Thứ sáu 19/04/2024 23:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thị trường có những diễn biến trái ngược sau vụ ngân hàng SVB sụp đổ

15:25 | 18/03/2023

Ngắn hạn, dòng tiền vẫn tương đối yếu do mặt bằng lãi suất còn cao, những điểm nghẽn về trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản chưa được giải quyết triệt để.

Thị trường có những diễn biến trái ngược sau vụ ngân hàng SVB sụp đổ
Hai phiên giao dịch đầu tuần, các chỉ số chứng khoán chịu áp lực điều chỉnh do ảnh hưởng từ diễn biến tiêu cực trên thị trường quốc tế sau vụ ngân hàng Silicon Valley Bank tại Mỹ sụp đổ. (Ảnh: Vietnam+)

Thị trường chứng khoán trong nước đã trải qua một tuần giao dịch nhiều biến động với nhiều thông tin quan trọng trái chiều được công bố.

Sau tuần giao dịch, VN-Index dừng ở mức 1.045,1 điểm, giảm 0,8% và HNX-Index cũng sụt 1,6% xuống mức 204,5 điểm và UpCoM-Index mất 0,5% về mức 76,4 điểm.

Khối ngoại mua ròng mạnh

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết hai phiên giao dịch đầu tuần, các chỉ số chứng khoán chịu áp lực điều chỉnh do ảnh hưởng từ diễn biến tiêu cực trên thị trường quốc tế sau vụ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) tại Mỹ sụp đổ. Tâm lý thận trọng bao trùm kéo chỉ số VN-Index lùi về vùng hỗ trợ 1.030-1.040 điểm.

Tuy nhiên, thị trường bất ngờ đón thông tin hỗ trợ trong phiên ngày thứ 4 sau khi Ngân hàng nhà nước Việt Nam giảm một số lãi suất điều hành chủ chốt. Theo ông Hinh, lực cầu mua vào đã được kích hoạt đồng thời kéo VN-Index bật tăng ấn tượng 2,1% trong phiên ngày thứ Tư.

“Đà hứng khởi không duy trì được lâu khi chỉ số VN-Index mất điểm trong 2 phiên cuối tuần, khi hoạt động cơ cấu của các quỹ ETF và phiên đáo hạn phái sinh ảnh hưởng mạnh tới diễn biến thị trường,” ông Hinh nói.

Số liệu ghi nhận trên thị trường, mức thanh khoản đã được cải với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn đạt 11.713 tỷ đồng/phiên, tăng 18,2%. Ông Hinh chỉ ra Điểm tích cực là khối ngoại quay lại mua ròng mạnh với giá trị 2.163 tỷ đồng trên sàn HoSE đạt (tăng 136% so với tuần trước) nhờ hoạt động giải ngân của các quỹ ETF như VNM ETF, Fubon ETF. Tương tự, các nhà đầu tư nước ngoài cũng gia tăng 76% giá trị mua ròng trên HNX và đạt 168 tỷ đồng. Song, họ bán ròng nhẹ 16 tỷ đồng trên sàn UpCoM- Index (tăng 17%).

Về diễn biến thị trường, báo cáo phân tích của VNDIRECT cho biết nhóm ngành bất động sản có diễn biến tích cực nhờ những thông tin hỗ trợ, như Nghị định 08, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành. Trong đó, đà tăng của ngành được dẫn dắt bởi các mã VHM (+1,2%), NVL (+3,1%), DIG (+3,7%) và DXG (+2,2%).

Ngoài ra, nhóm ngành chứng khoán cũng chứng kiến một tuần giao dịch thuận lợi, do được hưởng lợi từ xu hướng lãi suất giảm, bao gồm SSI (+0,7%) và VND (+1,4%).

Ngược lại, cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng chịu ảnh hưởng tâm lý tiêu cực khi cổ phiếu ngân hàng tại Mỹ và châu Âu bị bán tháo sau sự kiện ngân hàng SVB sụp đổ. Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng lớn, như BID, STB, CTG, TCB giảm điểm và là nhân tố chính khiến các chỉ số chứng khoán trong nước điều chỉnh trong tuần vừa qua.

Diễn biến thị trường chứng khoán theo nhóm ngành:

Thị trường có những diễn biến trái ngược sau vụ ngân hàng SVB sụp đổ
(Nguồn: SHS)

Chờ đợi tín hiệu từ FED

Về xu hướng thị trường trong tuần tới, ông Hinh cho rằng cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) diễn ra trong ngày 20 và 21/3 đang là tâm điểm chú ý của thị trường tài chính toàn cầu trong tuần giao dịch tới.

Theo ông Hinh, thị trường đang nghiêng về kịch bản FED tăng 25 điểm cơ bản lãi suất điều hành trong cuộc họp sắp tới. Một số tổ chức thậm chí dự báo FED có thể tạm ngừng nâng lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 3 (tuy nhiên xác suất này thấp hơn).

Ông Hinh phân tích, trong kịch bản cơ sở là FED tiếp tục tăng lãi suất điều hành, tâm lý của thị trường tài chính toàn cầu có thể vẫn sẽ thận trọng, chưa cải có sự cải thiện rõ nét. Mặt bằng lãi suất cao tiếp tục đặt ra thách thức đối với “sức khỏe” của một số tổ chức tài chính.

Trong nước, động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là tích cực đối với thị trường chứng khoán. Tuy vậy, ông Hinh cho rằng tác động trong ngắn hạn sẽ chưa lớn và cần có thời gian để hiệu ứng tích cực lan tỏa tới các ngành, nghề và hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong ngắn hạn, dòng tiền nội vẫn tương đối yếu do mặt bằng lãi suất trên thị trường vẫn còn cao hơn thời điểm trước COVID-19, cũng như những điểm nghẽn về trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, việc quỹ Fubon ETF chia nhỏ lượng giải ngân vào thị trường cũng khiến cho tác động tích cực của dòng tiền ngoại là không lớn.

“Do vậy, thị trường trong nước sẽ khó bứt phá trong ngắn hạn và chỉ số VN-Index nhiều khả năng vẫn giao dịch trong biên độ hẹp từ mức 1.030-1.070 điểm trong tuần tới,” ông Hinh nói.

Về kỹ thuật, ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội chỉ ra biểu đồ của VN-Index cho thấy biến động trong 5 tuần gần đây là không lớn. Điều này kỳ vọng VN-Index đã hình thành giai đoạn điều chỉnh và tích lũy ngắn hạn với khối lượng giao dịch thấp. Chỉ số có thể tăng trở lại theo kênh ngắn hạn nếu trong tuần tới hồi phục vượt lên trên đường MA20 (20 ngày), trong trường hợp này mốc kỳ vọng của VN-Index là 1.150 điểm (có thể cao hơn theo đường kháng cự hướng lên của kênh tăng giá).

Song, ông Thành cảnh báo nếu thị trường tiếp tục đi ngang hoặc điều chỉnh trong tuần tới thì xu hướng tích lũy chặt chẽ sẽ dần chiếm ưu thế và lúc đó VN-Index xác định xu hướng tới khu vực cân bằng 1.050 điểm để tích lũy “cạn kiệt.”

Với góc nhìn trung-dài hạn, ông Thành nhận định thị trường chứng khoán toàn cầu cũng đang trong vùng điều chỉnh khá mạnh nhưng VN-Index vẫn duy trì được trạng thái đi ngang, điều này cho thấy mức độ tin cậy của xu hướng tích lũy đang tăng lên.

Ngoài ra, ông Thành cho rằng thị trường trong ngắn hạn vẫn có các cơ hội giải ngân nhưng không nhiều./.

Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load