(Xây dựng) - Nguy cơ các công trình xây dựng khi sự cố xảy ra sẽ không có người chịu trách nhiệm là hiện hữu khi mà ở rất nhiều tỉnh, thành phố việc kiện toàn, thành lập mới các BQLDA chuyên ngành, khu vực không được lãnh đạo UBND tỉnh chú trọng thực hiện.
Nam Định - đô thị đang phát triển nhưng nhiều dự án đầu tư rất lúng túng vì chính sách chưa rõ ràng.
Không được phép thuê tư vấn
Lãnh đạo một Sở Xây dựng lo ngại, khi pháp luật về xây dựng mới đã có hiệu lực, nếu không có BQLDA chuyên ngành được thành lập theo quy định của pháp luật, thì khi sự cố xảy ra sẽ không có người chịu trách nhiệm, do việc đầu tư xây dựng công trình không được thực hiện bởi một BQLDA chuyên ngành, có chuyên môn, có đủ điều kiện về năng lực. Trong khi đó, cũng không thể thuê được tư vấn bên ngoài vì thuê tư vấn là sai. Trước đây pháp luật xây dựng cho phép thuê tư vấn làm trưởng BQLDA, nhưng do không tin cậy tư vấn bên ngoài thì Luật Xây dựng mới phải giao cho BQLDA chuyên ngành để ban này quản lý tổng hợp.
Tại nhiều địa phương, không ít cơ quan muốn đầu tư xây dựng công trình nhưng không thể thuê được BQLDA chuyên ngành thực hiện chức năng tư vấn, giám sát. Lý do rất đơn giản là do các BQLDA chuyên ngành chưa được thành lập.
Tại tỉnh Nam Định, Sở Xây dựng đã trình UBND tỉnh về việc kiện toàn, thành lập mới các BQLDA chuyên ngành, BQLDA khu vực theo Luật Xây dựng 2014, từ ngày 31/7/2015, để tất cả lãnh đạo trong tỉnh đều biết. Tuy nhiên đến nay, không hiểu vì sao tỉnh này vẫn chưa có động thái cụ thể nào về việc thực hiện Luật Xây dựng 2014 là kiện toàn, thành lập mới các BQLDA chuyên ngành, khu vực trên địa bàn tỉnh.
Được biết, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao đã có văn bản chỉ đạo TAND tỉnh Nam Định về việc thực hiện đúng theo Luật Xây dựng khi thực hiện đầu tư xây dựng một công trình trên địa bàn tỉnh Nam Định. Do đó, TAND tỉnh Nam Định đã không ít lần gửi văn bản đến Sở Xây dựng Nam Định với mục đích xin thuê BQLDA chuyên ngành xây dựng dân dụng công nghiệp quản lý dự án của tòa.
Tuy nhiên, từ trước tới nay, Sở Xây dựng Nam Định chưa từng thành lập một BQLDA xây dựng nào, và cho tới thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng chưa thành lập BQLDA chuyên ngành. Vậy thì, TAND tỉnh Nam Định phải thực hiện Luật Xây dựng 2014 như thế nào theo chỉ đạo của TAND tối cao? Trong khi đó, bản thân TAND tỉnh Nam Định không phải cơ quan chuyên môn về xây dựng. Và, đơn vị này cũng không thể thuê tư vấn bên ngoài, như vậy là trái với luật pháp hiện hành.
Ai chịu trách nhiệm?
Ở tỉnh Nam Định, không chỉ có một dự án của TAND tối cao đang gặp vấn đề liên quan đến việc kiện toàn, thành lập mới các BQLDA chuyên ngành, mà còn vài dự án của các cơ quan Nhà nước khác. Và không chỉ riêng ở tỉnh Nam Định chưa có các BQLDA chuyên ngành, còn nhiều tỉnh, thành phố khác chưa thực hiện việc kiện toàn, thành lập mới các BQLDA. Vậy thì, đơn vị nào sẽ là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm về việc đầu tư xây dựng công trình, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm đối với những công trình Nhà nước nhưng không có sự tư vấn giám sát của các BQLDA chuyên ngành, để xảy ra sự cố, thất thoát, lãng phí, chất lượng công trình kém? Tại sao cùng một chính sách thực thi văn bản Luật có tỉnh triển khai rất trơn tru trong khi có những tỉnh cứ “nhìn” nhau để trì hoãn việc thực hiện Luật Xây dựng 2014?
Nhiều chuyên gia bức xúc cho rằng, Bộ Xây dựng cần phải có văn bản đôn đốc việc thực hiện kiện toàn các BQLDA chuyên ngành, khu vực, yêu cầu UBND tỉnh, thành phố khẩn trương thành lập các BQLDA chuyên ngành, khu vực, nếu không nhiều dự án trên cả nước sẽ bị đình chỉ do việc quản lý dự án không được quy về một mối. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn của các công trình xây dựng mà còn tiếp tục gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước đầu tư vào các dự án như trước đây.
Trong khi Nhà nước cùng nhiều cơ quan ban ngành khác tin tưởng vào những điểm mới của Luật Xây dựng 2014 cũng như sự nghiêm túc thực thi các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng của UBND cấp tỉnh, thì cho đến nay, đã là 1 năm kể từ ngày Nghị định 59/2015/NĐ-CP triển khai Luật Xây dựng 2014 về việc thành lập các BQLDA chuyên ngành, khu vực có hiệu lực, nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc kiện toàn, thành lập mới các BQLDA chuyên ngành, cho thấy một thực trạng đáng buồn về việc thực thi pháp luật xây dựng, chủ trương, chính sách Nhà nước của UBND cấp tỉnh.
Thanh Nga
Theo