Bản tin Kinh tế Đài Truyền hình Việt Nam dự báo con số không mấy sáng sủa rằng năm 2014, sẽ có khoảng 14.000 lao động thiếu việc làm, có nguy cơ thất nghiệp. Liên tưởng với con số đó, tôi nghĩ đến nỗ lực của lãnh đạo TCty COMA trong việc tìm kiếm việc làm và sự may mắn của hàng trăm kỹ sư, công nhân cơ khí lành nghề khi họ chấp nhận “xuất khẩu” sang đất bạn Lào để làm việc, có thu nhập ổn định duy trì cuộc sống đến hết năm 2014. Mùa Xuân đầu tiên đến với họ trong sự náo nức, hy vọng của người được về Tết, sự ngậm ngùi, mong nhớ quê nhà của người sẽ ở lại và cả những quyết tâm về đích đúng hẹn.
Chủ tịch HĐQT Lê Văn Khương kiểm tra tiến độ tại công trường Hồng Sa ngày cuối năm.
1. Gặp lại Giang, cậu lái xe của COMA 3 năm về trước ở công trình thủy điện Sông Tranh 2, nay lại rong ruổi trên đất bạn Lào cùng những cán bộ, kỹ sư và công nhân COMA thi công Nhà máy Nhiệt điện Hồng Sa. Giang vẫn trẻ trung với nụ cười dễ mến, thêm nét rắn rỏi của nắng gió công trường, vồn vã: “Hồng Sa đẹp lắm! Ở đây rồi chị cũng như chúng em, sẽ thấy thoải mái như trên quê hương mình vậy!”.
Giang chỉ là một trong số gần 200 lao động của COMA xuất ngoại tham gia thi công công trình Nhà máy Nhiệt điện Hồng Sa do Thái Lan và Lào hợp tác đầu tư, nhà thầu SANDVIK Mining & Construction (Áo) làm tổng thầu thi công. TCty COMA được chọn là nhà thầu phụ triển khai lắp đặt hệ thống cung cấp than và chuyển thải vật liệu cho nhà máy, tổng giá trị hợp đồng khoảng 300 tỷ đồng. Thời gian thi công từ tháng 9/2013 đến hết năm 2014.
Trở lại lời mời chào hấp dẫn của Giang, chỉ sau 2 ngày ở lại hòa mình với cuộc sống của người lao động trên công trường, ăn cùng mâm, ngủ cùng lán và mỏi chồn gối vì theo chân họ trên công trường thi công rộng mênh mông…, tôi mới thấy Giang có lý. Còn khi mới đặt chân lên Hồng Sa sau 2 ngày hành xác trên chiếc ôtô 12 chỗ, tôi như người bị rút hết sức vì say xe, vì mỏi rã rời với chặng đường gập ghềnh, ngoắt nghoéo những dốc với đèo.
2. Chả riêng tôi, thế hệ phóng viên ngành Xây dựng trên 15 năm rong ruổi khắp mọi công trình, mà ngay cả anh Phạm Ngọc Hinh - Trưởng phòng ATLĐ - Vụ Quản lý hoạt động Xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng tấm tắc: “Cả đời tôi chưa thấy công trình nào mà người lao động được bố trí nơi ăn chốn ở hiện đại, đẹp đẽ như công trình này”.
Nhà thầu chính thu xếp cho COMA khu site camp (khu lán trại) dựng bằng các container sức chứa khoảng 500 người. Ở khu vực dành cho cán bộ điều hành và Ban quản lý, mỗi container chia làm 2 ngăn, dành cho 2 người, có chung 1 khu vệ sinh, được trang bị đầy đủ bồn tắm đứng, bình nóng lạnh, máy điều hòa 2 chiều, giường, tủ xinh xinh như một khoang tàu. Khu nhà công nhân được bố trí container lớn hơn với hệ thống giường tầng, 6 người/khoang, mỗi dãy có 1 khu vệ sinh rộng rãi và hiện đại. Quần áo của cán bộ và nhân viên Ban điều hành được giặt sấy bằng hệ thống máy đồng bộ, hiện đại. Dương Ngọc Tường, lao động thuộc tổ điện nước (Cty COMAEL) có nhiệm vụ vận hành toàn bộ hệ thống phát điện và trạm xử lý cấp thoát nước trong khu lán trại chia sẻ: “Lúc mới sang vận hành hệ thống hiện đại này chúng em cũng khá bỡ ngỡ! Nhưng giờ thì thành thạo rồi! Bọn em luôn nhắc nhau tôn trọng kỷ luật lao động, giữ gìn bảo quản tài sản vì ai cũng xác định đây là danh dự, văn hóa của lao động Việt Nam”. Chỉ riêng quân số phục vụ điện nước cũng cần tới 23 người thay phiên nhau trực ngày đêm vận hành trạm nước sạch và xử lý nước thải.
Khu lán trại cách công trường thi công khoảng 8km nhưng theo cam kết đã ký COMA bố trí xe ôtô đưa đón CBCNV chứ không sử dụng bất kỳ phương tiện giao thông nào khác. Toàn bộ lương thực, thực phẩm được TCty COMA vận chuyển xe đông lạnh từ Việt Nam sang và bảo quản trong kho cấp đông hiện đại nhất, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt, vừa giảm chi phí bởi giá cả sinh hoạt bên nước bạn cao hơn đáng kể so với mặt bằng thị trường Việt Nam. Khâu bếp núc được quản lý bởi đội đầu bếp chuyên nghiệp có kinh nghiệm và nghiệp vụ phục vụ dịch vụ ăn uống tại Việt Nam.
