Thị xã Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) chính thức được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2004 trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 7 xã, thị trấn thuộc huyện Mê Linh (cũ). Với sự nỗ lực và quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, chỉ sau 5 năm, thị xã đã vươn lên trở thành một trọng những trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn nhất của tỉnh, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động không chỉ của tỉnh mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Với vị trí địa lý, hệ thống giao thông thuận lợi, Phúc Yên có điều kiện để phát triển đa dạng các ngành kinh tế. Trong đó, tập trung phát triển theo cơ cấu: Công nghiệp- dịch vụ- du lịch- nông, lâm, nghiệp. Những năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng của thị xã đều tăng từ 30- 35%; tổng thu ngân sách năm 2007 và 2008 đạt gần 11.000 tỷ đồng, chiếm 70% tổng thu ngân sách của cả tỉnh.
Các hoạt động dịch vụ, du lịch luôn được thị xã quan tâm, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng và viễn thông. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 8 chi nhánh ngân hàng hoạt động, trong đó có 3 ngân hàng chi nhánh cấp 1; các dịch vụ chuyển tiền, thanh toán thẻ ATM phát triển mạnh. Mạng điện thoại liên tục được mở rộng và ngày càng được hiện đại hóa, số thuê bao cố định, di động trung bình hàng năm tăng 20- 25%, đạt bình quân 20 máy cố định/100 dân. Các đơn vị kinh doanh vận tải ngày càng phát triển, với hơn 300 cơ sở kinh doanh vận tải hàng hóa và hàng khách cho doanh thu tăng bình quân hàng năm 30- 35%. Hoạt động du lịch từng bước được đa dạng hóa, tạo mối liên kết với các điểm du lịch trong tỉnh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2008, giá trị ngành dịch vụ, du lịch của thị xã ước đạt 3.500 tỷ đồng, trung bình hàng năm tăng 20- 22%.
Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thị xã định hướng phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Với việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất đã nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp. Năng suất lúa hàng năm bình quân đạt 4,5 tấn/ha, sản lượng lúa trung bình đạt 17 ngàn tấn/năm; đặc biệt, thị xã đã chuyển đổi thành công giống lúa Cao sản cho năng suất 7,1 tấn/ha. Hiện nay, Phúc Yên đã có vùng sản xuất rau an toàn ở Tiền Châu, Nam Viêm; mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Cao Minh, Ngọc Thanh; mô hình ứng dụng thức ăn sinh hoạt tạo sản phẩm thịt sạch cung ứng cho thị trường và xuất khẩu ở Phúc Thắng, Đồng Xuân.
Thực hiện đề án chuyển đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, thị xã đã quy hoạch 950 ha trồng lúa, 550 ha cây ăn quả; quy hoạch các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Bình quân hàng năm, thị xã có 800 con trâu, bò; 23.000 con lợn; 190.000 con gia cầm; 160 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 40 mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp.
Bên cạnh sự tăng trưởng về kinh tế, thị xã Phúc Yên luôn quan tâm đến phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thực hiện các chế độ, chính sách bảo đảm tiến bộ, công bằng và dân chủ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Hiện nay, toàn thị xã có 18 trường có phòng máy vi tính, 86,1% phòng học được kiên cố; chất lượng dạy và học ngày càng tiến bộ. Trong 5 năm từ năm 2004 đến nay, đã có 22 học sinh giỏi quốc gia, 4186 học sinh giỏi cấp tỉnh. Thị xã đã thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được quan tâm. Hàng năm, ngành y tế đã tổ chức khám, chữa bệnh cho hàng chục nghìn lượt người; tiêm chủng mở rộng cho hàng nghìn trẻ em trong độ tuổi với đủ 6 loại văcxin…
Ngoài ra, công tác quốc phòng, an ninh được quan tâm xây dựng và củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm đã góp phần quan trọng cho sự phát triển không ngừng của thị xã.
PV
Theo baoxaydung.com.vn