Trả lời câu hỏi vì sao chậm sửa đổi biểu giá bán lẻ điện, nhất là trong bối cảnh mùa nắng nóng đang đến, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cho biết vẫn đang xem xét và nghiên cứu.
Nắng nóng gay gắt diện rộng kéo dài đã làm tiêu thụ điện tăng lên liên tục ở mức độ rất cao. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN. |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, giá bán lẻ điện được xây dựng phản ánh các yếu tố đầu vào, các chi phí cho toàn bộ chuỗi dây chuyền sản xuất cung ứng điện từ khâu truyền tải, phân phối, từ bán lẻ điện đến các khách hàng sử dụng điện.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, song song với việc xây dựng Tổng sơ đồ Điện VIII, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai xây dựng các khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2021 - 2026. Về nguyên tắc, khung giá bán lẻ điện này sẽ bám sát vào các khối lượng đầu tư trong khâu phát điện, khâu truyền tải cũng như phân phối.
Về việc cải cách cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong năm 2020, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện. Đề án này cũng đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các bộ ngành, địa phương và cũng đã xin ý kiến rộng rãi của các khách hàng sử dụng điện.
Trên cơ sở đánh giá, góp ý, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Quyết định 28 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét vàThủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp các bộ tiếp tục nghiên cứu, xem xét ở thời điểm phù hợp vào năm 2021 nên hiện nay bộ vẫn đang xem xét và nghiên cứu.
“Sau khi hoàn thiện phương án này, Bộ Công Thương cũng sẽ một lần nữa lấy ý kiến rộng rãi của bộ, ngành và đơn vị trước khi hoàn thành để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định”, ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin.
Với câu hỏi giá thành sản xuất kinh doanh điện tăng 7%, Bộ Công Thương có phương án tăng giá trong năm nay hay không, ông Tuấn chỉ khẳng định thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kiên trì thực hiện điều hành giá điện theo Quyết định 24, cũng như định hướng điều hành giá điện theo cơ chế thị trường định hướng tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cách tính giá điện theo biểu giá điện bậc thang như hiện nay là chưa hợp lý, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân phải trả số tiền nhiều hơn so với tốc độ tăng của số điện tiêu thụ.
Tháng 8/2020, Bộ Công Thương đã chính thức đưa ra dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014. Tại Dự thảo này, Bộ Công Thương đề xuất giá bán lẻ điện một giá bên cạnh phương án tính giá 5 bậc thang để thuận tiện cho khách hàng điện sinh hoạt tự chọn lựa.
Sau khi Bộ Công Thương đưa ra các phương án lấy ý kiến rộng rãi dư luận, Bộ nhận được nhiều ý kiến. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào các phương án 2A, 2B (có lựa chọn điện một giá) đem lại khách hàng nhiều sự lựa chọn, nhưng có điểm hạn chế khi không khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, trong khi đây là chủ trương lớn của Chính phủ. Vì vậy, Cục Điều tiết điện lực kiến nghị cho rút các phương án giá điện một giá tiếp tục giảm số bậc thang từ 6 bậc xuống còn 5 bậc và điều chỉnh phù hợp với nhu cầu sử dụng điện của nhân dân.
Theo Thu Trang/Báo Tin tức
Link gốc: https://baotintuc.vn/kinh-te/thoi-diem-nao-se-ap-dung-bieu-gia-ban-le-dien-moi-20210312182707476.htm