Trúc Lâm Yên Tử (竹林安子) là một dòng thiền Việt Nam đời nhà Trần, do Trần Nhân Tông sáng lập. Trúc Lâm cũng là hiệu của Trần Nhân Tông, đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Đạo Viên, tiền bối của Trần Nhân Tông, Tổ thứ hai của dòng thiền Yên Tử. Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa và Huyền Quang. Thiền phái này được xem là tiếp nối của dòng Yên Tử, dòng Yên Tử lại là sự hợp nhất của ba dòng thiền Việt Nam của thế kỷ thứ XII - đó là dòng Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Tì-ni-đa-lưu-chi.
Nhà ga cáp treo mô phỏng kiến trúc tháp thời Trần tôn thêm vẻ đẹp thanh tịnh núi rừng Yên Tử.
Mạch nguồn trực tiếp
Thiền phái Trúc Lâm tuy do Đại đầu đà Trúc Lâm làm sơ tổ, nhưng mạch nguồn Yên Tử vốn bắt đầu từ Thiền sư Hiện Quang, chính sư là người khai sơn chùa Vân Yên, sau đổi là Hoa Yên, trên núi Yên Tử. Sư là đệ tử nối pháp của Thiền sư Thường chiếu, trước ở núi Từ Sơn, sau mới đến Yên Tử và chính là Tổ ban đầu của dòng truyền Yên Tử.
Kế tiếp là Thiền sư Hiện Quang là Quốc sư Trúc Lâm mà vua Trần Thái Tông gọi là Đại sa môn Trúc Lâm trong chuyến vượt thành lên núi của Vua đã thuật lại trong bài Tựa Thiền Tông Chỉ Nam. Đa số người đồng cho là Thiền sư Đạo Viên hay Viên Chứng.
Tiếp theo Quốc sư Trúc Lâm, là Quốc sư Đại Đăng, người đã từng về kinh thành Thăng Long hành đạo và tiếp nhận thêm dòng thiền Lâm Tế từ Thiền sư Thiên Phong người Trung Hoa.
Tiếp theo Quốc sư Đại Đăng là Thiền sư Tiêu Diêu, thầy của Thượng Sĩ Tuệ Trung, cũng gọi là Đại sư Phúc Đường ở Tịnh xá Phúc Đường mà Thượng Sĩ có hai bài thơ nói đến. Tiêu Diêu cũng là người đắc pháp với Ngài Ứng Thuận, dòng Vô Ngôn Thông.
Kế tiếp Thiền sư Tiêu Diêu, là Thiền sư Huệ Tuệ, mà theo Nguyễn Lang, tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận, đã cho là, sư vốn làm Hoà thượng đường đầu truyền giới pháp cho vua Trần Nhân Tông khi vua xuất gia.
Sau thiền sư Huệ Tuệ, mới chính là Đại đầu đà Trúc Lâm - Trần Nhân Tông. Kế đó là tổ sư Pháp Loa, tổ sư Huyền Quang.
Nét nổi bật của Thiền phái Trúc Lâm ông vua đi tu chứng ngộ làm Tổ
Đây là một nét đặc sắc ít có mà dân tộc Việt đã có. Từ một ông vua, mà không phải ông vua tầm thường; trái lại, một ông vua anh hùng của dân tộc, một ông vua đã lên tột đỉnh vinh quang, quyền uy, danh vọng đều đứng đầu thiên hạ, nhưng sẵn sàng bỏ lại tất cả không nuối tiếc, để sống đời xuất gia thoát tục, tu hành khổ hạnh, đạt đạo làm Tổ một dòng thiền.
Trong bài Sơn phòng mạn hứng, tức Khởi hứng nơi phòng trên núi, Ngài đã viết:
Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,
Danh lợi tâm tuỳ dạ vũ hàn.
Hoa tận vũ tình sơn tịnh tịnh,
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.
Dịch nghĩa:
Phải quấy niệm rơi theo hoa sớm,
Lợi danh tâm lạnh với mưa đêm.
Hoa sạch, mưa dừng non vắng lặng,
Chim kêu một tiếng lại xuân tàn.
