(Xây dựng) - Không thể thay cây đô thị mà chỉ nghĩ đến giá trị hình thức trồng đồng loạt cho đẹp. Cây đô thị phải được trồng trong môi trường nhân tạo, bởi đường phố không có thổ nhưỡng tự nhiên, chúng ta phải cải tạo thổ nhưỡng đường đô thị để trồng cây. Về công nghệ, không thể đào một cây Vàng tâm ở Yên Bái về đường Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội trồng được.
Đó là khẳng định của TS. Phó Đức Tùng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lâm nghiệp đô thị, Trường Đại học Lâm Nghiệp trong buổi tọa đàm Từ đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội, do Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng tổ chức chiều 23/3 tại Hà Nội.
Công nghệ trồng cây xanh đô thị
Xét về công nghệ trồng cây xanh đô thị, TS. Phó Đức Tùng cho biết, các đô thị Việt Nam chưa bao giờ trồng cây đô thị đúng quy cách, nên cây bệnh tật là bình thường. Nếu chúng ta trồng mới mà không đúng quy cách thì lại tiếp tục bệnh tật và không được bằng các cây xanh hiện có. Trong điều kiện trồng không đúng kỹ thuật thì cây sống được là tốt rồi.
Cũng theo TS. Phó Đức Tùng, cần nắm được công nghệ trồng cây đô thị chứ không thể đưa một chuyên gia lâm nghiệp đi trồng cây đô thị. Cây đô thị giống như một mảng hạ tầng, nơi trồng cây ở nước ngoài (các nước áp dụng công nghệ trồng cây đô thị tiên tiến) phải có xa lộ rễ. Họ trồng toàn bộ bằng cá thể và phải có quy hoạch ngay từ đầu cùng với việc làm đường trước khi biết về cây, chọn loại nào.
Vị này cũng phân tích, trong môi trường thổ nhưỡng tự nhiên, một cây gỗ lớn có tuổi thọ khoảng 20 năm cần 100 m3 đất để phát triển bình thường, nên không thể áp dụng quy trình trồng cây bình thường vào trồng cây đô thị được, phải có công nghệ trồng cây đô thị.
Bên cạnh đó, cần phải tính toán đến không gian cho cây xanh đô thị phát triển. Nếu không áp dụng công nghệ thì nên căn cứ vào kinh nghiệm dân gian, dân người ta thấy cây nào sống được, trồng cây ấy là tốt nhất.
Không ở đâu chặt cây đồng loạt như Hà Nội
Nói về việc thực hiện đề án thay thế 6.700 cây xanh của Hà Nội, TS. Nguyễn Tiến Hiệp, đến từ Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam nhấn mạnh, không có đô thị nào trên thế giới thực hiện chặt, thay thế đồng loạt hàng nghìn cây như Hà Nội cả. Muốn có được một cây xanh đô thị đưa vào trồng phải có thời gian ươm từ 5 - 6 năm. Nên phải có sự chuẩn bị dài hơi, và phải có hội đồng tuyển chọn cây xanh để trồng.
Cái gì cũng có nguyên lý khoa học của nó, tại sao ven hồ nên trồng cây bụt mọc, cây bách tán nhật? Tại Hà Nội, chúng ta vẫn còn bài học trồng liễu ở ven sông Tô Lịch, giờ đã chết hết.
Để hình thành một hệ thống cây xanh đô thị thì yếu tố đầu tiên phải xây dựng quy hoạch vườn ươm vệ tinh để ươm các cây trồng theo quy hoạch cây xanh Thủ đô Hà Nội. Hơn nữa, phải lên được danh mục cây trồng rõ ràng khi thay thế, cây nào, trồng ở đâu.
TS. Nguyễn Tiến Hiệp dẫn chứng câu chuyện trồng hàng loạt cây Mỡ (cây Vàng tâm) trên đường Nguyễn Chí Thanh. Chúng tôi đang làm bảo tồn cây Vàng tâm ở cao nguyên đá Đồng Văn. Theo sách đỏ nói, cây này phân bố ở Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang... thuộc họ Ngọc Lan, phân bố vùng đồi núi cao khoảng 800m trở lên so với mực nước biển. Riêng Hà Giang có 21/55 loài Ngọc Lan, chỉ từ độ cao 300 - 400m mới trồng được cây này. Vàng tâm là tên rất chung chung chỉ một loài cây thuộc họ Ngọc Lan.
Với kinh nghiệm sinh thái học, TS. Nguyễn Tiến Hiệp dự báo cây Vàng tâm ở đường Nguyễn Chí Thanh khả năng chết rất cao vì không hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Hà Nội.
Bổ sung cho quan điểm trên, GS.TS. Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam đặt giả thiết: Nếu cây Vàng tâm có mọc được thì 10 năm nữa có bóng mát không? Hoa cây vàng tâm rất khó chịu ở giai đoạn cuối. GS.TS. Nguyễn Lân Dũng ví chuyện mang cây Vàng tâm về trồng tại Hà Nội giống việc người dân tộc thiểu số xuống núi rất khó sống.
"Và cho dù là Vàng tâm hay cây Mỡ thì đều thuộc họ Ngọc Lan, đều không thích hợp trồng ở đô thị Hà Nội chỉ cao 6m so mặt nước biển. Hơn nữa không thể cưa cây chỗ này để trồng chỗ kia", GS.TS Nguyễn Lân Dũng nhận định.
Đức Tuân
Theo