(Xây dựng) - Có thể thấy, chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng đã có 04 công điện, hàng loạt nghị quyết, nghị định… được ban hành nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn và phục hồi trở lại cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng, bất động sản mặc dù nhận được nhiều trợ lực về mặt chính sách nhưng vẫn cần nhiều cơ hội đó là dòng tiền, mặt bằng giá giảm…
Thị trường bất động sản cần nhiều cơ hội bên cạnh trợ lực về chính sách để phục hồi (ảnh: TL). |
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, từ cuối năm 2022, Chính phủ và các Bộ, ngành đã vào cuộc với nhiều chính sách hỗ trợ quyết liệt.
Đáng lưu ý, Thủ tướng Chính phủ đã ký liên tiếp ba công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách. Đó là, Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.
Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; ký Công văn số 178/TTg-CN về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản.
Cùng với đó là Nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai chính thức được ban hành.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 02/2023 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; Thông tư 03/2023 quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp kể từ ngày 24/4.
Mới đây nhất, ngày 27/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Công điện 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tại Công điện này, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp, chủ thể có liên quan chung sức, đồng tâm, hợp lực để vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Các chuyên gia dự báo, với những chính sách vừa được Chính phủ ban hành, thời điểm xuất hiện tín hiệu đảo chiều thị trường bất động sản sẽ rơi vào quý IV/2023 hoặc muộn hơn là vào giữa năm 2024. Lúc này, lượng hàng tồn kho trên thị trường sẽ giảm mạnh.
Một yếu tố nữa cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đảo chiều của thị trường bất động sản đó là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân hiện nay vẫn khá chậm. Nếu tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, cộng với việc thu hút nguồn vốn FDI duy trì tốt so với các năm, kết hợp với các chính sách nói trên thì thời điểm thị trường địa ốc lấy lại đà tăng trưởng sẽ diễn ra sớm hơn.
Tiếp đó, từ giữa tháng 3/2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có ba lần liên tiếp hạ lãi suất điều hành, cho thấy chính sách tiền tệ đang giảm dần mức độ thắt chặt. Đây được cho là một tín hiệu tốt đối với nền kinh tế, kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến bất động sản.
Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển nhận định, mặc dù tình trạng căng thẳng thanh khoản hiện đã được giải quyết nhưng lãi suất hạ nhiệt chưa phải là dấu hiệu của nền kinh tế thừa tiền. Do đó, dòng tiền chưa thể ngay lập tức đổ vào các kênh đầu tư như chứng khoán và bất động sản.
Bên cạnh đó, sự khác biệt quan trọng nhất của giai đoạn hiện nay và 10 năm trước chính là giá cả.
Do vậy, muốn thị trường bất động sản phục hồi trở lại thì phải xuất hiện một số cơ hội. Thứ nhất là dòng tiền xuất hiện, thứ hai là mặt bằng giá đã giảm xuống một mức nào đó đủ để người mua tin tưởng và chấp nhận.
Nhận định về triển vọng năm 2024, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, xét trong bối cảnh kinh tế thế giới có sự phục hồi, xuất khẩu ổn định và nền kinh tế thị trường nội địa thuận lợi hơn…, kịch bản thị trường bất động sản “tan bang” là khá rõ nhưng sẽ tập trung ở khu vực dân cư đô thị, vùng có thể đầu tư khai thác được. Lúc này, mặt bằng giá sẽ giảm hoặc đi ngang chứ không có chuyện tăng.
Tuy nhiên đánh giá chung năm 2024, khả năng dòng tiền nhàn rỗi quay lại thị trường bất động sản sẽ không cao do nhiều người ôm đất hiện nay đang phải gồng lãi vay ngân hàng từng ngày; thị trường sẽ không xuất hiện các nhà đầu tư mới đổ tiền mua bất động sản giống như một làn sóng trước đây…
Nhật Minh
Theo