những đợt phun trào của núi Phú Sĩ, đây là những vấn đề nghiêm trọng.

Nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu mở rộng thẩm định khả năng phục hồi của các thành phố và tiên phong trong cách thích ứng biến đổi khí hậu. Đối với nhà đầu tư bất động sản, việc xem xét rủi ro khí hậu sẽ tiếp tục thay đổi quá trình ra quyết định đầu tư đối với các khoản đầu tư mới vì họ cần hiểu chi phí tương lai – tác động của chúng tới lợi nhuận – và đảm bảo tài sản cá nhân có khả năng chống chịu với thời tiết khắc nhiệt, ông Dean chia sẻ.

thoi tiet khac nghiet anh huong den gia tri bat dong san tai cac thanh pho lon tren the gioi
Hạn mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: Internet).

Tại Việt Nam với 28 thành phố ven biển thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn. Với 8 cơn bão trong vòng 5 tuần trong năm ngoái, chi phí của các thảm họa do khí hậu gây ra đã tăng nhanh chóng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cuộc sống, tài sản và sinh kế của con người, cũng như các hệ thống sinh thái có giá trị. Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trong top 10 thành phố hàng đầu thế giới có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Đến năm 2050, hàng triệu công dân tại thành phố này sẽ phải đối mặt với nguy cơ gia tăng từ các hiện tượng khí hậu thường xuyên và khắc nghiệt như lũ lụt, hạn hán và bão nhiệt đới.

Ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho biết biến đổi khí hậu và phát triển đô thị có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi dân số của thành phố tăng lên, họ phải đối mặt với những thách thức bao gồm: Cơ sở hạ tầng, nhà ở, quản trị, di chuyển đô thị, và đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu. Xu hướng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và biến đổi đang tạo thêm áp lực cho phát triển đô thị. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển đô thị phải bền vững và thích ứng với khí hậu để cung cấp một môi trường an toàn và lành mạnh cho sự phát triển kinh tế của thành phố và nâng cao khả năng sống của người dân.

Nhiều giải pháp sáng tạo để giảm thiểu rủi ro do thay đổi khí hậu

Để phát triển đô thị bền vững và có thể thích nghi được các tác động của thời tiết, môi trường đã và đang là một yếu tố quan trọng cần được tính đến. Một số quốc gia trên thế giới đã có những chiến lược giải quyết các thách thức biến đổi khí hậu hiệu quả, cụ thể như: Trong chiến lược về khả năng chống chịu năm 2017, thủ đô của Pháp đã đề ra kế hoạch biến 761 trường học của thành phố thành những ốc đảo xanh để tạo nhiệt độ mát mẻ hơn.

thoi tiet khac nghiet anh huong den gia tri bat dong san tai cac thanh pho lon tren the gioi
Kênh Eendragtspolder ở Rotterdam (Ảnh: Internet).

Đến năm 2040, tất cả trường học của Pháp sẽ được tân trang lại với mái nhà rợp cây xanh, thiết bị hứng nước mưa, đài phun nước làm mát và trồng nhiều cây xanh. Những nơi mát mẻ này cũng có lợi cho việc thúc đẩy sự phát triển của thành phố, nơi mà không gian xanh đang ở mức thấp; hiện khoảng 10% so với khoảng 33% ở London.

Hà Lan là quốc gia nằm ở độ cao thấp hơn mức nước biển và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lụt lội chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Tại thành phố Rotterdam, người Hà Lan đã biến đây thành một thành phố đồng bằng kiên cố nhờ học cách sống chung với nước biển. Ngày nay, các kênh đào này bảo vệ dân cư của thành phố khỏi lũ lụt mà không có trở ngại nào đối với giao thông đường biển.

thoi tiet khac nghiet anh huong den gia tri bat dong san tai cac thanh pho lon tren the gioi
Phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Đối với các thành phố ở Hoa Kỳ như Los Angeles, theo nguồn nghiên cứu từ Savills, Lloyd's và Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro Cambridge (2018), Real Capital Analytics thì Los Angeles có nguy cơ hạn hán được xếp hạng cao nhất trên bảng xếp hạng, đã và đang đối mặt với tình trạng trận chiến thiếu nước kéo dài hàng thập kỷ nay. Điều này dẫn đến các sáng kiến như Quận Cam của California Water District phân phối nước thải đã qua xử lý làm nước uống từ giữa những năm 1970.

Tại Phoenix, an toàn nguồn nước được ưu tiên hàng đầu trong các chủ đề nghị sự, vì hạn hán có thể khiến một phần bang mất nguồn cung cấp nước từ sông Colorado trong vài năm tới. Kế hoạch của thành phố là tách việc sử dụng nước với tăng trưởng kinh tế bằng cách đặt ra các mục tiêu dài hạn, tìm kiếm các cơ hội trong quản lý nước thải và tìm kiếm các giải pháp dựa trên tự nhiên.

Như vậy, có thể thấy các quốc gia trên thế giới đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực tiến hành các biện pháp nhằm giảm thiểu sự mất mát kinh tế do biến đổi khí hậu. Trong đó, thông qua quy hoạch và quản lý đô thị tốt sẽ góp phần cho việc sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả và bền vững.

Khôi Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load