Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục Phó Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương: “Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường ASEAN khoảng 35 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này khoảng 40 tỷ USD".
Tuy nhiên, quan hệ thương mại của Việt Nam với ASEAN so với tiềm năng thì vẫn còn rất nhiều hạn chế, bà Oanh nhấn mạnh.
Ảnh minh họa.
Đồng quan điểm này, bà Phạm Thị Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) tại Hội thảo Thị trường ASEAN – Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam do Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức ngày 19/12 nhận định rằng: trong nội khối ASEAN cũng như quan hệ của ASEAN với nhiều đối tác khác trên thế giới đã có nhiều hiệp định thương mại được ký kết.
Điển hình như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan (CEPT), Hiệp định thương mại ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Ấn Độ, ASEAN-Australia, New Zealand. Tiến trình đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại khác cũng đang tiếp diễn…
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để tận dụng các cơ hội từ khu vực ASEAN, doanh nghiệp cần xem đổi mới là nhiệm vụ trọng tâm. Để có thể đổi mới được thì doanh nghiệp phải luôn sáng tạo, áp dụng Khoa học và Công nghệ, đổi mới sản phẩm.
Khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào năm 2015, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, để tận dụng được điều này, các doanh nghiệp phải tự nỗ lực để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, xác định cơ hội thị trường.
Một kinh nghiệm cụ thể được ông Nguyễn Mạnh Dũng – Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối đưa ra là: các doanh nghiệp lĩnh vực nông sản thực phẩm cần lưu ý nhất không phải chỉ là những quy định về khung pháp lý, mà quan trọng nhất là những quy định về an toàn thực phẩm.
Cùng đó, bản thân các doanh nghiệp phải chủ động về mặt công nghệ, thiết bị chế biến bảo quản. Đơn cử như ngay khâu phân cấp sản phẩm, phân loại nguyên liệu không làm được tốt thì không có sản phẩm tốt để đáp ứng nhu cầu thị trường, trong ASEAN cũng thế mà trong thị trường cũng vậy.
Các chuyên gia thương mại nhận định ASEAN được biết đến là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 3 của các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ sau thị trường Hoa Kỳ và EU.
Hiện nay Việt Nam đã tham gia đầy đủ tiến trình tự do hóa thương mại trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN và ASEAN mở rộng.
Việc tham gia tiến trình đã tạo nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít khó khăn cho các doanh nghiệp như rào cản phi thuế quan, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của hàng xuất khẩu.
Theo lộ trình cam kết, đến năm 2015, có tới 90% các dòng thuế giảm xuống 0%, phần lớn các dòng thuế sẽ đưa về 0% vào năm 2018. Trong khi đó, hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chưa tận dụng được tối đa lợi thế về giảm thuế theo các Hiệp định thương mại tự do.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại thiếu thông tin về các cơ hội và thị trường. Vì thế, để có thể tận dụng được hết các cơ hội này, theo bà Lê Hoàng Oanh, các doanh nghiệp cần tìm nguồn tham khảo hữu ích để nắm được những cam kết. Ngoài ra cũng cần tìm hiểu, tra cứu, xác định được các mức thuế ưu đãi.
Theo TTXVN
Theo