Tại Hội nghị cuối kỳ 2011 Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), các nhà tài trợ đã cam kết dành gần 7,4 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam.
Con số này, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, tuy thấp hơn mức cam kết 7,9 tỷ USD tại Hội nghị CG cuối kỳ 2010, song nếu trừ đi khoản 500 triệu USD mà WB hỗ trợ khẩn cấp cho ứng phó với tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì tương đương năm ngoái.
“Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang diễn biến phức tạp, các đối tác phát triển vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, Việt Nam cũng đã trở thành một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, thì đây là một mức cam kết rất cao”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và khẳng định, từng đồng vốn ODA sẽ được Việt Nam sử dụng hiệu quả, đúng tiến độ, đúng mục đích để góp phần phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Quan trọng hơn, theo Bộ trưởng Vinh, những đồng vốn này sẽ là một nguồn lực quý để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, một kế hoạch đang được Chính phủ Việt Nam thúc đẩy thực hiện kể từ năm tới.
Tham dự Hội nghị CG, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, cùng với việc bày tỏ sự trân trọng đối với những khuyến nghị chính sách quý báu của các nhà tài trợ, đã một lần nữa phát đi thông điệp nhất quán rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả việc tái cơ cấu nền kinh tế trong năm 2012 và các năm tiếp theo.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên thông điệp về việc Việt Nam tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, cũng như tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng được phát đi. Cũng không phải là lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự cầu thị đối với các khuyến nghị chính sách từ các chuyên gia kinh tế.
Từ đầu năm tới nay, trong quá trình xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, xây dựng chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, liên tục các cuộc tham vấn chính sách đối với các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã được tổ chức, với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng đây là lần đầu tiên, cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển cho Việt Nam nhận được một thông điệp rõ ràng, nhất quán và mạnh mẽ đến vậy từ người đứng đầu Chính phủ Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị CG ngày 06/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh cụm từ “quyết liệt và có hiệu quả” khi nhắc tới những công việc sẽ được Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện trong năm 2012 và các năm tiếp theo.
“Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Và trong năm 2012, sẽ thực hiện quyết liệt và hiệu quả việc tái cơ cấu nền kinh tế, với ba trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng”, Thủ tướng nhấn mạnh và cam kết, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam, cũng như cam kết sẽ sử dụng hiệu quả từng đồng vốn ODA mà các nhà tài trợ đã dành cho Việt Nam.
Không chỉ cam kết tiếp tục dành cho Việt Nam những nguồn lực quý, điều quan trọng tại Hội nghị CG lần này, theo bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB tại Việt Nam, đó là các đối tác phát triển đã đối thoại một cách thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt, cũng như về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ đang quyết tâm thực hiện.
Hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam quyết định thiết lập một mô hình tăng trưởng kinh tế mới và điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng cho phù hợp hơn với thực tiễn, Điều phối viên Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam cho rằng, việc cải cách và tái cơ cấu nền kinh tế cần tính đến xây dựng khả năng chống đỡ trước những cú sốc không thể dự đoán được cả từ bên trong và bên ngoài đối với nền kinh tế và đối với cuộc sống của người dân. “Việc tái cơ cấu nền kinh tế cũng cần bao gồm cả các biện pháp nhằm tránh phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài và các DNNN như hiện nay, đồng thời cần tăng cường đầu tư cho khối DN tư nhân trong nước và các DN nhỏ và vừa, và rất nhỏ”, vị đại diện này nói.
Trong khi đó, ông Sanjay Kalra - đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng, ngoài những đòi hỏi trước mắt để ổn định kinh tế vĩ mô, còn có một yêu cầu lớn hơn là đặt nền kinh tế trên một con đường mới để hỗ trợ sự tăng trưởng tiếp tục lớn mạnh trong tương lai. “Cải cách các DNNN là rất quan trọng để giảm rủi ro cho nền kinh tế và tăng trưởng dài hạn. Chúng tôi hoan nghênh các bước đã được thực hiện để giảm đầu tư không hiệu quả và các kế hoạch để các DNNN thoái vốn khỏi các hoạt động ngoài ngành kinh doanh chính. Nhưng hơn nữa, việc quản lý, giám sát và tính minh bạch cần phải được tăng cường để cải thiện kết quả hoạt động của các DNNN một cách bền vững”, ông Kalra nói và cho rằng, những cải cách như vậy, nếu được thực hiện đúng, sẽ cải thiện sự phân bổ nguồn lực và đáp ứng nhu cầu đầu tư của nền kinh tế một cách hiệu quả hơn, đồng thời cũng làm giảm rủi ro đối với khu vực tài chính, cũng như tài chính công.
“Trong năm 2012, Việt Nam sẽ thực hiện quyết liệt và hiệu quả việc tái cơ cấu nền kinh tế, với ba trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng”. |
Một trong những vấn đề trọng tâm khác cũng nhận được sự quan tâm của các nhà tài trợ tại Hội nghị CG là kế hoạch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình bày.
Đồng thuận với kế hoạch này của Ngân hàng Nhà nước, cũng như đồng thuận với kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ Việt Nam đặt ra, song các đối tác phát triển của Việt Nam cũng cho rằng, kế hoạch này cần được cụ thể hóa, với những bước đi rõ ràng và minh bạch, và với một quyết tâm chính trị lớn.
“Việt Nam đã xác định tái cơ cấu, nhưng cần ý chí chính trị mạnh mẽ để thúc đẩy việc thực thi một cách đáng tin cậy. Phải hành động ngay, bởi nếu không, rất có thể Việt Nam sẽ rơi vào khủng hoảng. Việt Nam sẽ dễ dàng hơn nêu theo đuổi tái cơ cấu nền kinh tế ngay từ bây giờ, chứ không phải đợi đến khi khủng hoảng xảy ra”, bà Victoria Kwakwa nói.
Tố Vương
Theo baoxaydung.com.vn