Thống nhất các dòng thiền thành một dòng thiền Việt Nam: Đem lại niềm tự tin
Đại đầu đà Trúc Lâm đã dung hợp các dòng thiền thành một Thiền phái Trúc Lâm, phá đi ý nguyện vọng ngoại, trọng theo cái bên ngoài. Không phải tổ người nước ngoài mới hay, tổ người Việt Nam không hay. Không phải dòng thiền từ nước ngoài truyền vào mới hay, dòng thiền trong nước không hay. Cốt là người truyền thiền có thực tu, thực ngộ hay không? Với tinh thần căn bản của Thiền tông là: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”, tức chỉ thẳng ngay tâm người, ai nhận được bản tánh thì đủ cái nhân thành Phật. Vậy thành Phật là ở ngay trong tự tánh, không ở nơi nước này hay nước nọ, hoặc nơi người sứ này hay sứ kia. Hơn nữa, đã chỉ thẳng tâm người, thì ai không có tâm? Đã có tâm tức có thiền, nếu chúng ta sáng được tâm tức đạt yếu chỉ thiền, đâu phải tự khinh mình?
Đó là đem lại niềm tự tin cho dân tộc. Thiền dạy phải tự tin chính mình là gốc, thì ở đây Thiền phái Trúc Lâm đã ứng dụng điều đó vào thực tế.
Thiền Trúc Lâm Yên Tử: Sáng tạo không bắt chước y khuôn
Dám can đảm chuyển hoá các dòng thiền Việt Nam, lột bớt sắc thái ảnh hưởng từ bên ngoài. Các ngài tu hành vẫn ngộ đạo, vẫn đạt lý thiền sâu xa, nhưng cần giảng kinh thuyết pháp, cần khai thị thiền cơ thì khai thị thiền cơ. Cho đến cần người dạy làm lành lãnh dữ tu tập thiện nghiệp để chuyển hoá đời sống xấu ác mà vươn lên thì tuỳ duyên hướng dẫn, không cố chấp một chiều hay bắt chước rập khuôn. Đây là một điểm sáng tạo đúng với tinh thần thiền, không đóng khung kết một chỗ.
Nhìn lại các thiền sư Trung Hoa ít thấy các Ngài giảng kinh, nhưng thiền sư Trúc Lâm - Yên Tử thường giảng kinh. Điều ngự từng giảng Truyền Đăng Lục và sai Quốc sư Đạo nhất giảng kinh Pháp Hoa tại chùa Vĩnh Nghiêm. Thiền sư Pháp Loa giảng kinh Niết bàn, Lăng già, Pháp hoa và nhất là Hoa Nghiêm, sư giảng nhiều lần. Năm 1330, sư giảng kinh Hoa Nghiêm tại An Lạc Tàng Viện, cảm thấy sức yếu, bèn mời Trưởng lão Bích Phong giảng thay. Thiền sư Huyền Quang cũng từng giảng kinh Lăng Nghiêm.
Bởi Trung Hoa, ngoài Thiền Tông đã có các tông thuộc về giáo, ai cần hiểu giáo thì đến đó học. Còn ở Việt Nam không như vậy, chỉ một Giáo hội với Thiền phái Trúc Lâm như thế thì mới muốn hiểu rõ kinh giáo sẽ học ở đâu? Lại Đại tạng kinh mới thỉnh về đó để làm gì? Để làm sống dậy lời dạy của đức Phật, thì thiền sư là những người tu hành chân thật ngộ đạo, do đó càng sáng tỏ lý kinh rõ ràng, chính xác hơn, thấu tột những nghĩa lý xâu xa khó thấy, từ đó các ngài giảng kinh càng giúp cho người nghe hiểu thấu kinh cặn kẽ sâu hơn. Đọc sớ giải sao bằng nghe trực tiếp những lời sống từ nơi tâm thiền sáng ngời của các ngài toả ra!
Tinh thần nhập thế, Tăng tục đều có phần
Phật giáo đời Trần hay Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử không hạn cuộc sự giác ngộ giữa hàng xuất gia và hàng tại gia. Người xuất gia tu hành đúng mức, ngộ đạo được; người tại gia tu hành đúng mức ngộ đạo được. Ở núi rừng này, chốn chế đô, thành thị đều có thể sáng tạo được cả. Bởi, đúng như chủ trương của Thiền tông; lấy Tâm làm Tông. Ngộ đạo hay thành Phật, làm Tổ, làm Thiền sư vốn ở ngay tự tâm chớ không đâu khác, nên ai có tâm đều có phần. Xuất gia hay tại gia, khéo soi lại chính mình, sáng được tâm thì đều có phần. Xuất gia hay tại gia, khéo soi lại chính mình, sáng được tâm thì đều có phần giác ngộ như nhau, chỗ ấy vẫn không hai. Bằng chứng cụ thể:
Vua Trần Thái Tông, đang ở trên ngôi vua, công việc bề bộn, vẫn công phu sáng được lý thiền. Chính vua đã tự thuật trong bài Tựa Thiền Tông Chỉ Nam: ”Trẫm thường đọc Kinh Kim Cang đến câu: ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, trong khoảng để quyển kinh xuống trầm ngâm, bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem chỗ ngộ này viết thành bài ca, đề tên là Thiền Tông Chỉ Nam”. Và ánh sáng đó đã được vua thể hiện trong những phần đối đáp và tụng cổ… Trong Khoá Hư lục, chúng ta đọc đã thấy rõ, chớ không phải Ngài chỉ nói suông.