3. Công trường nằm giữa vùng đồi núi rộng mênh mông, xa địa bàn dân cư nhưng ngoài giờ làm việc, công nhân được giải trí bằng xem ti vi truyền hình cáp, chơi bóng đá, bóng chuyền… Hôm chúng tôi ở Hồng Sa, thị trấn nhỏ bình yên vùng biên giới Thái - Lào, đúng vào ngày nghỉ cuối tuần nên rảnh, Giang đưa chúng tôi ra thị trấn chơi. Đi đến đâu cũng chạm trán cánh công nhân trẻ của COMA, nét mặt ai cũng hào hứng và tươi vui. Hỏi ra mới biết cứ vào ngày chủ nhật hàng tuần Ban điều hành sẽ bố trí xe thay nhau đưa anh em ra thị trấn mua nhu yếu phẩm.
Lao động trẻ COMA trên đất Hồng Sa.
Công trình Nhiệt điện Hồng Sa quy mô lớn, có sự tham gia của lao động một số quốc gia: Thái Lan, Trung Quốc, Lào… Ở đó, tôi thấy những hình ảnh đối lập thật sinh động: Phụ nữ Thái Lan mạnh mẽ lái những chiếc xe tải lớn ra vào tấp nập tại công trường; những người đàn bà Lào nhẫn nại trong tấm áo bảo hộ và những chiếc khăn trùm kín làm công việc thủ công trong bãi kết cấu thép… Và rực rỡ, tươi trẻ là những cô gái phiên dịch đến từ Việt Nam. Mới sang được 4 tháng mà nắng gió công trường đã nhuộm nâu làn da cô gái trẻ Trần Thanh, trông em rắn rỏi và khỏe khoắn như cô gái Lào. Còn Lê Na, cô phiên dịch có năng khiếu hội họa thì tỉ mẩn trang trí cabin nhỏ của mình thành tổ ấm xinh xắn thật vui mắt. Vẻ tươi tắn, hồn nhiên của các cô gái tuổi đôi mươi khiến công trường bớt đi sự khô khan, kết nối những cán bộ từ nhà thầu với đối tác gần nhau, dễ dàng hiểu nhau và vì vậy công việc cũng khá suôn sẻ. Nhìn các cô gái tinh nghịch và vui vẻ, tôi lại chạnh nhớ tới Tâm, em gái nhỏ duy nhất ngày nào tôi gặp ở công trường thủy điện Sông Tranh 2 nơi vùng đất Bắc Trà Mi (Quảng Nam) hẻo lánh. Các cô gái âm thầm cống hiến một phần tuổi xuân cho các công trình rồi lại lặng lẽ về nơi nào đó, mấy ai còn nhớ?
4. Sáng nay, nghe bản tin kinh tế Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin năm 2014 có khoảng trên 14.000 lao động mất việc làm, lòng bỗng thấy ưu tư. Vẩn vơ tôi lại nghĩ đến những bạn trẻ đang xa quê hương, đi làm ăn sinh sống trên đất bạn Lào. Công trình đang bước vào giai đoạn khẩn trương và Tết Nguyên đán của Việt Nam lại không cùng với Tết cổ truyền của nước bạn nên đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều lao động không được về quê ăn Tết. Trên trang facebook cá nhân, một bạn trẻ công tác tại Ban điều hành Dự án Hồng Sa viết: “Háo hức về thăm nhà từ 12... rồi lo công tiếc việc lại lùi lại 22... rồi thì háo hức, rồi thì hò hẹn... Rồi thì nhận tin Tết ở lại... Ôi ôi ôi... Hạnh phúc... Hạnh phúc... !Vâng, hạnh phúc vỡ cả tim”. Được biết, ít nhất sẽ có khoảng 100 cán bộ, kỹ sư và công nhân COMA sẽ phải ở lại ăn Tết Nguyên đán trên đất bạn Lào.
Tuy nhiên, có niềm an ủi là vượt qua mọi khó khăn, lãnh đạo TCty COMA và tổ chức công đoàn xác định quan tâm đặc biệt tới lương và thưởng cùng các chế độ Tết cho lao động trên công trường này, không để anh em thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Những ngày cuối năm, liên tục có các chuyến công tác của lãnh đạo TCty: Chủ tịch HĐQT Lê Văn Khương, Tổng giám đốc Dương Văn Hồng, Phó tổng giám đốc Trịnh Nam Hải, Chủ tịch Công đoàn Trần Như Hưng… sang với công trường, trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc để anh em ổn định công tác. Mừng cho họ có việc làm, thu nhập không tệ, lại có nơi ăn chốn ở điều kiện tương đối tốt trong hoàn cảnh xa nhà. Mấy ai hiểu rằng để triển khai Hợp đồng tham gia thi công Nhiệt điện Hồng Sa, lãnh đạo TCty COMA đã chấp nhận cả sự mạo hiểm khi đem tài sản riêng là những cuốn sổ đỏ thế chấp vay vốn ngân hàng vì trên nguyên tắc công trình làm đến đâu thanh toán đến đấy, không ứng vốn. Nếu là dân trong ngành ai cũng hiểu đây là hợp đồng khá… ”xương”, lợi nhuận không đáng kể nhưng việc giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ít nhất trong một năm trời, vượt qua giai đoạn khó khăn khủng hoảng này thì quả là ý nghĩa cũng đáng nói lắm thay!
Dương Hồng Diên
Theo