(Xây dựng) - Câu chuyện đầu tư nhà máy xi măng (XM) hàng nghìn tỷ với đa phần là vốn vay (chủ yếu là vay ngoại tệ) trong khi vốn tự có chiếm tỷ lệ nhỏ, quá trình triển khai xây dựng nhà máy bị chậm tiến độ khiến đội vốn đầu tư cao, sản phẩm mới khó bán đã để lại cho ngành XM những “đống nợ” đáng lo. Và nhà máy XM Đồng Bành là “đống nợ” như thế.
Nhà máy XM Đồng Bành
Dũng cảm “ôm thay” COMA khối nợ nghìn tỷ
Với tổng mức đầu tư ban đầu 1.298 tỷ đồng, công suất 910.000 tấn xi măng/năm, nhà máy XM Đồng Bành là dự án được đầu tư bằng vốn Nhà nước, được Chính phủ cho phép đầu tư năm 2005. Trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 205,5 tỷ đồng, còn lại chủ yếu là vốn vay, dự án bị chậm tiến độ đến 54 tháng so với quyết định đầu tư khiến tổng mức đầu tư tăng thêm 207 tỷ lên 1.505 tỷ đồng, sản phẩm đầu ra là thương hiệu XM mới chưa chiếm lĩnh được thị trường nên sức tiêu thụ kém, điều này đã khiến XM Đồng Bành chìm trong nợ nần, sản xuất và kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ khó khăn về vốn, XM Đồng Bành còn gặp khó về nguyên liệu sản xuất. Với một nhà máy XM, chất lượng mỏ đá vôi rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng XM nhưng XM Đồng Bành lúc đó chưa chủ động được nguồn cung đá vôi, phải mua đá thương mại để phục vụ sản xuất, bị động cả về số lượng lẫn chất lượng.
Nằm trong Top 5 dự án đặc biệt khó khăn của ngành xi măng với khối nợ khổng lồ, nhà máy hoạt động không hiệu quả, đứng bên bờ vực sự phá sản, XM Đồng Bành phải tái cấu trúc khẩn cấp, và năm 2013, Tập đoàn The Vissai đã “gánh nợ” thay chủ cũ là COMA. Quyết định gánh nợ hàng nghìn tỷ đồng của The Vissai được coi là quyết định dũng cảm và táo bạo, bởi nếu không có tiềm lực tài chính đủ mạnh, không có chiến lược phát khiển đúng hướng, không có nguồn nhân lực đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo và quản lý có tầm thì The Vissai sẽ không thể vực dậy XM Đồng Bành sống dậy từ đáy vực thẳm.
Là nhà sản xuất xi măng tư nhân lớn nhất cả nước, sở hữu 5 nhà máy xi măng với tổng công suất 6 triệu tấn/năm, The Vissai là nhà đầu tư có tiềm lực, chiếm lĩnh tốt thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nên được xem là “mạnh thường quân” có thể vực XM Đồng Bành “sống lại” trong bối cảnh khó khăn của thị trường xi măng.
The Vissai đã tái cấu trúc XM Đồng Bành như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Đoàn - Trưởng phòng Hành chính, Cty CP XM Đồng Bành cho biết: Ngay sau khi chuyển giao về Tập đoàn Vissai ngày 19/3/2013, lập tức chúng tôi bắt tay vào tái cấu trúc toàn diện từ tài chính, sản xuất kinh doanh đến tổ chức, nhân sự… The Vissai đầu tư thêm trang thiết bị máy móc, đầu tư mỏ và có vốn lưu động. Chỉ sau 4 tháng khắc phục, lắp đặt thiết bị đến tháng 7/2013, XM Đồng Bành cho ra lò sản phẩm mới đầu tiên mang thương hiệu The Vissai. Hiện tại, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy đã bắt nhịp tốt cùng guồng máy của các nhà máy XM thuộc The Vissai.
Điều đáng mừng là sản lượng kế hoạch các năm đều đạt kế hoạch đề ra, hiện dây chuyền nhà máy chạy với công suất 2.700-2.800 tấn/ngày trong khi công suất thiết kế là 2.500 tấn/ngày, vượt công suất thiết kế 10-15%. Theo các chuyên gia tính toán, một nhà máy XM chạy trên 85% công suất thiết kế là bắt đầu có lãi thì XM Đồng Bành chạy 110-115% công suất là tín hiệu đáng mừng cả về mặt sản xuất kinh doanh lẫn tài chính.
Đánh giá lại chặng đường 4 năm về với The Vissai, ông Nguyễn Phúc Chuẩn - Phó Giám đốc Cty CP XM Đồng Bành nhấn mạnh: So với trước kia thì hiện nay thị trường kinh doanh tốt, thị phần của The Vissai ở khu vực phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc cũng tăng lên đáng kể. Hiện XM Đồng Bành đã mở rộng đến 17 nhà phân phối ở 6 tỉnh phía Bắc như: Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng. Ở các huyện trên những địa bàn chiến lược như Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, XM Đồng Bành mang thương hiệu The Vissai đều có mặt. Hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, máy móc sản xuất đều, hiệu quả sản xuất cao, thời gian dừng lò ít, tỷ lệ sửa chữa ít, đời sống thu nhập của cán bộ công nhân viên Cty ổn định hơn trước, chế độ chính sách cũng rõ ràng hơn. Việc trả nợ của XM Đồng Bành cũng đã có lộ trình, chúng tôi đảm bảo cân đối để trả nợ theo kế hoạch.
Mặc dù ngành XM hiện đang dư cung, cạnh tranh giữa các thương hiệu XM vô cùng khốc liệt, việc tiêu thụ sản phẩm của XM nói chung chứ không riêng nhà máy XM Đồng Bành gặp nhiều khó khăn. Với Đồng Bành thì khó khăn càng tăng gấp bội vì nhà máy đang trong quá trình trả nợ và khấu hao thiết bị nhưng toàn thể cán bộ lãnh đạo, công nhân viên nhà máy đang nỗ lực triển khai tốt chiến lược sản xuất kinh doanh mà lãnh đạo Tập đoàn The Vissai đề ra: Sản xuất sản phẩm chất lượng tốt và ổn định; tập chiếm trung lĩnh thị trường trong nước; gia tăng thị phần và độ phủ của XM Đồng Bành ở khu vực phía Bắc.
Từ việc vực dậy và tái cấu trúc XM Đồng Bành của The Vissai, cho ta thấy bài học sâu sắc khi đầu tư nhà máy xi măng chính là cần chuẩn bị được nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn chủ sở hữu phải cao, quá trình đầu tư đúng tiến độ, sử dụng dây chuyền thiết bị hiện đại, chuẩn bị nguồn nhân lực tốt, đặc biệt nhân sự cấp cao để quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh. Quản lý điều hành tốt, quản lý chi phí hiệu quả (từ khâu sản xuất đến tiêu thụ), tiết kiệm chi phí cũng chính là chìa khóa quan trọng để nhà máy xi măng không lo phá sản.
Vũ Huyền
Theo