Tham gia đấu giá chỉ có “độc” một thầy giáo già về hưu nên chẳng cần đấu giá, chỉ cần chồng đủ 3,155 tỷ đồng để mua căn nhà của Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Thăng Long phát mại. Còn khổ chủ - họa sỹ Ngô Thị Tuyết thì mất nhà chỉ vì trót vay của ngân hàng 2,6 tỷ đồng, trong khi căn nhà có giá trị thực là 4,8 tỷ đồng. Số tiền thất thoát vào túi ai? Việc người nhà của cán bộ ngân hàng có được mua tài sản phát mại? Tại sao phiên đấu giá chỉ độc 1 người? Trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Dương - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng này đến đâu?
Trao đổi với phóng viên, bà Ngô Thị Tuyết (SN 1965), trú tại tổ 20, P.Trần Phú, Q.Hoàng Mai cho biết: Vào tháng 7/2007, do có nhu cầu làm ăn, gia đình bà đã vay vốn của Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Thăng Long số tiền là 2,6 tỷ đồng. Căn nhà bà thế chấp được Ngân hàng định giá là 4,8 tỷ đồng. Thời hạn vay là 40 tháng, trả lãi hàng tháng. Tuy nhiên, chưa được 22 tháng, căn nhà đã bị phát mại với giá 3,155 tỷ đồng khiến gia đình hết sức chán nản. Cũng theo bà Tuyết, vì có dấu hiệu nghi ngờ có sự thông đồng giữa lãnh đạo ngân hàng với nhau nên tài sản của bà trị giá 4,8 tỷ đồng bị “xâu xé” xuống còn 3,155 tỷ đồng. Để chống tham nhũng và gian lận trong ngành ngân hàng, bà Châu đã làm đơn tố cáo gửi khá nhiều nơi, nhiều cơ quan chức năng để làm rõ sự việc.
Qua điều tra, chúng tôi được biết, ngày 27/7/2007, gia đình bà Ngô Thị Tuyết và Ngô Thành Đoàn có ký 1 hợp đồng tín dụng số 721/HĐTD với Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Thăng Long, có địa chỉ tại số 4, Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội). Mọi điều khoản, trình tự vay vốn đều được hai bên cam kết, thỏa thuận. Nếu có tranh chấp gì thì có quyền “lôi nhau” ra Tòa án nơi Bên A (bên cho vay) đóng trụ sở để giải quyết. Như vậy, việc gia đình bà Tuyết vay nợ tiền ngân hàng chưa trả được thì phía ngân hàng có thể kêu lên tòa án để tòa án đưa ra phán xét về việc xử lý căn nhà là tài sản thế chấp. Đằng này, thay vì làm đúng pháp luật, Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Thăng Long lại chuyển hồ sơ sang Cty Đấu giá, phát mại tài sản luôn của gia đình bà Tuyết với mức rẻ mạt khiến cho dư luận nghi ngờ về vụ bán tài sản này. Đặc biệt là việc định giá tài sản phát mại đã khiến người ta đặt câu hỏi: Vậy số tiền chênh lệch 1,6 tỷ đồng của bà Tuyết đi đâu, câu trả lời này xin dành cho ông Nguyễn Văn Dương - Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Thăng Long trả lời cho độc giả biết. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin các diễn biến của vụ việc.
Luật sư Nguyễn Hoàng Yến - Cty Luật Song Thanh: Bán đấu giá là hình thức bán tài sản công khai theo phương thức trả giá lên, có từ hai người trở lên tham gia đấu giá tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc chỉ có 1 người tham gia đấu giá là không phù hợp với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người làm việc trong tổ chức bán đấu giá, thực hiện bán đấu giá cũng không được quyền tham gia đấu giá. Luật sư Ngụy Thành Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội): Việc mua bán đấu giá tài sản mà chưa qua sự phân xử, giám sát của pháp luật là chưa đúng với Luật Dân sự. Phải có sự thống nhất giữa người nợ và chủ nợ để cùng bán khối tài sản đó, một phần trả lại ngân hàng, một phần (nếu còn) trả lại cho “con nợ” vì khi cầm cố tài sản, “con nợ” chỉ được cầm chưa đầy 60% giá trị tài sản. Đằng này, ngân hàng chỉ có bán đúng bằng số tiền cả gốc lẫn lãi là 3,155 tỷ đồng. Trong khi thẩm định giá, số tài sản của bà Tuyết là 4,8 tỷ đồng. |
Đà Giang - Nam Long
Theo baoxaydung.com.vn