(Xây dựng) - Do gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thi công, vì thế UBND tỉnh đã có quyết định (số 467/QĐ-UBND, ngày 16-2-2017) cho phép điều chỉnh thời gian thi công tuyến cao tốc Hạ Long - cầu Bạch Đằng đến hết quý II-2017. Như vậy, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là phải hoàn thành dự án, song hiện các hạng mục mới đạt trên 70%. Nguyên nhân là do một số vị trí nền đường vẫn chưa tắt lún, các gói thầu đang phải giãn tiến độ để chờ đợi, kế hoạch hoàn thành dự án theo chỉ đạo của tỉnh xem ra khó thực hiện.
Thi công thảm nhựa nền đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng tại gói thầu XL-02.
Đến nay, phần đường của cao tốc Hạ Long - cầu Bạch Đằng (dài 16,352km), ở các vị trí nền đường ổn định đã thi công xong nền K98, một số vị trí đang thi công cấp phối đá dăm, thảm bê tông nhựa lớp 1 được 4,5km, thảm bê tông nhựa lớp 2 được 2,8km. Các cầu trên tuyến (chiều dài 3,847km) đã cơ bản xong các hạng mục cầu chính và chuyển sang lắp lan can thép, vệ sinh mặt cầu để chuẩn bị thảm nhựa (trừ cầu sông Rút). Gói thầu lắp đặt hệ thống ATGT, cây xanh và điện chiếu sáng đã bắt đầu triển khai, nhà thầu đang thực hiện lắp đặt cáp điện chiếu sáng trong bờ lan can các cầu, đã đúc thử được 20m giải phân cách giữa, đang chuẩn bị lắp cột đèn trên cầu.
Khó khăn nhất của dự án trong giai đoạn hiện nay là còn 3,5/6,9km nền đường và 2 nhịp đầu cầu sông Rút chưa tắt lún. Nguyên nhân là do tuyến đường thi công mới hoàn toàn, đi qua vùng đất có địa chất phức tạp, chủ yếu là đầm lầy và ao hồ. Gói thầu XL-03 thi công đường dài 5km thì có đến trên 3km nền đất yếu; đoạn qua Đầm Nhà Mạc dài 1,2km có chỗ sâu đến 25m là đất yếu. Mặc dù từ cuối năm 2015, các nhà thầu thi công dự án đã triển khai các biện pháp khắc phục, áp dụng công nghệ tiên tiến, như đóng cọc cát, bấc thấm, tổ chức đắp đất gia tải để xử lý đất yếu; tuy nhiên tốc độ lún cố kết của dự án khá phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Liễn, đại diện đơn vị tư vấn dự án, cho biết: Do tính chất phức tạp của dự án, đơn vị thường xuyên bám sát công trường, thực hiện quan trắc, kiểm tra liên tục từng vị trí để có báo cáo, đánh giá. Qua đó, thấy tốc độ lún cố kết của dự án khá chậm, lún không ổn định so với tính toán ban đầu. Nếu theo kết quả quan trắc, tính toán thực tế trước đây, các vị trí đất yếu sẽ tắt lún và có thể dỡ tải được trong tháng 2-2017, nhưng đến nay các vị trí trên vẫn lún từ 1,4-3,7cm/tháng. Tổng hợp kết quả quan trắc ngày 9-5-2017 nhận định, nhiều vị trí phải sau ngày 30-7-2017 mới có thể dỡ tải để tổ chức thi công được.
Cụ thể, tại gói thầu XL-03, đoạn từ Km18+755 đến Km19+800 hiện đang lún từ 1,9-3,7cm/tháng; vị trí 2 đầu cầu sông Rút trung bình lún 2,6cm/tháng, dự kiến sớm nhất sau ngày 30-7-2017 mới có thể dỡ tải, tổ chức thi công được. Các vị trí còn lại nhận định sẽ tắt lún sớm hơn, trong tháng 6-2017. Như vậy, phải sang tháng 8-2017 một số vị trí nền đất yếu của dự án mới tắt lún. Trong khi hằng tháng, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Bộ GT-VT đều tiến hành kiểm tra, khảo sát và yêu cầu các nhà thầu “phải tắt lún qua theo dõi thực tế mới cho phép dỡ tải để thi công tiếp”. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể dự án, mà còn gây khó khăn cho nhà thầu khi phải tổ chức thi công cầm chừng để chờ đợi nền đường ổn định.
Ông Hoàng Sơn Hải, Phó Giám đốc Công ty Cầu 12, nhà thầu thi công cầu Sông Rút, cho biết: Gói thầu thi công cầu Sông Rút là gói thầu quan trọng cần hoàn thành sớm để vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ thi công đường nối với cầu Bạch Đằng. Nhà thầu đã huy động thiết bị tối tân cùng lực lượng công nhân hùng hậu để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đây cũng là cầu đầu tiên thuộc dự án hợp long. Tuy nhiên, tại vị trí 2 đầu cầu gặp phải tình trạng đất yếu, dù đã tổ chức đắp đất gia tải từ cuối năm 2015, song đến nay nền đất vẫn chưa tắt lún. Công nhân trên công trường đã được bố trí làm những công việc khác, nhưng thiết bị phục vụ thi công vẫn đợi tại công trường.
Theo ông Hải, để xử lý các vị trí lún hiện nay tại cao tốc Hạ Long - cầu Bạch Đằng cần phải thay đổi phương án thiết kế, bổ sung thi công cọc xi măng đất thay cho nền đất hiện nay. Tuy nhiên, chi phí xử lý cho mỗi mố cầu đội lên rất cao, các khâu thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh thiết kế phức tạp. Vì thế, giải pháp tối ưu là tiếp tục đắp đất gia tải, thi công cầm chừng để đợi chờ. Cũng chính vì chưa thi công được 2 mố đầu cầu, do đó các hạng mục khác, như thảm nhựa mặt cầu, lắp đặt thanh co giãn cũng chưa thực hiện được. Điều này có thể khiến tiến độ dự án không đạt được như mong muốn.
Dù cả chủ đầu tư cùng các nhà thầu đã rất nỗ lực, nhưng những khó khăn trên đều liên quan trực tiếp đến yếu tố kỹ thuật, chất lượng công trình sau này, do đó không thể chủ quan. Dự kiến trong quý I-2018 Quảng Ninh sẽ đồng loạt đưa vào khánh thành chuỗi dự án giao thông trọng điểm, gồm tuyến đường cao tốc kết nối Hải Phòng với Khu kinh tế Vân Đồn, Cảng Hàng không Quảng Ninh... Như vậy, thời gian còn lại để hoàn thành cao tốc Hạ Long - cầu Bạch Đằng sẽ không nhiều, ngay sau khi nền đất yếu đã tắt lún, các nhà thầu cần rà soát, tính toán lại cụ thể từng vị trí để có giải pháp thi công cấp bách. Đối với các vị trí nền đường ổn định, cần tập trung tăng ca, tăng tốc hoàn thành trong quý II-2017 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
PV
Theo