Thứ tư 09/10/2024 01:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Thiết lập khuôn khổ quan hệ Việt Nam-Myanmar trong giai đoạn mới

10:51 | 24/08/2017

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Htin Kyaw, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar từ ngày 24-26/8/2017.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đây là chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng ta tới Myanmar sau 20 năm kể từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào năm 1997, diễn ra vào thời điểm Myanmar bước sang giai đoạn phát triển mới với một nền dân chủ mới, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước có sự phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực.

Quan hệ truyền thống tốt đẹp

Việt Nam và Myanmar có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, gắn bó, giúp đỡ nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước ngày nay. Hai nước chia sẻ nhiều lợi ích chung trong việc tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, đóng góp cho sự phát triển không ngừng của Cộng đồng ASEAN. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác tốt đẹp Việt Nam-Myanmar đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Anh hùng Aung San gây dựng nền tảng, các thế hệ nhân dân hai nước dày công vun đắp, mở rộng và phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực như ngày nay.

Việt Nam và Myanmar có quan hệ từ rất sớm (năm 1947) và ngay sau ngày Việt Nam giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ (28/5/1975).

Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn ở cấp cao và các cấp; thiết lập các cơ chế hợp tác song phương như: Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam-Myanmar; Tiểu ban hỗn hợp về Thương mại… Cơ chế đối thoại an ninh cấp Thứ trưởng giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Myanmar được ký và đang triển khai hiệu quả luân phiên thường niên. Hai bên trao đổi thông tin và hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định phòng chống tội phạm năm 2014, triển khai hiệu quả cơ chế trao đổi đoàn cấp Bộ trưởng 2 năm /lần… Hai bên đã ký Thỏa thuận về hợp tác quốc phòng song phương năm 2011, đạt một số kết quả trong lĩnh vực trao đổi đoàn và đào tạo...

Hai bên hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, có quan hệ hợp tác thường xuyên và chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương. Myanmar ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016; Hội đồng Kinh tế- Xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2018. Hai bên khẳng định tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, Liên hợp quốc, CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), Hợp tác kinh tế 3 dòng sông Ayayewady-Chao Phvaya-Mekong (ACMECS), Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC)…

Trong những năm qua, hai bên tiếp tục duy trì 12 lĩnh vực hợp tác ưu tiên gồm: Nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy sản, tài chính-ngân hàng, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai thác khoáng sản, sản xuất thiết bị điện, sản xuất và lắp ráp ô tô, xây dựng, đầu tư-thương mại.

Tạo bước đột phá trong quan hệ hợp tác hai nước

Tính đến tháng 2/2017, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 và là đầu tư lớn thứ 7 của Myanmar. Quan hệ thương mại duy trì ở tốc độ tăng trưởng cao, năm 2016 đạt 548,3 triệu USD, hoàn thành mục tiêu kim ngạch 500 triệu USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đặt ra. Nhiều thương hiệu sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam đã có mặt tại Myanmar, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng cũng như giá thành cạnh tranh. Tính đến hết tháng 2/2017, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư trên 2 tỷ USD vào các dự án tại Myanmar.

Hai bên đang duy trì cơ chế họp thường niên Tiểu ban hỗn hợp về thương mạị. Tại Kỳ họp lần thứ 9 được tổ chức ngày 28/2/2017 tại Việt Nam, hai bên đã đưa ra phương hướng tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai nước như: Tiếp tục thu hẹp danh mục các mặt hàng nhập khẩu vào Myanmar cần xin giấy phép nhập khẩu; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại hai nước; tạo điều kiện cho các dự án đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Myanmar, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, năng lượng, dịch vụ; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, trong đó có việc tạo thuận lợi hơn nữa cho xuất khẩu nông sản sang thị trường của nhau; hợp tác trong lĩnh vực giao thông, kết nối đường bộ, đường thủy, đường hàng không phục vụ vận chuyển hàng hóa và người giữa hai nước.

Về đầu tư, hiện Việt Nam có 59 dự án đầu tư sang Myanmar được cấp phép. Một số dự án tiêu biểu như: Trung tâm phức hợp Hoàng Anh Gia Lai; dự án thăm dò khai thác dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Công ty EDEN GROUP của Myanmar; dự án khai thác đá granit của Công ty cổ phần Sông Đà; Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel vừa được Chính phủ Myanmar cấp phép cho liên doanh với một đối tác của Myanmar.

Về du lịch, tháng 5/1994, hai bên đã ký Hiệp định hợp tác du lịch, Kế hoạch hợp tác Du lịch 2016-2018 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar. Năm 2010, cùng với việc mở đường bay thẳng, số lượng khách đi lại giữa hai nước tăng đáng kể, tuy nhiên lượng khách du lịch Myanmar đến Việt Nam còn hạn chế.

Myanmar là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển, với nguồn tài nguyên phong phú và diện tích lớn thứ hai trong ASEAN. Hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của Myanmar, sử dụng 2/3 lực lượng lao động chính của đất nước. Myanmar là quốc gia có tiềm năng to lớn về phát triển nông nghiệp chính vì vậy phát triển nông nghiệp nông thôn là một trong những ưu tiên lớn của Chính phủ Myamar.

Về hợp tác nông nghiệp, hai bên tiếp tục xúc tiến chương trình hợp tác nông nghiệp và trồng lúa giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar. Qua 5 năm triển khai và thử nghiệm, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Việt Trang đã chọn được những giống lúa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Myanmar và đang áp dụng khoa học kỹ thuật mới cho năng suất cao...

Bên cạnh đó, hai nước còn có nhiều dự án đã và đang được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực trong các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, năng lượng dầu khí, tài chính, ngân hàng…

Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Myanmar đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm thiết lập khuôn khổ hợp tác cụ thể hơn giữa hai nước; xác định phương hướng chỉ đạo, tạo đột phá cho quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước, nhất là thương mại, đầu tư, an ninh-quốc phòng.

Theo Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Huy Tăng: “Mục đích chuyến thăm cấp nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là thiết lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam​-Myanmar” nhằm tạo dấu mốc mới, tầm cao mới, động lực mới đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực”.

Theo NGUYỄN HỒNG ĐIỆP (TTXVN/VIETNAM+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load