Đốn ngộ ngay đời này
Với tinh thần đốn ngộ của Thiền Tông, Thiền phái Trúc Lâm nêu cao tông chỉ đốn ngộ ngay đời này, không phải mong đợi ở đời nào khác. Ai có công phu tương xứng thì chính ngay bản thân mình tức khắc thể nghiệm được chân lý mà chỉ có sau khi chết mới biết được, vậy làm sao chứng minh lẽ thực của nó? Làm sao bảo đảm để tin?
Chấn hưng Thiền phái Trúc Lâm
Thiền phái Trúc Lâm nổi bật nhất ở đời Trần với ba vị Tổ đầu, sau đó do nhiều yếu tố trong đó có hoàn cảnh chính trị, xã hội khiến những vị tu hành này phải tiềm ẩn hoặc rút về vùng núi yên tu, hoặc tư liệu bị thất thoát, nên trong lịch sử dường như lờ mờ một khoảng. Tuy vậy, sức sống thiền là ở nội tâm, không phải ở hình thức bên ngoài, do đó hình thức không thể dập tắt được, trừ khi nơi nội tâm người tu đã tắt. Trái lại, dù là ở nơi xa vắng ít ai biết tới, nhưng nội tâm vẫn có sức sống sáng ngời, thì mạch nguồn thiền vẫn còn trôi chảy, đủ duyên thì nó sẽ bùng dậy.
Và thực tế đã chứng minh điều đó. Sau thời gian dường như tiềm ẩn, đến thời Hậu Lê, Thiền sư Chân Nguyên lại xuất hiện trung hưng.
Vào thế kỷ XVII, Thiền sư Chân Nguyên trụ trì chùa Long Động đã có công làm sống dậy ngọn gió Thiền Trúc Lâm - Yên Tử sau một thời gian như chìm ẩn. Sau được sư được truyền thừa y bát Trúc Lâm, làm trụ trì chùa Long Động và chùa Quỳnh Lâm, khôi phục lại thiền phái Trúc Lâm.
Chính những tác phẩm quan trọng của chư Tổ Thiền phái Trúc Lâm nhờ sư mà được lưu hành rộng thêm, nhắc cho người nhớ lại trên đất Việt này, vốn đã có một sức sống thiền cao tuyệt, một mạch nguồn Tổ đạo bất diệt, chúng ta là những người đi sau dòng máu Việt ấy, phải có bổn phận khơi dậy mạch nguồn kia, khiến cho sức sống nhiệm mầu được truyền mãi không gián đoạn. Muốn vậy, chính mình phải bắt nguồn được mạch sống ấy, tức phải có công phu tu hành thực sự để chứng nghiệm trong đó, rồi từ sự chứng nghiệm chân thật của chính mình, mình mới đem ra đánh thức, truyền hơi cho mọi người. Yên Tử linh thiêng cũng chính từ trong ấy.
Tức là, vua, Tổ đã mở đường đi trước, đã vun đắp, trồng sẵn mầm cây Bồ đề đó rồi, hoa quả tiếp tục nở, kết trái và dõi truyền luôn luôn trong lòng đất Việt. Người tu hành phải nhớ ngộ được tâm tông, đó mới là chỗ chân thật nhiệm màu, là sức sống của Tổ, của Phật. Mình tiếp được sức sống đó, là làm sống dậy Tổ đạo, là khơi mạch nguồn chân thật cho người, Chánh pháp không gián đoạn thế gian cũng từ đó.
Thiền sư Chân Nguyên quả thật đã bắt được mạch nguồn Thiền phái Trúc Lâm bằng chính sức sống chân thật nơi nội tâm và khơi dậy cho người đúng ý nghĩa của nó, không phải trên hình thức suông. Tiếp theo Thiền sư Chân Nguyên, Thiền phái Trúc Lâm vẫn được các đệ tử phát huy, những tư liệu quý báu được nối tiếp khơi dậy làm cơ sở cho người nghiên cứu.
Hòa thượng Thích Thông Phương
Theo