Thứ tư 22/01/2025 18:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Thời hạn trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở năm 2014 về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức

14:42 | 27/05/2019

(Xây dựng) - Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 33, trong đó tại điểm c mục 9:“giao Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2019”.

Theo Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 06/6/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 ban chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ thì Ban cán sự đảng Chính phủ có nhiệm vụ chỉ đạo, rà soát và đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có Luật Nhà ở) hoàn thành trong năm 2019; Ban Tổ chức Trung ương có nhiệm vụ chủ trì xây dựng Đề án về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức. Để thực hiện Nghị quyết nêu trên, tại văn bản số 6099/VPCP-PL ngày 28/6/2018 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Xây dựng chủ trì, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở.


 Việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức tuân thủ đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, có sự thống nhất cao về nhận thức trong cả hệ thống chính trị, được xã hội đồng tình ủng hộ.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 16/8/2018, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2033/BXD-QLN gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị tổng kết tình hình triển khai Luật Nhà ở năm 2014 về chế độ, chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời Bộ Xây dựng đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng nội dung và chuẩn bị hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở năm 2014 về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, về thời hạn trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở năm 2014 về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Xây dựng xin có ý kiến  cụ thể như sau:

Qua tổng hợp báo cáo tổng kết Luật Nhà ở năm 2014 về chế độ, chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan gửi về Bộ Xây dựng và qua rà soát, phân tích, đánh giá của Bộ Xây dựng về pháp luật nhà ở hiện hành cho thấy: Luật Nhà ở năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015; trên cơ sở các quy định của Luật Nhà ở, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về Phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã có nhiều quy định về cơ chế chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội (miễn tiền đất, giảm các loại thuế, hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án, cho vay tín dụng ưu đãi lãi suất thấp để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà ở hiện có và đã có quy định trong quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, các dự án phát triển đô thị, dự án nhà ở thương mại phải dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội,…) nhằm hỗ trợ cho 10 nhóm đối tượng chính sách xã hội cải thiện nhà ở, trong đó đã có các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và các quy định, chính sách này đang được triển khai thực hiện, đến nay mới được gần 4 năm.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức cần phải quán triệt chủ trương, thể hiện rõ nội dung, quan điểm chỉ đạo của Đảng để có sự thống nhất về nhận thức của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của xã hội, tránh tình trạng cho rằng Nhà nước có sự phân biệt, ưu đãi hơn về nhà ở cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong khi Đề án về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị (do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì) đến nay chưa được Bộ Chính trị thông qua.

Mặt khác, chính sách nhà ở, đất ở đối với cán bộ, công chức, viên chức không chỉ liên quan đến Luật Nhà ở mà còn liên quan tới các quy định của Luật Đất đai, cần phải được sửa đổi đồng bộ, thống nhất, trong khi dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai đã được Thủ tướng Chính phủ nhất trí với đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép lùi thời hạn đến sau năm 2020. Bên cạnh đó, việc xây dựng chính sách nhà ở, đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức cũng có liên quan đến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tổ chức, cán bộ (Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức), trong khi các Luật này cũng chưa được sửa đổi, bổ sung. 

Với những nội dung trình bày nêu trên, ngày 24/10/2018 Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2655/BXD-PC báo cáo Thủ tướng Chính phủ và ngày 30/10/2018 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 10531/VPCP-PL thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là: (1) Đồng ý với kiến nghị của Bộ Xây dựng về việc lùi thời hạn trình đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở tại công văn nêu trên để sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở một cách tổng thể; (2) Giao Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương trong quá trình hoàn thiện Đề án nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị để trình Bộ Chính trị. Khẩn trương lập đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở trình Chính phủ sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án nêu trên. (3) Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp gửi báo cáo về dự kiến tiến độ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở đến Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Từ những lý do trên, để việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức tuân thủ đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, có sự thống nhất cao về nhận thức trong cả hệ thống chính trị, được xã hội đồng tình ủng hộ, tránh tình trạng cho rằng có sự phân biệt về cơ chế, chính sách nhà ở và để thống nhất, đồng bộ với các pháp luật có liên quan (Luật Đất đai; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức sửa đổi), Bộ Xây dựng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời gian trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở đến thời điểm sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án nêu trên theo đúng ý kiến đã chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 10531/VPCP-PL ngày 30/10/2018 của Văn phòng Chính phủ.

Tuyết Hạnh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Các khoản chi cho hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất

    (Xây dựng) - Ông Nguyễn Văn Sang (Kon Tum) công tác tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, là đơn vị sự nghiệp tự chủ 100% kinh phí hoạt động. Đơn vị ông được UBND huyện giao quản lý và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn kinh phí thực hiện được lấy từ nguồn thu bán hồ sơ cho người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất và nguồn kinh phí do Nhà nước cấp.

  • Đất nông nghiệp đã xây nhà ở nhiều năm có được cấp sổ đỏ?

    (Xây dựng) - Một thửa đất nông nghiệp không có giấy tờ, đã xây nhà ở từ năm 1995 và sử dụng ổn định đến nay, được thể hiện trên bản đồ địa chính đo năm 2003 với mục đích sử dụng là đất ở (ký hiệu T), phù hợp với quy hoạch đất ở. Thửa đất có được cấp sổ đỏ không?

  • Quảng Nam: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm về đất đai

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực đất đai định kỳ hàng năm và kiểm tra đột xuất. Qua đó phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai đối với các hành vi không đăng ký đất đai; lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất; sử dụng đất không đúng mục đích…

  • Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội

    (Xây dựng) – Theo báo cáo của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2024 trên địa bàn Thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng 5/15 dự án nhà ở xã hội, với quy mô 2.377/12.000 căn và 1 dự án nhà lưu trú công nhân hoàn thành 1 phần, với quy mô 368 căn.

  • Thành phố Hồ Chí Minh: Đã giải quyết khó khăn để cấp sổ hồng cho 27.500 căn hộ

    (Xây dựng) - Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ Công tác giải quyết các nội dung liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) đã tổ chức 12 cuộc họp về 66 dự án. Kết quả, đã tháo gỡ 41/66 dự án khó khăn, vướng mắc với số lượng căn hộ là 27.575 và 655 ô đậu xe ôtô, 1 tài sản gắn liền với đất, 15 sàn xây dựng công trình thương mại dịch vụ.

  • Vĩnh Phúc: Bảng giá đất năm 2025 chính thức có hiệu lực từ ngày 20/01

    (Xây dựng) – Từ ngày 20/01/2025, bảng giá đất mới được áp dụng năm 2025 do UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành chính thức hiệu lực. Theo nhận định, giá đất mới sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load