Chủ nhật 19/01/2025 19:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Thoái vốn sẽ gặp nhiều trở ngại?

23:48 | 06/08/2012

Theo chỉ đạo của Chính phủ trong tháng 8/2012 này, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải trình Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) mình, trong đó có vấn đề thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành và đến 2015, các tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn xong.

Như vậy, lộ trình chỉ còn 3 năm rưỡi nữa là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn khỏi lĩnh vực đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp băn khoăn thời điểm này kinh tế đang khó khăn, thoái vốn sẽ gặp nhiều trở ngại, khó thực hiện nhưng ông Đặng Quyết Tiến,Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định: Thoái vốn như thế nào, lúc nào cho hiệu quả, bảo toàn vốn của Nhà nước, thì trong đề án tái cơ cấu, tập đoàn, tổng công ty phải xây dựng lộ trình, kế hoạch, tiến độ và giải pháp đề xuất. Tiến trình thoái vốn DNNN đã đầu tư vào ngành tay trái vẫn phải hoàn thành trước năm 2015. Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và xây dựng cơ chế thoái vốn trình Chính phủ, trong đó sẽ có hướng dẫn, tạo khung pháp lý để các tập đoàn và tổng công ty có cơ sở thực hiện.

Ông Tiến lưu ý: trong đề án tái cơ cấu, tập đoàn, tổng công ty phải làm rõ 4 nội dung: Một là chiến lược phát triển ngành nghề, trong đó xác định rõ lĩnh vực kinh doanh chính, lĩnh vực kinh doanh phụ trợ và ngành nghề không phải kinh doanh chính; hai là sắp xếp lao động, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, phát triển nguồn nhân lực để quản lý được, có năng suất lao động cao; ba là quá trình quản trị doanh nghiệp (gồm cả quản trị sản xuất và quản trị rủi ro) phù hợp với thông lệ quốc tế; bốn là vấn đề tài chính, trong đó xác định rõ khoản nợ xấu thực sự đã mất, không có khả năng thu hồi, đồng thời đưa ra  phương án điều chỉnh các dự án đầu tư, để điều chỉnh vốn vay trên vốn chủ sở hữu về mức đảm bảo an toàn.

Mặc dù có nhiều cách thoái vốn khác nhau như xử lý thông qua cổ phần hóa; chuyển giao vốn cho Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước; chuyển đổi sở hữu cho DN có ngành nghề kinh doanh chính hoặc mua bán nợ...nhưng lựa chọn phương thức thoái vốn nào cho hiệu quả đối với từng tập đoàn, tổng công ty thì cần phân tích từng trường hợp cụ thể. Ông Tiến lấy ví dụ: Nếu trước kia, một DN bỏ ra 10 đồng mà nay bán chỉ thu được có 8 đồng thì chắc chắn là lỗ. Do vậy, có thể chuyển số vốn đầu tư ngoài ngành để góp vào một doanh nghiệp khác hoạt động chuyên về ngành đó thì nhìn tổng thể chung vốn vẫn được bảo toàn.

Một câu hỏi đặt ra là với những DN đầu tư ngoài ngành nhưng vẫn có lãi, DN không muốn thoái vốn thì giải quyết thế nào? Phó Cục trưởng cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ là các DNNN phải thoái vốn xong trước năm 2015 và không có ngoại lệ. Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tập đoàn, tổng công ty đầu tư kinh doanh trên từng lĩnh vực. Nên nhất quyết không thể có chuyện ngành nghề kinh doanh chính DN chưa làm tốt mà lại đi đầu tư vào những lĩnh vực tay trái có nhiều rủi ro. Nhất là lúc này cần đầu tư vào ngành đã giao thì DN lại than là thiếu vốn là không được. Do vậy, Chính phủ kiên quyết yêu cầu tập đoàn tổng công ty không thể chần trừ mà phải tìm cách thoái vốn để đảm bảo hiệu quả nhất. Doanh nghiệp nhà nước chỉ làm những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không làm được, không dám làm, khó hoặc chưa đủ sức để làm còn những lĩnh vực các thành phần kinh tế khác làm được để cho thành phần kinh tế khác làm, nếu không vô hình trung doanh nghiệp nhà nước lại kìm hãm các thành phần kinh tế khác.

“Việc xử lý nợ ở doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán cần phải làm triệt để. Có nhiều cách thực hiện nhưng giải thể - phá sản là giải pháp cuối cùng và coi như “xóa sổ” doanh nghiệp. Khi xóa sổ, nhiều vấn đề xảy ra, tồn tại tài chính, tài sản, các khoản nợ. Trong đó, quan trọng nhất là người lao động. Nhà nước vẫn phải đứng ra hỗ trợ bằng cách này cách khác để đảm bảo quyền lợi cho người lao động” – ông Tiến nhấn mạnh.

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đến nay, đã có 7 tập đoàn, tổng công ty trình Chính phủ đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp, gần 40 DN đang xin ý kiến đóng góp cho dự thảo, 15 DN đang xây dựng đề án.

Huyền Vũ

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load