(Xây dựng) - Thơ ca dân gian là một loại hình văn học dân gian có đối tượng rộng, bao gồm phần lời thơ của các loại dân ca và lời thơ trong các hình thức sáng tác dân gian khác. Theo nghĩa đó, thơ ca dân gian của người Dao Quảng Ninh (gồm Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán) rất đa dạng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn là kho báu tiềm tàng chưa được khai thác.
Người Dao Thanh Y xã Bằng Cả (Hoành Bồ) trẩy hội làng.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, tác giả cuốn sách “Một số vấn đề về người Dao Quảng Ninh”, hiện là Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, kho truyện cổ, tục ngữ, dân ca, câu đố của người Dao rất phong phú. Bên cạnh đó, còn có nhiều sáng tác văn học khuyết danh được chép thành văn bản kể lại nhiều sự tích của người Dao đối phó với nạn hồng thuỷ, vượt biển tìm đất mới để làm ăn. Tất cả thường được diễn đạt bằng lối hát theo nghi thức, nội dung dân gian và một số được ghi chép trong các sách dạy hát bằng chữ Nôm Dao.
Họ hát kể về sự tích Bàn Vương, hát trong lao động, thơ ca nghi lễ phong tục, hát giao duyên, tâm tình bằng những lời ca hết sức say đắm. Lời hát phản ánh kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm lao động, trao đổi tình cảm nam nữ mang tính chất giao duyên, hát đám cưới, hát mừng nhà mới, hát cầu cúng, hát kể lại sự tích các thần, cầu khẩn lực lượng siêu nhiên phù hộ cho con người. Trong các lễ cấp sắc, lễ khai quang, hát đưa tang, cũng có một số bài kinh được thể hiện dưới dạng thơ ca. Các quyển kinh được đọc và ngâm theo điệu nhạc có đệm trống, chiêng hay thanh la.
Thơ ca dân gian của người Dao được dùng cho mọi đối tượng. Ở những bản làng người Dao, các già làng dùng lời ca nghi lễ để bày tỏ niềm tôn kính đối với các vị thần linh, các em nhỏ hát đồng dao để vui chơi, các chàng trai cô gái dùng lời hát giao duyên. Những bài ca dao chủ yếu được làm theo kiểu thơ thất ngôn, thỉnh thoảng có xen câu tứ ngôn, ngũ ngôn. Tách phần lời của dân ca người Dao ra đây đều là những bài ca dao hoàn chỉnh.
Theo anh Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hoá huyện Bình Liêu, người đang làm luận văn thạc sĩ về văn hoá Dao thì ở huyện miền núi này, những cô gái, chàng trai người Dao gặp nhau ngày hội, hát câu pả dung, sán cố mà giao duyên. Người Dao Thanh Phán ở xã Đồng Văn hát nhiều vào Ngày hội kiêng gió (mùng 4-4 âm lịch) rất độc đáo của dân tộc mình. Hàng năm, cứ đến hội này, người Dao khắp các bản làng ở Bình Liêu đều ra khỏi nhà từ rất sớm và chỉ trở về nhà khi mặt trời đã xuống núi. Họ tụ tập ở những nơi râm mát, phong cảnh nên thơ để tâm tình, hát pả dung cho nhau nghe. Ngoài hát pả dung thì hình thức hát sán cố là tục hát giao duyên ứng đối giữa nam và nữ có từ rất lâu đời cũng đang được bà con ra sức bảo tồn. Điều đáng mừng là mới đây, xã Đồng Văn đã mở một lớp dạy hát dân ca, thành lập được một câu lạc bộ hát pả dung.
Cùng với sử thi, thần thoại, truyền thuyết, cổ tích thì thơ ca dân gian của người Dao là di sản văn hoá phi vật thể quý giá góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, khẳng định bản sắc văn hoá dân tộc. Đồng thời, đây là nguồn tri thức dân gian rất quý phản ánh đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá của người Dao. Vì vậy, cần phải có những dự án bảo tồn và phát huy những yếu tố tích cực phục vụ cho cuộc sống hiện tại và tương lai.
Tuy nhiên, đây là việc làm có nhiều thử thách khi mà không phải ai cũng có thể nghe và hiểu được dân ca Dao. Các cụ già biết hát còn lại không nhiều. Theo Nghệ nhân dân gian Trương Thị Quý, người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả (Hoành Bồ), lời hát xưa rất khó hiểu, bởi đó là ngôn ngữ Dao cổ rất khó dịch lời ra tiếng phổ thông để mà hát. Nếu dùng chữ Hán để ký âm lời hát như cách các thầy mo vẫn làm thì lại rất ít người biết đọc chữ Nôm của người Dao.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể của người Dao cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng để nhiều người yêu và học tiếng Dao, dân ca Dao; phải dựa vào cộng đồng để tổ chức sưu tầm, nghiên cứu; đưa loại hình này vào trong các phong trào văn nghệ quần chúng và đào tạo đội ngũ kế cận say mê hát dân ca; khôi phục và phát triển các lễ hội văn hoá truyền thống của người Dao.
PV
Theo