Sau xuất hiện của BigC và Metro Cash & Carry, thị trường bán lẻ Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều tên tuổi cũng như thương hiệu của các tập đoàn và nhà bán lẻ nước ngoài như Lotte, E-mart của Hàn Quốc, Aeon của Nhật Bản, Berli Jucker (BJC) và Central Group của Thái Lan… và tới đây có thể là Walmart - chuỗi siêu thị lớn nhất của Mỹ.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị BigC, Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)
Nhiều người cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, với việc thực hiện các cam kết về xóa bỏ hàng rào thuế quan, nới lỏng các điều kiện hạn chế về hải quan…, thị trường bán lẻ Việt Nam đã thực sự mở cửa.
Đây là cơ hội chờ đợi từ lâu, mà các nhà bán lẻ nước ngoài đang hướng đến một thị trường với hơn 90 triệu dân như Việt Nam.
Một thị trường không chỉ tiềm năng vì có sức tiêu thụ hàng hóa lớn mà còn có điểm yếu, chính là khả năng cạnh tranh của hàng hóa nội địa, cũng như của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Trao đổi với báo chí, bà Trầm Thị Mỹ Hòa, Tổng vụ quản lý hành chính, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung tâm thương mại Lotte Vietnam chi nhánh Cần Thơ cho biết, doanh nghiệp luôn có chính sách khuyến khích, ưu tiên nhập bán các hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam, do các nhà sản xuất tại địa phương cung cấp.
Bởi lẽ, sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm các chi phí như vận chuyển, bảo quản cấp đông…; thậm chí đơn giản hóa việc phải nhập khẩu các nguồn hàng từ nước ngoài, vốn còn nhiều vướng mắc về hải quan, các thủ tục kiểm dịch, soát xét xuất xứ.
Điều quan trọng nhất để lựa chọn hàng hóa địa phương và chọn đối tác là các nhà sản xuất, các nhà cung cấp hàng hóa địa phương cần đáp ứng những tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, về chất lượng theo quy định đã cam kết với doanh nghiệp; chào giá với mức cạnh tranh và đảm bảo cung cấp nguồn hàng ổn định, bà Hòa nhấn mạnh.
Thực tế khảo sát tại nhiều trung tâm thương mại, siêu thị bán lẻ thuộc hệ thống của Lotte cùng nhiều nhà bán lẻ nước ngoài khác như Metro, BigC… những mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau xanh, trái cây, bánh kẹo; nhóm hàng nhu yếu phẩm như đường, sữa, bột giặt… các nhóm hàng đồ gia vị; các mặt hàng văn phòng phẩm, thiết bị điện đơn giản và dụng cụ gia đình… đa số đều là hàng Việt Nam và của các nhà sản xuất Việt Nam.
Điều đó cho thấy, tại thời điểm này, hàng Việt Nam; chỗ đứng của các nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa Việt Nam chưa bị áp đảo trên thị trường bán lẻ.
Bình luận về nguy cơ xâm lấn của các nhà bán lẻ nước ngoài, ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam đang hướng tới một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Ở đó, mọi thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp đều có quyền chia sẻ miếng bánh thị phần tùy vào khả năng cạnh tranh của bản thân và sự đón nhận của thị trường.
Sự khác biệt giữa nhà bán lẻ trong nước và nhà bán lẻ nước ngoài là có chênh lệch. Song khi gia nhập thị trường đồng nghĩa với việc phải chấp nhận cạnh tranh và cạnh tranh một cách sòng phẳng, lành mạnh.
Xét ở góc độ nào đó, cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước cũng đem lại những yếu tố tích cực. Ví dụ: người tiêu dùng sẽ có quyền lựa chọn sản phẩm hàng hóa và những dịch vụ có chất lượng cao hơn, giá thành rẻ hơn, đảm bảo các quy chuẩn sạch, an toàn, hợp vệ sinh theo những tiêu chí do các tổ chức quốc tế chứng nhận.
Các nhà doanh nghiệp và nhà sản xuất muốn đáp ứng được những yêu cầu này cần phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách thay đổi tư duy quản lý, quản trị; phải nâng cao trình độ và tay nghề cho người lao động; phải tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, trang bị máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất… Làm sao đó để nâng chất cho những sản phẩm mà mình làm ra. Có được điều này, sản phẩm hàng hóa Việt Nam sẽ giữ vững được vị trí của mình trên thị trường bán lẻ trong nước; đồng thời đủ tầm để vươn xa hơn ra thị trường ngoài nước, ông Nhung nhấn mạnh …
Theo Thạch Huê/Vietnamplus
Theo